ClockThứ Hai, 12/06/2023 15:30

Giải quyết dứt điểm vướng mắc tại thủy điện Thượng Nhật

TTH - Nhiều kiến nghị đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân ảnh hưởng bởi thủy điện Thượng Nhật (Nam Đông) vẫn chưa được Công ty CP Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam giải quyết dứt điểm. UBND huyện Nam Đông yêu cầu địa phương, phòng, ban liên quan kiểm tra, rà soát nhằm xây dựng phương án đền bù, hỗ trợ đảm bảo quyền lợi của người dân.

Cho phép thủy điện Thượng Nhật tích nước với nhiều điều kiện ràng buộcPhạt chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật 500 triệu đồngĐề nghị thu hồi giấy phép sử dụng nước mặt thủy điện Thượng Nhật

leftcenterrightdel
0,3ha đất trồng cây cao su của bà Hồ Thị Búp (thôn A Tin, xã Thượng Nhật) vẫn chưa được chủ đầu tư đền bù thỏa đáng 

Thủy điện Thượng Nhật có công suất 11 MW nằm ở xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, do Công ty CP Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư. Dù đi vào vận hành đã lâu nhưng những vướng mắc, tồn tại trong công tác đền bù, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng tại xã Thượng Nhật vẫn chưa được chủ đầu tư giải quyết dứt điểm. Các thiếu sót, chưa đảm bảo quyền lợi dẫn đến người dân kiến nghị kéo dài lên các cấp chính quyền.

Theo tìm hiểu của PV, Công ty CP Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam đã xây dựng kế hoạch sử dụng đất trình Sở TN&MT phê duyệt. Tuy nhiên đến nay, công ty này vẫn chưa có phương án bồi thường, chi trả cho ông Hồ Văn Sỹ (thôn A Tin, xã Thượng Nhật). Cụ thể, phương án đền bù được niêm yết công khai là 1,3ha đất nhưng khi chi trả đền bù chỉ thực hiện 1ha (gần 600 triệu đồng), còn 0,3 ha còn lại công ty cho rằng đất hoang hóa nên không đền bù.

Bà Hồ Thị Búp (vợ ông Hồ Văn Sỹ) cho biết, đối với thủy điện Thượng Nhật, hộ gia đình chúng tôi bị ảnh hưởng đất rừng sản xuất khá nhiều, nhưng đến nay việc bồi thường vẫn chưa thỏa đáng. 1,3ha đất cao su của gia đình giờ nằm trong lòng hồ thủy điện đến ngọn cây nước ngập không nhìn thấy. Năm 2020, khi tiến hành nhận tiền đền bù chỉ được chi trả 600 triệu đồng cho 1ha, còn 0,3ha còn lại, công ty nói là đất để hoang hóa lâu ngày không sản xuất nên không được đền bù.

“Nếu nói là đất hoang hóa thì công ty phải chứng minh, chứ không thể nói suông rồi không thực hiện chi trả đền bù cho người dân. Trong khi đó, 0,5 ha đất trồng keo tràm còn lại của gia đình giờ bị ảnh hưởng nên sạt lở, rất khó sản xuất dẫn đến đời sống khó khăn”, bà Hồ Thị Búp cho biết thêm.

Tương tự, theo phản ánh, thủy điện Thượng Nhật khơi thông dòng chảy phía hạ du đã làm ảnh hưởng đến đất và tài sản trên đất của 4 hộ dân (Hồ Văn Giáp, Hồ Văn Lâu, Hồ Văn Chương, Tà Rương Binh); 7 hộ tại xã Thượng Nhật cũng kiến nghị đo đạc ngập phát sinh ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng lòng hồ ảnh hưởng đến diện tích đất của người dân. Ngày 19/4/2023, chủ đầu tư đã tiến hành đo đạc lại cho các hộ dân, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết.

Ngoài ra, người dân còn yêu cầu thủy điện hoàn trả đường dân sinh thôn A Tin (dài khoảng 600m, rộng 2,5m), mở đường mòn sản xuất vùng Cha Lai nhưng vẫn chưa thực hiện. Liên quan đến vấn đề này, theo UBND xã Thượng Nhật, chính quyền địa phương đã nhiều lần đề xuất với công ty thủy điện giải quyết dứt điểm các hạng mục trên theo cam kết từ năm 2020. Công ty đã phối hợp với xã, thôn kiểm tra đánh giá tổng thể và xây dựng phương án khắc phục, lập dự toán để hoàn trả đường. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện.

