ClockThứ Tư, 25/12/2019 06:15

Giáo viên bán hàng online: Đừng chủ quan

TTH - Giáo viên tham gia bán hàng online trên mạng xã hội ngày càng phổ biến. Công việc này giúp họ năng động, có thêm thu nhập, song, nếu không cẩn trọng, mải sa đà vào buôn bán sẽ ảnh hưởng đến công tác dạy học.

Cẩn trọng khi mua hàng onlineSiết thuế của hàng triệu người bán hàng online: Sẽ rà soát cả tài khoản ngân hàng?

Giáo viên tham gia bán hàng online trên mạng xã hội ngày càng phổ biến. Ảnh: Internet

Tăng thêm thu nhập

Cô N.T. K, giáo viên dạy môn công dân ở Trường H., nổi tiếng với nghề làm chả giò có chất lượng và hợp vệ sinh. Để có giò ngon, cô phải dậy từ sáng sớm, đến tận lò mổ để lấy thịt tươi, đem về chế biến, giã, gói và luộc. Tranh thủ buổi sáng đi làm, cô giao hàng đến tận nơi cho khách. Giờ ra chơi, lúc nào cô cũng bận rộn làm việc với chiếc điện thoại khi phải theo dõi các comment đặt hàng để xử lý. Dạy xong, lại chạy vội về nhà, tranh thủ làm giò theo đơn đặt hàng… khiến cô mệt mỏi, bơ phờ.

Giáo viên trẻ giờ rất năng động, biết vận dụng “công nghệ 4.0” để kinh doanh buôn bán, chủ yếu là giáo viên nữ, từ bậc mầm non đến đại học. Trên các trang mạng xã hội, xuất hiện khá nhiều giáo viên bán hàng online. Có cô chỉ bán vài ba mặt hàng “cây nhà, lá vườn” cốt để cho vui, có thêm chút thu nhập. Song, khá nhiều giáo viên lập riêng trang face bán đủ loại "thượng vàng, hạ cám" từ mỹ phẩm, thực phẩm sạch, quần áo, đồ gia dụng, thực phẩm chức năng… Thu nhập từ công việc này cũng bấp bênh nhưng mức trung bình tầm 3 triệu đồng/người/tháng tùy theo mặt hàng kinh doanh.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP. Huế) cho rằng, cũng có một số ít giáo viên trong trường bán hàng online, tuy nhiên, chỉ bán đơn giản một vài mặt hàng để tăng thu nhập và cũng do sở thích kinh doanh của mỗi người. Nhà trường không cấm cản, nhưng luôn phổ biến những quy định khi sử dụng điện thoại trong giờ dạy.

Đừng để hình ảnh nhếch nhác

Cậu con trai chuẩn bị vào lớp 1 năn nỉ mẹ mua áo mới. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi chẳng biết động cơ nào khiến cu cậu muốn làm "đỏm". Gặng hỏi thì nó kể rành rọt, cô con dặn các bạn về nói mẹ đến nhà cô mua áo quần. Bạn nào mặc áo mới sẽ được cô chụp ảnh. Hôm sau đem con đi học, tôi được cô mời đến shop sắm áo quần cho cháu và chủ động kết bạn trên facebook để tiện giới thiệu các mặt hàng. Quả thật khó xử, cô cứ thao thao bất tuyệt hết cái này sang cái nọ, cái nào cũng đẹp, cũng tốt mà mua ít hoặc không mua lại thấy chướng vô cùng… Thế nên, có một thời gian nhiều phụ huynh của lớp con tôi cứ né tránh cô giáo mỗi khi đưa con đi học. Sau đó, cô giải nghệ do không “mua may, bán đắt” khiến nhiều phụ huynh thở phào nhẹ nhõm.

