Không chịu chấm dứt hợp đồng lao động…
Theo những người có mặt trước trụ sở CT In thống kê cuối tháng 4 vừa qua: Họ là công nhân làm việc tại CT này nhiều năm. Sau thời gian dài làm ăn thua lỗ, CT mất khả năng thanh toán nợ với các Ngân hàng, số máy móc thiết bị cơ bản, nhà xưởng thế chấp đã bị phát mãi. Công ty Cổ phần In và sản xuất bao bì Huế (gọi tắt là CT Cổ phần In) mua lại số tài sản bán đấu giá, và đồng ý nhận công nhân của CT In thống kê vào làm việc từ ngày 31/8/2011, phương thức ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) mới với từng người. NLĐ yên tâm vì có việc làm tại CT mới, nhưng điều khiến họ bức xúc là trước đó, CT In thống kê (CT cũ) không thực hiện thủ tục chấm dứt HĐLĐ và chi trả các chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật.
|
Hơn 60 công nhân tập trung đòi quyền lợi trước trụ sở Công ty In thống kê
|
Rất nhiều lần NLĐ có ý kiến, yêu cầu Giám đốc CT In thống kê giải quyết vấn đề này, nhưng ông Lê Anh Đấu làm ngơ, cố tình không giải quyết. Công đoàn CT In thống kê có văn bản (tờ trình) gửi Ban Giám đốc Công ty in, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH), Liên đoàn Lao động tỉnh “đề nghị Ban Giám đốc CT In thống kê ra quyết định cho NLĐ được thôi việc để tạo điều kiện tìm kiếm công việc mới…” Tuy nhiên, vấn đề này gần 2 năm qua vẫn không được giải quyết.
Nhiều công nhân cho biết, điều khiến họ bức xúc hơn là có sự thiếu minh bạch trong cách giải quyết của Ban Giám đốc CT (cũ), bởi có một số công nhân vào CT làm việc thời gian ngắn hơn, nhưng lại được CT ra quyết định thôi việc, chi trả mọi chế độ… Nay Công ty In thống kê lại nộp đơn xin phá sản, gây thiệt hại cho NLĐ, nên mới xảy ra sự việc NLĐ tập trung đòi Giám đốc Công ty In chấm dứt HĐLĐ và giải quyết ngay chế độ cho NLĐ
Trái pháp luật
CT In thống kê đã nộp đơn tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản. Theo quy định của pháp luật, Giám đốc CT In thống kê cũng phải ban hành các quyết định chấm dứt HĐLĐ với NLĐ và giải quyết các chế độ với từng NLĐ cụ thể mà công ty chưa giải quyết chế độ. Đó mới là căn cứ để CT lập danh sách các chủ nợ và số nợ phải trả cho từng chủ nợ theo qui định tại điểm c Điều 5 và khoản 1 điểm đ, Điều 10 của Luật Phá sản. Như vậy, mới có cơ sở cho Tòa án thụ lý, xem xét giải quyết quyền lợi cho NLĐ trong trường hợp CT bị tuyên bố phá sản.
|
Theo ông Lê Anh Đấu, Giám đốc CT In thống kê: Tại thời điểm đơn vị có tiền để chi trả chính sách thôi việc cho công nhân, do không hiểu quy định của pháp luật nên ông đến Sở LĐ-TB&XH để hỏi và xin cơ chế (sau đó có văn bản gửi Sở này yêu cầu xem xét hướng dẫn về việc chấm dứt HĐLĐ với cán bộ công nhân viên CT), thì được Trưởng phòng Lao động tiền lương cho biết: không thể chấm dứt HĐLĐ đối với gần 100 công nhân trong khi CT đang sản xuất, chỉ có thể làm thủ tục này đối với số lượng nhỏ, không quá 10 người. Do đó, ông “chịu”, không thể chấm dứt HĐLĐ, ra quyết định thôi việc với toàn bộ NLĐ trong CT và chi trả chế độ thôi việc cho họ. Một số trường hợp “bám” riết quá thì CT mới thực hiện thủ tục giải quyết chế độ như phản ảnh của công nhân.
