ClockThứ Sáu, 06/10/2017 13:36
Xung quanh việc cá lồng chết hàng loạt ở Hương Thủy:

Hướng dẫn người dân xử lý tránh ảnh hưởng môi trường

TTH - Từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10, cá lồng nuôi trên sông Đại Giang (xã Thủy Tân, thị xã Hương Thủy) chết hàng loạt gây thiệt hại lớn.

Chiều 5/10, ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy thông tin, tính đến nay, đã có trên 38 tấn cá lồng nuôi trên sông Đại Giang bị chết, gây thiệt hại gần 1 tỷ đồng.

Cá chết vớt lên đầy thuyền ở xã Thủy Tân- ảnh NV

Theo báo cáo của UBND xã Thủy Tân, cá nuôi lồng tại địa phương này bắt đầu chết từ cuối tháng 9 và kéo dài cho đến những ngày đầu tháng 10. Các đối tượng cá lồng nuôi chủ yếu là cá trắm cỏ, mè hoa, mè trắng đang thời gian chuẩn bị thu hoạch nên thiệt hại càng lớn. Thống kê sơ bộ cho thấy, đến những ngày đầu tháng 10, mức độ thiệt hại do cá nuôi bị chết khoảng 38 tấn. Ông Nguyễn Tấn Hợp, Chủ tịch UBND xã Thủy Tân cho biết, toàn xã có 330 lồng cá của gần 50 hộ nuôi bị thiệt hại. Trong đó, nhiều lồng nuôi bị mất trắng hoàn toàn, khiến cuộc sống người dân gặp khó khăn. Cá chết phần lớn là loại nuôi lấy thịt làm thực phẩm, giá trị thiệt hại gần 1 tỷ đồng.

Ông Phan Bồng, Phó phòng TN&MT Hương Thủy thông tin, ngay khi nhận thông tin cá chết, các ban ngành địa phương đã có cuộc kiểm tra, tìm nguyên nhân cũng như hướng dẫn các giải pháp giúp người dân giảm thiểu thiệt hại. Theo đó, các ban ngành qua kiểm tra đã xác định, cá chết hàng loạt tại Thủy Tân là do bị ngạt, nguồn nước thiếu oxy. Nguyên nhân khu vực nuôi thiếu oxy do mật độ lồng nuôi và số lượng cá trong lồng nuôi quá dày. Khu vực đáy lồng nuôi không được vệ sinh thường xuyên dẫn đến tồn đọng nhiều khí độc gây thiếu ô xy và gây độc cho cá. Ngoài ra, Chi cục Thủy sản tỉnh, Trung tâm Quan trắc môi trường cũng xác định, lưu tốc nước trên khu vực vùng nuôi cá thấp hơn 0,5m/s. Khi nước trên sông Đại Giang thấp thì nước trong nội đồng chảy ra, mang theo các chất gây ảnh hưởng môi trường, đặc biệt là hàm lượng oxy trong nước. Lượng bèo lục bình quá dày trước và sau khu vực nuôi, có nơi gần như che kín mặt sông, cũng gây ảnh hưởng đến môi trường, hàm lượng oxy trong nước. Cơ quan chức năng cũng hướng dẫn người dân những biện pháp di chuyển lồng đến nơi thông thoáng, đặt túi vôi góc lồng đối với những lồng cá đang sống, yêu cầu người nuôi tuân thủ quy định mật độ thả cá giống, vệ sinh vùng nuôi, tăng cường phương tiện sục khí cho lồng bè, nhằm tránh thiệt hại có thể tái diễn tương tự trong thời gian tới.

Đối với cá chết, UBND xã Thủy Tân cũng hướng dẫn người dân xử lý, tránh ảnh hưởng đến môi trường. Ông Nguyễn Tấn Hợp, Chủ tịch UBND xã Thủy Tân thông tin, nhằm nhanh chóng khắc phục ô nhiễm vùng nuôi, UBND xã Thủy Tân đã trích ngân sách hỗ trợ người dân 7,6 triệu đồng để làm vệ sinh lồng bè, thu gom và chuyển cá chết về bãi tập kết rác để xử lý theo quy định.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mưa rét kéo dài làm cá nuôi lồng bị chết

Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh ngày 20/12, do thời tiết mưa lạnh, diễn biến phức tạp, vừa qua, vùng nuôi cá lồng trên đầm phá tại thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Hải Dương (TP. Huế) có 22 lồng cá bị chết với số lượng hơn 14 ngàn con cá ong căn, hồng, mú, nâu, dìa, vẫu, hanh…

Mưa rét kéo dài làm cá nuôi lồng bị chết

TIN MỚI

Return to top