ClockThứ Sáu, 18/08/2017 14:02

Phòng, chống cháy chợ: Còn nhiều khoảng trống

TTH - Trên địa bàn tỉnh hiện có 160 chợ, trung tâm thương mại. Bên cạnh một số chợ có sự đầu tư về phương tiện, dụng cụ chữa cháy tại chỗ, lập kế hoạch và tổ chức tập huấn chữa cháy, tại nhiều chợ công tác đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại.

 Cảnh sát PCCC phối hợp diễn tập PCCC tại siêu thị Big C

Nguy cơ cao

Chợ Bình Điền được xây dựng và đưa vào sử dụng trên 25 năm, nay đã xuống cấp. Hiện, chợ đang quá tải do hoạt động kinh doanh buôn bán phát triển mạnh.  Các mặt hàng được bày bán chủ yếu là quần áo, vải, đồ da giày... thuộc nhóm hàng có nguy cơ cháy nổ cao nhưng qua kiểm tra phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cho thấy, ý thức của tiểu thương chưa cao, vẫn còn hiện tượng các hộ tiểu thương tự ý lấn chiếm lối thoát nạn, lối đi để trưng bày hàng hóa. Phương tiện chữa cháy thiếu, nguồn nước chữa cháy lại không có. Lực lượng cảnh sát PCCC đã yêu cầu Ban quản lý chợ khẩn trương bổ sung các hạng mục còn thiếu vào công tác PCCC của chợ và về lâu dài cần có phương án di dời chợ.

Tại chợ Tứ Hạ - nơi từng xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nặng cho hàng chục tiểu thương nhưng công tác đảm bảo an toàn PCCC tại đây vẫn chưa được chú trọng. Hệ thống báo cháy tự động không hoạt động được; trang thiết bị chữa cháy không được kiểm định đã đưa vào hoạt động; mặt khác, đội PCCC cơ sở và tiểu thương vẫn chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC để giải quyết các tình huống khi có sự cố cháy xảy ra.

Đại tá Hoàng Văn Thành, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh cho biết, qua hướng dẫn, kiểm tra công tác PCCC tại các chợ trên địa bàn tỉnh cho thấy, công tác PCCC vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, đã xảy ra một số vụ cháy chợ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Điển hình là vụ cháy chợ Nong (Phú Lộc) ngày 2/4/2015 gây thiệt hại 4,7 tỷ đồng; vụ cháy chợ Tứ Hạ-TX. Hương Trà ngày16/9/2015 gây thiệt hại 19,5 tỷ đồng; vụ cháy chợ Điền Hải (Phong Điền) ngày 21/5/2016 gây thiệt hại 6,4 tỷ đồng.

Cảnh sát PCCC tổ chức kiểm tra hệ thống, phương tiện phòng cháy ở các chợ

Phòng là chính

Thượng tá Trần Hoài Nam, Trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC tỉnh cho biết, nguyên nhân chính của các tồn tại về PCCC tại các chợ, trung tâm thương mại chủ yếu vẫn do ban quản lý chợ, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác an toàn đảm bảo PCCC. Ý thức của tiểu thương đối với PCCC và bảo vệ tài sản vẫn chưa cao, còn thờ ơ, thiếu hiểu biết về an toàn PCCC. Đáng chú ý, lãnh đạo một số địa phương chưa quan tâm bố trí ngân sách cho công tác PCCC tại các chợ; kinh phí chủ yếu do ban quản lý chợ vận dụng trích từ nguồn thu phí chợ để chi cho công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, PCCC. “Việc ban quản lý chợ hầu như không có quyền tự chủ trong việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo chợ và không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh vi phạm dẫn đến việc đảm bảo điều kiện về an toàn PCCC không được duy trì nghiêm túc ở các chợ”- Thượng tá Trần Hoài Nam khẳng định.  

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy Cảnh sát PCCC tỉnh chia sẻ, cảnh sát PCCC thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn, nhắc nhở ban quản lý chợ chấp hành nghiêm quy định về an toàn PCCC. Hàng quý, đơn vị đều tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về an toàn PCCC; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời những sơ hở, thiếu sót, nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến cháy nổ; chủ động xây dựng các phương án, diễn tập phương án PCCC phù hợp và tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng chữa cháy tại chợ... Cùng với đó, phối hợp cùng các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư, nâng cấp đồng bộ chợ, tránh tình trạng bất cập, thiếu thốn như hiện nay; đầu tư thỏa đáng cho công tác an toàn PCCC; xây dựng, huấn luyện lực lượng chữa cháy tại chỗ đáp ứng yêu cầu thực tế.

Thời gian tới, Cảnh sát PCCC tỉnh phối hợp với Sở Công thương và các địa phương tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác PCCC các chợ trên địa bàn. Qua đó, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình điểm các chợ, trung tâm thương mại đạt chuẩn về PCCC và nhân rộng mô hình này. Gắn tuyên truyền nâng cao ý thức về PCCC kết hợp với thực hiện chế độ mua bảo hiểm bắt buộc đối với tiểu thương. Tổ chức đánh giá lại toàn diện về lực lượng, phương tiện chữa cháy được trang bị tại các chợ, trên cơ sở đó, đề ra phương án đào tạo, bảo dưỡng và trang bị thêm thiết bị đảm bảo PCCC.

Theo Đại tá Hoàng Văn Thành, ban quản lý các chợ cần tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo về an toàn PCCC đến các hộ kinh doanh trong chợ; đồng thời, thường xuyên tổ chức tốt công tác tự kiểm tra an toàn PCCC để kịp thời phát hiện các thiếu sót, khắc phục ngay những yếu tố không đảm bảo an toàn PCCC; chú trọng trang bị các phương tiện, dụng cụ chữa cháy ban đầu đảm bảo số lượng, chất lượng theo quy định. Ngoài ra, cần củng cố, tổ chức lực lượng PCCC cơ sở đảm bảo, được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ theo quy định; tổ chức tốt công tác thường trực chữa cháy để ứng phó kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; xây dựng phương án chữa cháy tại chỗ đầy đủ và tổ chức học tập, thực tập định kỳ hàng năm theo quy định.

Theo kết quả kiểm tra 66/160 chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh của lực lượng cảnh sát PCCC tỉnh, có rất nhiều chợ chưa xây dựng phương án chữa cháy hoặc có xây dựng nhưng chưa chỉnh lý, sửa đổi; chưa phối hợp tập huấn nghiệp vụ PCCC; chưa tổ chức thực tập phương án chữa cháy; chưa trang bị đủ phương tiện PCCC... Đáng chú ý, phần lớn chợ trên địa bàn tỉnh đều chưa mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo đúng quy định, ngoại trừ chợ Trường An, chợ Vĩ Dạ và các siêu thị.

Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc trẻ em

Chiều 27/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Tổ chức Blue Dragon International (Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh) tổ chức hội nghị trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, triển khai các hoạt động hỗ trợ cho trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và công tác phòng, chống mua bán người giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Hà Giang. Tham dự có bà Skye - Đồng Giám đốc Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh và lãnh đạo một số ban, ngành của hai tỉnh: Thừa Thiên Huế và Hà Giang. ​

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc trẻ em

TIN MỚI

Return to top