Vin vào lý do nêu trên, nhưng ông Đấu cũng thừa nhận, Sở LĐ-TB&XH không có văn bản, mà Trưởng phòng Lao động tiền lương chỉ nói miệng (theo ông Đấu, có cả Chủ tịch công đoàn và Phó Giám đốc CT ông cùng nghe). Tuy nhiên, tại các công văn gửi CT In thống kê, Sở LĐ-TT&XH khẳng định: “Trước thời điểm chuyển sang CT Cổ phần In mà NLĐ làm việc tại CT In thống kê thực hiện chấm dứt HĐLĐ đã ký đối với CT In thống kê đúng theo quy định tại Điều 36, 37, 38 của Bộ luật Lao động (BLLĐ), thì CT In thống kê có trách nhiệm giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho NLĐ theo qui định”. Và: “Về việc CT In thống kê quyết định chuyển giao tập thể NLĐ sang CT cổ phần In, kể từ ngày 1/9/2011, đã được CT Cổ phần In quyết định tiếp nhận và tập thể 82 NLĐ đã chấp hành với các quyết định trên, từng cá nhân ký kết HĐLĐ mới với CT Cổ phần In, về thực chất đó là trường hợp hai bên đã thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại khoản 3 Điều 36 BLLĐ. Mặt khác, CT In thống kê là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Tổng cục Thống kê, CT Cổ phần In là công ty dân doanh. Hai CT này hoàn toàn độc lập với nhau. Như vậy, việc đề nghị được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc của BCH Công đoàn CT Cổ phần In đối với tập thể NLĐ có thời gian làm việc tại CT In thống kê từ tháng 8/2011 trở về trước là thỏa đáng và phù hợp với pháp luật”. Sở LĐ-TB&XH đề nghị CT In thống kê thực hiện trả tiền trợ cấp thôi việc cho tập thể NLĐ nói trên theo quy định.
Theo quy định tại Điều 36 BLLĐ, Giám đốc CT In thống kê có hai căn cứ để ban hành quyết định chấm dứt HĐLĐ với NLĐ: một là, chấm dứt “theo thỏa thuận” kể từ ngày 01/9/2011, NLĐ sang làm việc tại CT cổ phần In; hai là, căn cứ vào khoản 10 Điều 36 BLLĐ, chấm dứt HĐLĐ, thuộc trường hợp “người sử dụng lao động cho NLĐ thôi việc vì lý do kinh tế...”. Vậy nhưng đến nay, Giám đốc CT In thống kê vẫn “kiên quyết” không ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng với NLĐ, giải quyết các chế độ cho NLĐ.
Ông Lê Vinh Hạnh, Ủy viên BCH Công đoàn Công ty Cổ phần In (trước đây là Ủy viên BCH Công đoàn Công ty In thống kê):
“Khẩn thiết nhờ cơ quan báo chí thông tin…”
Yêu cầu của chúng tôi trong thời gian qua là được chấm dứt hợp đồng lao động, nhận chi trả chế độ thôi việc theo quy định của pháp luật. Giám đốc Công ty In thống kê không chịu thực hiện là việc làm trái pháp luật. Gần 2 năm qua, chúng tôi nhiều lần “gõ cửa” các cơ quan, tổ chức để đề nghị can thiệp. Sở Lao động Thương binh và Xã hội cũng có nhiều văn bản hướng dẫn pháp luật, nhưng Giám đốc Công ty In thống kê vẫn không thực hiện khiến công nhân chúng tôi càng bức xúc với nghi vấn ông Giám đốc làm như vậy là để “ẵm” khoản tiền (thời điểm đó Công ty đang có), mà lẽ ra Công ty phải chi trả chế độ cho chúng tôi. Nay, Công ty In thống kê đã làm thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản, chúng tôi khẩn thiết nhờ cơ quan báo chí thông tin, các ban ngành liên quan có tác động hoặc có biện pháp chế tài nào đó để Giám đốc Công ty In thống kê thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động, làm căn cứ để chi trả các chế độ cho chúng tôi theo quy định.
Ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh:
“Quan điểm của chúng tôi là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLĐ”
Trước đây, Công đoàn Công ty này (Công ty In thống kê) thuộc LĐLĐ tỉnh. Sau khi Công ty làm ăn thua lỗ dẫn đến khả năng phá sản, không có việc làm, thì Công đoàn Công ty không hoạt động nữa, xem như đã giải thể.
Tuy nhiên, vì quyền lợi của NLĐ nên dù có Công đoàn hay không có Công đoàn, khi NLĐ có ý kiến đề nghị Công đoàn can thiệp về quyền lợi của mình, Công đoàn cấp trên trực tiếp (LĐLĐ tỉnh) hoặc LĐLĐ thị xã Hương Thủy (trụ sở của Công ty Cổ phần in tại thị xã Hương Thủy) sẽ làm việc với các ngành, với doanh nghiệp để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ.
NLĐ nói rằng: gần 2 năm qua có gửi đơn đến LĐLĐ tỉnh, nhưng chúng tôi không hề nhận được đơn nào hết và cũng không hề biết. Khi xảy ra sự việc NLĐ tập trung tại trụ sở Công ty In thống kê đòi quyền lợi, chúng tôi đã đến làm việc với Giám đốc Công ty (có cả ngành LĐ-TB&XH). Quan điểm của chúng tôi, vì quyền lợi chính đáng của NLĐ, đề nghị các cơ quan Nhà nước phải có sự tác động hoặc chỉ đạo để doanh nghiệp thực hiện theo các quy định của pháp luật.
LS Đặng Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, Giám đốc Công ty luật Ngọc Hạnh và cộng sự:
“Thông qua đại diện Công đoàn, tập thể NLĐ phải làm đơn gửi đến Tòa án, yêu cầu đưa họ vào tham gia trong quy trình phá sản”
Công ty In thống kê (công ty cũ) chỉ bán tài sản để thanh lý khoản nợ của ngân hàng, tất cả những NLĐ ở đó vẫn tiếp tục là NLĐ của Công ty In thống kê, cho nên mọi chế độ giải quyết cho NLĐ, Công ty In thống kê phải có trách nhiệm.
Tại Công văn số 132 ngày 5/9/2011, Công ty In thống kê có nêu, khi Công ty cũ chuyển giao tài sản cho Công ty mới, thì Công ty mới cam kết sẽ tiếp nhận NLĐ làm việc. Trong trường hợp đó, những NLĐ này dù họ chưa kết thúc quan hệ với Công ty cũ, nhưng bằng tinh thần văn bản của tỉnh và Công văn 132, họ ký hợp đồng với Công ty mới. Nghĩa là họ đã mặc nhiên thông báo chấm dứt quan hệ với Công ty cũ và Công ty cũng đồng thuận.
Theo quy định về bồi thường về chế độ thôi việc, NLĐ sẽ được nhận trợ cấp thôi việc từ Công ty In thống kê (Công ty cũ), nhưng lúc đó họ chưa đòi thì thời hiệu tranh chấp lao động vẫn còn. Nay nếu Công ty cũ đang tiến hành thủ tục phá sản, thì NLĐ thông qua tập thể đại diện của mình là Công đoàn, gửi công văn yêu cầu Tòa án trong quá trình giải quyết chế độ phá sản của Công ty này, khi xử lý tài sản phá sản phải lưu ý giải quyết trả chế độ cho NLĐ mà Công ty đang còn nợ, theo thứ tự thanh toán tài sản phá sản (đầu tiên là phí phá sản, tiếp theo là các chế độ cho NLĐ vì đây là tiền Công ty đang nợ của họ).
Nếu vụ này Tòa án đã thụ lý phá sản, thì thông qua đại diện là Công đoàn, tập thể NLĐ phải làm đơn gửi đến Tòa án, yêu cầu đưa họ vào tham gia trong quy trình phá sản.
Phạm Thùy Chi (ghi)
|