Đã 10h kém, khu vực đón tiếp ở Bệnh viện Trung ương Huế vẫn còn rất đông người chờ đợi
Trong người có bệnh, tôi trở thành “khách hàng” thân thiết của Bệnh viện Trung ương Huế (BVTW Huế) mấy năm nay. Bình quân đều đặn mỗi tháng 1 lần, tôi phải đến BV để được tái khám.
Phải nói, so với nhiều năm trước, BVTW Huế bây giờ được đầu tư và thay đổi đến ngỡ ngàng. Diện tích được mở rộng, nhiều đơn nguyên mới được xây dựng, sạch sẽ, hiện đại hơn trước cả một trời một vực. Chỉ hơi tiếc là nhiều mảng xanh đã buộc phải mất đi, nhường chỗ cho các cơ sở khám chữa bệnh. Giá như trước kia, khu tập thể bên kia đường Ngô Quyền ở phía sau BV đừng hóa giá mà giao về cho BVTW Huế để mở rộng, giãn các khoa phòng qua đó; Các mảng xanh và các khoảng không lưu trong BV vẫn giữ được phần lớn, mà đường Ngô Quyền cũng trở thành một chuỗi liên hoàn gồm BVTW Huế-Đại học Y Dược - Cao đẳng Y tế, làm hạt nhân cho Trung tâm Y tế chuyên sâu thì hay biết mấy. Nhưng đó là chuyện đã rồi, có muốn có lẽ cũng khó thay đổi…
Trở lại với câu chuyện đi khám. Quy trình hiện tại tuần tự thế này: Khai báo y tế để phòng chống COVID-19, xong đến toà nhà ODA 7 tầng xin số thứ tự, đợi đến phiên thì nộp giấy, thẻ BHYT (nếu có) làm thủ tục, xong mang đến khoa mà mình đăng ký khám bệnh. Khám xong, quay lại chỗ cũ làm thủ tục thanh toán (nếu bệnh ngoại trú, còn bệnh nội trú thì thanh toán tại vị trí khác)… Kể thì thấy đơn giản và có vẻ rất nhanh. Nhưng “lâm sự” thì không hề đơn giản từ “đầu vào”.
Rất nhiều lần làm thủ tục vào khám bệnh, tôi nhận thấy khâu nhận số, rồi ngồi chờ đến phiên làm thủ tục ngốn của người bệnh rất nhiều thời gian một cách… vô lý và hết sức mệt mỏi. Nguyên nhân có thể là do người bệnh quá đông. Nhưng đông gì thì đông, ngốn mất của người ta gần cả buổi mới lấy được cái “giấy thông hành” để vào khoa thăm khám thì thật bức bối. Như lần tái khám gần nhất của tôi là hôm 25/3. Đến BV lúc 7h30, nhận số ngồi chờ. Đến 10h kém 20 mới đến phiên. Vô đến phòng khám thì đã 10h. Vậy mà vẫn còn may mắn. Một người đàn ông lên đến khoa thì đã 11h kém. Vị bác sĩ thấy bệnh, lên tiếng phàn nàn người bệnh sao mà đi khám trễ quá vậy. Người đàn ông lúng túng giải bày đi từ sáng sớm, nay mới nộp được sổ. Đồng cảnh, tôi lên tiếng xác tín, đến lúc đó, vị bác sĩ mới dịu giọng vẻ đầy thông cảm.
Vào khám trễ, nếu suôn sẻ thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu có yêu cầu đi làm thêm một số xét nghiệm nữa… thì dù có vắt chân lên cổ cũng không kịp. Nếu thủ tục vào khám rút ngắn được, người bệnh có khi chỉ cần 1 buổi, hoặc 1 ngày là xong. Còn như hiện nay thì… “hên xui”.
Thực trạng đợi chờ quá lâu ở “đầu vào” khiến bao người bệnh hết sức nóng lòng, hết sức khổ sở. Không biết lãnh đạo BVTW Huế có nắm bắt, có suy nghĩ giải pháp để giúp người bệnh hay chưa? Bây giờ hệ thống máy tính đều đã nối mạng, liệu có phân tuyến tiếp nhận về thẳng các khoa phòng được chăng? Làm như thế sẽ giảm lượng bệnh nhân dồn ứ về một chỗ, và trong lúc người vào viện để khám còn chưa làm xong thủ tục, thì đã xuất hiện những người bệnh khác khám xong quay trở lại làm thủ tục thanh toán, lại càng dễ gây ùn ứ, tắc nghẽn.
Việc tuyển chọn, đưa ra làm việc tại bộ phận tiếp nhận cũng là điều đáng quan tâm. Phải là những người thật sự tinh thông, sử dụng vi tính, dữ liệu thật “thiện nghệ” thì sẽ góp phần giải phóng nhanh người bệnh về các khoa phòng chuyên môn. Và quan trọng không kém thầy thuốc, những người này cũng phải là những “từ mẫu” đúng nghĩa, phải biết đau, biết cảm thông, biết đặt hoàn cảnh chờ đợi của người bệnh vào hoàn cảnh của mình. Sự thấu hiểu như vậy cũng là một động lực hữu hiệu không kém.
Việc khai báo y tế tại BVTW Huế hiện đã thực hiện trực tuyến, rất văn minh và tiện ích. Liệu thủ tục vào viện để khám chữa bệnh có được nghiên cứu để áp dụng? Nếu được như vậy nữa thì thật hạnh phúc cho người bệnh.
Bài, ảnh: Thượng Bích