Chủ Nhật, 12/11/2017 08:45
(GMT+7)
Khổ vì còi xe
TTH - Hiện nay, số lượng người sử dụng xe gắn máy rất cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng có ý thức về văn hóa giao thông, nhất là sử dụng còi xe. Điều này đã dẫn đến những phiền hà, bực dọc cho người khác.
Nhiều bạn trẻ còn không dùng còi xe theo quy chuẩn mà đến các điểm sửa chữa xe gắn cho mình các loại còi phát ra những âm thanh quái dị. Thật tội nghiệp cho những phụ nữ hay người già yếu đi xe đạp, đôi lúc hoảng hồn loạng choạng, té ngã vì bị tiếng còi xe tai quái bất chợt vang lên từ phía sau. Ban ngày, giữa chỗ đang bị kẹt xe, người ta vẫn nghe những tiếng còi bất lịch sự ấy. Tiếng còi xe thiếu ý thức vang lên trong giờ cao điểm đông người đi lại đã đành, nhưng gần nửa đêm khi mà người lao động rất cần giấc ngủ để lấy lại sức khỏe sau một ngày làm việc thì tiếng còi xe cũng chưa để họ được yên. Có khi là tiếng còi cộng tiếng xe máy gầm rú của đám thanh niên đua xe lạng lách vào các con hẻm… Không riêng gì xe gắn máy mà ngay cả ô tô cũng lạm dụng còi xe thái quá, nhấn liên tục chỉ vì muốn được tiến lên phía trước trong dòng người đông đúc. Lại có những tài xế, khi trên phố bắt gặp các cô gái hấp dẫn đi bộ hay lái xe gắn máy, bèn chọc ghẹo bằng cách nhấn còi khiến họ giật thót tim suýt lạc tay lái...
Về mặt văn hóa giao thông và ý thức văn minh đô thị thì việc sử dụng còi không đúng quy cách, bóp còi tùy tiện sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Chúng ta đang thực hiện cuộc vận động "Huế không tiếng còi xe", bước đầu đã có nhiều cá nhân, đơn vị hưởng ứng tham gia. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những trường hợp phớt lờ cuộc vận động và vi phạm các quy định trong việc sử dụng còi xe, được ghi rõ trong khoản 12 và 13 tại Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ. Nên chăng, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền; đồng thời, có biện pháp chấn chỉnh hành vi bóp còi tùy tiện, phạt nặng nếu phát hiện chủ xe gắn loại còi không đúng quy cách, nhằm hạn chế những hành vi phản cảm trên đường, góp phần xây dựng văn hóa giao thông lành mạnh.
NGUYỄN HOÀNG DUY