Vướng
Đoạn đường từ nhà máy nước Quảng Tế 2 nối dài (Tổ 17, Khu vực 5, phường Thủy Xuân, TP. Huế) có hàng trăm hộ dân sinh sống nhưng đến nay vẫn chưa hộ nào được cấp số nhà.
Do bất tiện trong việc liên lạc, làm ăn, ông Huỳnh Văn Khán đã tự gắn số nhà cho mình là "86 Quảng Tế"
Không có số nhà dẫn tới nhiều sự khó theo, như nhân viên bưu điện vào tìm hoài không ra, gọi bình ga thì người ta chẳng biết đường nào mà lần, lên trường làm giấy tờ đi học cho con người ta hỏi số nhà cũng không biết sao trả lời... “Cả tổ 17 này có hàng trăm hộ dân thì làm sao tìm ra được nhà từng người nếu không có số nhà, số kiệt, tên đường. Với tình trạng này kéo dài thì vừa khó khăn cho người dân, mà cũng vừa không hay khi chúng ta đang xác định là thành phố văn minh đô thị”, bà Huỳnh Thị Đường- người dân sống nhiều năm ở khu vực này bày tỏ.
Cách không xa nhà bà Đường là nhà ông Nguyễn Như Ngọc cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông Ngọc kể, mỗi lần ai gửi chuyển phát nhanh, thư từ cho ông thì chỉ biết cách hẹn người giao hàng, giao thư ra tận đầu đường Điện Biên Phủ, hay nhà máy nước Quảng Tế 2 để nhận. “Nếu không hẹn ra đó thì mất công người ta tìm rất lâu vì đâu biết địa chỉ cụ thể, rồi giao hàng nhanh cũng trở thành... chậm”, ông Ngọc dẫn giải.
Người dân dẫn ra nhiều khó khăn liên quan vì số nhà là vấn đề quan trọng, bởi lẽ được ghi trong giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, giấy tờ nhà đất để giao dịch công việc, thư từ...
Tự gắn số nhà để tiện giao dịch
Một số hộ dân tự ý gắn số nhà để tiện giao dịch. Điển hình như nhà của gia đình ông Huỳnh Văn Khán nằm bên hông nhà máy nước Quảng Tế 2, đã về đây ở từ lâu nhưng không được cấp số nhà. Đặc thù công việc có nhiều giao dịch, thư từ hàng ngày nên để tiện cho công việc, ông đã tự gắn biển số “86 Quảng Tế” trước cổng nhà.
Ông Huỳnh Văn Toàn, Bí thư Chi bộ Tổ 17, Khu vực 5 (phường Thủy Xuân, TP. Huế) phản ánh, đã nhiều lần kiến nghị lên phường và tại các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng chưa được quan tâm.
Về bất tiện khi không có số nhà, ông Toàn kể, nhiều lần thất lạc hay không nhận được giấy mời dự họp, bởi người gửi không tìm ra nhà, phải nhờ đến người quen ở phường sau đó gửi lại mới tới tay. “Phải làm sao đó có cách để đặt tên đường. Còn nếu không tính cách đánh số kiệt, từ đó cấp số nhà cho dân để họ tiện bề cho cuộc sống. Chứ ở ngay trung tâm thành phố mà như vậy thì rất khó”, ông Toàn nói.
Chưa đảm bảo cơ sở hạ tầng
Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin TP. Huế cho hay, hiện nay một số khu vực trên phường Thủy Xuân, đang trong tình trạng còn mang địa chỉ là “tổ, khu vực” do tình hình thực tế các hộ dân sinh sống trong khu vực thuộc địa bàn các làng dân cư cũ, các con đường còn mang tính chất là đường làng, xóm, thôn. Mặc dù đã lên phường gần 10 năm nhưng các con đường này vẫn không thay đổi về cơ sở hạ tầng. Mới đây, đơn vị đã phối hợp với phòng quản lý đô thị và chính quyền địa phương khảo sát thực tế các tuyến đường trên địa bàn nhằm đưa vào đề án đặt tên đường phố nhưng vẫn không đảm bảo cơ sở hạ tầng để đặt tên mới (quy hoạch chưa ổn định, mặt đường còn quá nhỏ, chưa có hệ thống điện chiếu sáng hoặc hệ thống thoát nước).
“Để có thể đưa vào đề án đặt tên đường phố trong những lần sau, chúng tôi đã đề nghị chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân trong các khu dân cư tích cực hưởng ứng các phong trào hiến đất mở rộng đường kiệt, trên cơ sở đó các ngành chức năng thành phố sẽ báo cáo, đề xuất UBND thành phố xem xét quy hoạch để đầu tư ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng cho các tuyến đường nằm trong quy hoạch”, bà Dao lý giải.
Chuyển câu hỏi của người dân nếu không thể đặt tên đường thì nên xác định lấy tên tuyến đường lớn từ đó đánh số kiệt, rồi tiến hành đánh số nhà để tiện bề liên hệ, bà Dao cho rằng đó là điều khả thi và có thể thực hiện. Tuy nhiên, trước hết chính quyền địa phương cần kiểm tra kỹ lưỡng nhu cầu cấp thiết trong việc giao dịch, liên hệ của Nhân dân, đồng thời có báo cáo bằng văn bản cho UBND thành phố xem xét, giải quyết.
PHAN THÀNH