Đôi khi mua hàng không phải theo nhu cầu mà vì cả nể khi người bán lại chính là giáo viên của con. Chị Nguyễn Ngọc Anh, phụ huynh có con đang học lớp 5, bộc bạch: Cô giáo của con đi đâu cũng quảng cáo về thực phẩm chức năng, sau đó, mở luôn một quầy hàng tại nhà. Sản phẩm có giá khá đắt, còn chất lượng không biết có đảm bảo không nhưng cứ liên tục mời chào khiến phụ huynh lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Hiệu trưởng một trường học trong TP. Huế, chia sẻ: “Trường tôi có một số ít giáo viên bán hàng online, thú thật tôi buồn nhiều hơn vui. Bởi lẽ, thu nhập của đa số giáo viên chưa đáp ứng nhu cầu nên mới phải bươn chải làm thêm. Thời gian dành cho công việc giảng dạy, tự học nâng cao trình độ tất yếu bị ảnh hưởng, phân tán. Mặt khác, việc buôn bán tuân theo quy luật thị trường, nhiều khi không tránh khỏi những ì xèo, không phù hợp với nghề giáo, với môi trường giáo dục”. Nhiều giáo viên khác thấy chạnh lòng, khi thấy đồng nghiệp tất bật “ship’’ hàng đến tận trường trông khá nhếch nhác.

Cần cẩn trọng

Bán hàng online là việc pháp luật không cấm và góp phần tăng thu nhập cho giáo viên nhưng không thể nói là không ảnh hưởng đến công việc chuyên môn. Ông Lê Triều Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội, cảnh báo: Dạy học bây giờ được coi là nghề nguy hiểm, việc quán xuyến lớp học để truyền đạt kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho học sinh phải đặt lên hàng đầu. Thế nên, chỉ cần giáo viên mất tập trung, mở máy điện thoại khi đang trong tiết dạy để giao dịch bán hàng online thì hệ lụy sẽ khôn lường.

Lời cảnh báo trên đã từng xảy ra với một số giáo viên bán hàng online. Tôi nhớ lại câu chuyện của Y., giáo viên của một trường THCS đã bị nhà trường nhắc nhở khi phát hiện cô giáo sử dụng facebook để trả lời đơn đặt hàng của khách trong giờ học. Mặc dù, cô thanh minh mới chỉ vào facebook trong tích tắc. Khó bao che hay biện hộ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, giáo viên không được sử dụng điện thoại di động, làm việc riêng trong các cuộc họp, trong khi lên lớp, học tập, coi thi, chấm thi. Khi vi phạm, tùy vào mức độ và hậu quả mà giáo viên có thể bị xử lý kỷ luật từ khiển trách đến buộc thôi việc, nếu gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Giải bài toán thu nhập cho giáo viên hiện nay đang rất nan giải. Mức lương nhà giáo mới chỉ đáp ứng nhu cầu chi tiêu bình thường, chưa có tích lũy. Vẫn biết “có thực mới vực được đạo”, tuy nhiên, cùng với sự thay đổi nội dung, chương trình và nhu cầu xã hội, đòi hỏi nhà giáo ngày càng tự trau dồi, rèn luyện để đáp ứng yêu cầu của giáo dục hiện đại. Mỗi nhà giáo phải tự rèn luyện, nếu không khả năng bị đào thải là chuyện nhãn tiền.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác

Trường THPT Thừa Lưu đóng trên địa bàn thôn Phước Lộc, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, cách thành phố Huế 60km về phía nam, là nơi theo học của học sinh các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô. Trong chuyến công tác tại Trường, tôi có những ấn tượng đặc biệt đối với ngôi trường này.

Ngôi trường có 15 cặp vợ chồng cùng công tác
Chuyện về những giáo viên không cầm phấn

Thật ngạc nhiên và cảm động khi chứng kiến một lớp học không cần bảng đen, những giáo viên dạy trẻ khiếm thị chỉ bằng tiếng gõ lạch cạch, cái sờ tay và bằng cả trái tim yêu thương.

Chuyện về những giáo viên không cầm phấn
Trò đến lớp, thầy vui!

Bên cạnh dạy học, thầy cô giáo ở vùng cao A Lưới còn phụ trách thêm công tác vận động học sinh đến trường. Thấy học sinh nghỉ học dài ngày, có nguy cơ bỏ học, sau giờ dạy, giáo viên lại tìm đến nhà tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Niềm vui giản dị của các nhà giáo nơi đây là được thấy học sinh trở lại trường.

Trò đến lớp, thầy vui
Trao quà hỗ trợ giáo viên gặp hoàn cảnh khó khăn

Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, sáng 16/11, Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức trao quà hỗ trợ cho các giáo viên gặp hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Trao quà hỗ trợ giáo viên gặp hoàn cảnh khó khăn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top