Ông Võ Văn Đờn, Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật cho biết, mới đây UBND xã đã có báo cáo gửi UBND huyện Nam Đông liên quan đến những vướng mắc, tồn tại mà Công ty CP Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam chưa giải quyết dứt điểm cho người dân. Đây là cơ sở để các ban, ngành chức năng sớm giải quyết những tồn tại, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Theo đó, đối với các kiến nghị của người dân liên quan đến diện tích ngập trong lòng hồ, UBND huyện giao chính quyền địa phương phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện rà soát, xác nhận rõ nguồn gốc sử dụng đất (đất nằm trong diện thuộc giải phóng mặt bằng hay nguồn gốc đất hoang hóa, khe suối…) để trả lời cụ thể, dứt điểm cho hộ gia đình; Phòng TN&MT huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát diện tích đất hoang hóa, khe suối để thực hiện thu hồi đất theo quy định.

Các ban ngành kiểm tra, xác minh lại nguồn gốc sử dụng đất, diện tích đã được hỗ trợ, đền bù, những diện tích đất nào thuộc xã quản lý không được hỗ trợ, đền bù để trả lời cụ thể cho các hộ gia đình. Giải thích cho hộ gia đình biết về sự khác nhau giữa cách đo đạc trước đây và hiện tại, xem xét, hướng dẫn hồ sơ giúp cho hộ dân có chỉnh lý về diện tích đất.

Đối với 7 hộ kiến nghị đo đạc ngập phát sinh ngoài phạm vi giải phóng lòng hồ, chính quyền địa phương xác định đối với 2 hộ ông Hồ Văn Kiên và Hồ Văn Cứu thuộc diện ngập phát sinh, đề nghị công ty thủy điện sớm hỗ trợ, đền bù phần diện tích ngập; 5 hộ còn lại, đề nghị công ty xây dựng phương án cụ thể khi mực nước dâng lên làm ngập diện tích cây trồng thì hỗ trợ, đền bù theo quy định.

Liên quan đến hoàn trả đường dân sinh thôn A Tin, UBND huyện Nam Đông yêu cầu công ty phối hợp với UBND xã Thượng Nhật xây dựng phương án để sớm triển khai thực hiện trước mùa mưa, bão. Giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng nghiên cứu hỗ trợ về thiết kế, kỹ thuật đảm bảo chất lượng cho công trình. Đồng thời, thủy điện hỗ trợ tiền công để người dân phát dọn đường mòn vào nơi sản xuất.

Các kiến nghị bị ảnh hưởng ngoài phạm vi của thủy điện và các hạng mục có liên quan bị ảnh hưởng trong quá trình thi công, vận hành, xả lũ kết hợp với lũ, các đơn vị liên quan làm việc với đoàn kiểm tra của huyện để kiểm tra, đánh giá, xác định lại mức độ thiệt hại. Sau khi xác định lại cụ thể diện tích đất và tài sản thiệt hại thì mời chủ đầu tư thủy điện xây dựng phương án hỗ trợ, đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

“Nợ” kinh phí làm đường sản xuất

Theo UBND xã Thượng Nhật, đường sản xuất từ ngầm Ka Đẩu đến khe La Tây (Thượng Nhật, Nam Đông) đã thi công xong. Theo cam kết Công ty CP Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam hỗ trợ kinh phí 150 triệu đồng để làm đường, nhưng mới chuyển được 60 triệu đồng. UBND huyện Nam Đông đề nghị chủ đầu tư thực hiện việc chi trả số tiền còn lại hoàn thành trước ngày 30/6/2023.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri

Tại các kỳ tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa VIII, cử tri trên địa bàn TP. Huế đã có nhiều ý kiến, kiến nghị các vấn đề liên quan đến hạ tầng dân sinh. Điều đáng mừng, TP. Huế đã chỉ đạo các ban ngành, địa phương trả lời thấu đáo cũng như triển khai khắc phục.

Quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri
Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội

Nhằm cải thiện chỗ ở cho người thu nhập thấp, từ năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 có thêm 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm này có thể thấy, kế hoạch có nguy cơ “phá sản”. Trong khi đó, nhiều khu nhà ở tái định cư lại bị bỏ hoang, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội
Hồ đập đã cắt giảm lũ cho hạ du

Trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh đã có mưa lớn, tổng lượng mưa đo được từ ngày 10 đến ngày 14/12 phổ biến 200-300mm. Các hồ đập đã điều tiết, khống chế mực nước trên các sông trên báo động (BĐ) I đến dưới BĐ II.

Hồ đập đã cắt giảm lũ cho hạ du
Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến tới 27 tỉnh, thành phố có các dự án điện năng lượng tái tạo.

Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo
Kế hoạch hành động cấp cao đầu tiên để giải quyết khan hiếm nước, suy thoái đất

Lần đầu tiên, Diễn đàn Đất và Nước quốc tế được tổ chức từ ngày 9 - 11/12 tại Bangkok (Thái Lan), vạch ra các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu trong việc quản lý tình trạng khan hiếm nước và đảo ngược tình trạng suy thoái đất, đóng vai trò rất quan trọng đối với an ninh lương thực và sức khỏe môi trường toàn cầu.

Kế hoạch hành động cấp cao đầu tiên để giải quyết khan hiếm nước, suy thoái đất

TIN MỚI

Return to top