ClockThứ Năm, 31/03/2011 05:50

Nghĩ về phố Trịnh… ngày mai

TTH - Ngày 17/3/2011, HĐND tỉnh đã họp và ra Nghị quyết về việc đặt tên cho những con đường mới của TP Huế, trong đó có đường Trịnh Công Sơn. Một không khí vui vẻ, hài lòng lan nhẹ trong dư luận xã hội, nhất là với những ai yêu quý anh, trân trọng những giá trị tài sản âm nhạc của anh đã đi vào lòng công chúng.

Chiều 19/3/2011, tôi và một người bạn-tiến sĩ vật lý Trần Ngọc Liêm, CT.HĐQT công ty cổ phần y khoa Việt-Hàn (VIKOMED)- rủ nhau lang thang về phố Trịnh. Đây cũng là lần đầu tiên, tôi đi đến con phố này từ khi nó được mở. Quả thật đây sẽ là một con đường đẹp, đầy thi vị nếu được đầu tư đúng mực và có quy hoạch cụ thể một số công trình phụ, làm tôn vẻ đẹp tự nhiên của con đường nhỏ.


Đường Trịnh Công Sơn. Ảnh: chaobuoisang.net
Con đường mới mở nên chưa thật sự hoàn thiện, bộ mặt chưa đẹp như chờ mong. Sát bờ sông là những đống vật liệu xây dựng đổ ngổn ngang, những công trình dang dở. Bên kia, bờ sông Hương đoạn chảy qua Cồn Hến lộ ra những bến cát sạn và bãi rác. Giá như đó là những bến sông quê bình dị và đẹp nền nã như trong ca dao, nơi mỗi ban chiều các nàng thôn nữ ra sông giặt áo, ríu rít nói cười, nơi mỗi đêm trăng thanh có con thuyền nằm đợi khách phương xa. Thật tiếc !
Xin phác thảo những nét chấm phá ban đầu, như một ý tưởng dựng xây cho những nhà quy hoạch kiến trúc và quản lý đô thị, các nhà đầu tư kinh doanh:
Trước hết, bờ bên phải con đường-từ cầu Gia Hội xuống-dọc bờ sông là một công viên đầy hoa nở bốn mùa. Điểm xuyết dọc con đường là hàng cây có bóng mát dáng đẹp, lá thưa và có màu (vàng, đỏ, tím…) như cây bạch tạng chẳng hạn, để con đường này có một sắc màu riêng vào mỗi khoảnh khắc thời gian nào đó trong năm.
Rất nên xây một số bến sông bằng đá có cây cầu dẫn ra sông (cầu ao), theo kiểu cũ của làng quê Việt để du khách có thể thỏa thích ra đứng ngắm sông Hương vào những đêm trăng sáng. Các bến sông cũng có thể dùng làm nơi neo đậu những con thuyền dịch vụ ca Huế. Nhân tiện xin nhắc lại đề nghị của tôi từ lâu trong bài Ca Huế trên sông Hương-thực trạng và giải pháp: nên khôi phục lại các mái chèo bằng tay, những mui đò cổ mộc, hết sức tránh kiểu vua chúa hóa bằng những chiếc thuyền đội cái chóp cái đuôi đầu rồng đuôi phụng le the bằng tôn, những hình rồng trang trí lòe loẹt dọc thuyền để phù hợp hơn với du khách yêu cảnh đẹp thiên nhiên xứ Huế.
Tuyệt đối không cho xây-dù là tạm bợ-các túp lều, ngôi quán lá kiểu làng quê ở phía bờ sông trên suốt con đường này vì sẽ che khuất tầm nhìn. Toàn bộ bờ sông phải thật sự thoáng, không có vật cản, ngay cả một cây dù che nắng che mưa, ngoại trừ các cây cảnh như đã nói trên.
Thật tuyệt vời nếu các nhà quản lý, quy hoạch, đầu tư quyết biến nơi đây thành con đường đi bộ. Đó sẽ là con đường thưởng ngoạn thiên nhiên để du khách vừa đi vừa thả hồn ngắm trời mây sông nước, hương hoa; thưởng thức những ca khúc nhạc Trịnh nhè nhẹ ru lòng ngân lên từ những quán cà phê bên đường... trước khi quyết định mua những món hàng thủ công mỹ nghệ đặc thù văn hóa Huế (nón bài thơ chẳng hạn) làm lưu niệm chuyến đi.
Xa hơn, cao hơn là việc quy hoạch kiến trúc toàn bộ các ngôi nhà dọc con đường mới mở để nó đạt tầm một con đường sứ giả văn hóa Huế đối với khách phương xa. 
Phạm Xuân Phụng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ẩn họa” từ nạn trộm chó

Trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn phường Phú Thượng (TP. Huế) xuất hiện các đối tượng bắt trộm chó bằng đánh bả. Thực trạng này không chỉ gây hoang mang lo lắng cho người dân, mà còn tiềm ẩn nguy cơ chết người từ bả thuốc vứt vương vãi trên đường.

“Ẩn họa” từ nạn trộm chó
Nguy cơ tai nạn giao thông từ xe kéo đẩy, xe tự chế

Xe không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, xe ba, bốn bánh tự chế, xe mô tô, gắn máy kéo theo xe khác, vật khác luôn là nỗi ám ảnh của người đi đường khi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm trong quá trình tham gia giao thông.

Nguy cơ tai nạn giao thông từ xe kéo đẩy, xe tự chế
Đừng để "cái khó bó cái khôn"

Ở Huế có khá nhiều cây cầu được xây dựng từ khá lâu, đang xuống cấp, hư hỏng, chỉ được duy tu, sửa chữa hàng năm - Việc làm mà theo cơ quan, đơn vị quản lý - chỉ mang tính tạm thời, bởi nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao.

Đừng để cái khó bó cái khôn
Return to top