Nhân viên Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh luôn chú trọng kiểm tra các yếu tố an toàn cho hệ thống lốp khi phương tiện đến kiểm định
Nguy cơ mất an toàn
Thực tế, không hiếm trường hợp ô tô đang lưu thông trên đường thì bị nổ lốp, gây TNGT thiệt hại về người, tài sản. Nhiều trường hợp khi nổ lốp trước, xe sẽ bị mất lái lao ra ngoài làn đường, thậm chí xe bị lật rất nguy hiểm. Trường hợp khi ô tô bị nổ lốp sau dẫn đến bị mất thăng bằng, va chạm với các phương tiện khác.
Ông Đào Hữu Long, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thừa Thiên Huế cho rằng, có nhiều nguyên ô tô lưu thông trên đường bị nổ lốp, như xe chở quá tải trọng; xe ôm cua gấp, xe băng qua ổ gà; xe chạy gặp nguyên liệu cứng như sắt, đá. Ngoài yếu tố trên, lúc lốp thiếu hơi cũng là một trong những nguy cơ dẫn đến tình trạng nổ lốp khi lưu thông trên đường. Khi lốp xe thiếu hơi khiến các thành phần cấu tạo của lốp, như dây thép, cao su, gai lốp và cả tanh lốp phải hoạt động quá sức. Hơn nữa, khi lốp thiếu hơi sẽ khiến lốp xe không được làm mát, cộng thêm diện tích ma sát giữa lốp và mặt đường sẽ gây nên tình trạng quá nhiệt và dễ phát nổ.
Trong các tiêu chí khi thực hiện đăng kiểm phương tiện, lốp xe được kiểm tra kỹ để đảm bảo các yếu tố trên. Nếu quá cũ, mòn đến điểm giới hạn và khi vận hành ở tốc độ cao, các tác nhân nhiệt độ, áp suất và sức chịu tải sẽ làm hỏng lốp xe dẫn đến TNGT.
Ông Long cũng phân tích, khi ô tô chở quá tải cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nổ lốp. Lý do khi ô tô chở quá tải, nhiệt sinh ra trong quá trình ma sát với mặt đường và việc di chuyển qua các đoạn đường lồi lõm sẽ đẩy sức chịu đựng của lốp đi quá giới hạn. Ngoài ra, lốp xe cũng có thể dễ dàng bị nổ nếu người điều khiển lái với tốc độ cao, cua gấp trong khi lốp đã bị mòn. Khi ô tô đang chạy với vận tốc cao, việc ôm cua có thể làm cho lốp bị bẻ ngang rất mạnh, khiến cho thành lốp phải chịu tải đè nặng làm tăng nguy cơ bị nổ lốp...
Tâm lý còn chủ quan
Hiện nay nhiều cao tốc đã, đang đưa vào sử dụng tại các tỉnh, thành. Khi lưu thông trên những tuyến này, các ô tô cần đảm bảo an toàn đối với lốp xe. Tuy vậy, nhiều người sử dụng ô tô vẫn còn tâm lý xem nhẹ vấn đề này vì chưa nắm rõ được tình trạng của lốp, dẫn đến sử dụng lốp kém an toàn.
Anh Lê Thanh Trí, nhân viên sửa chữa ô tô tại TP. Huế chia sẻ, hiện các garage sửa chữa ô tô chủ yếu chẩn đoán tình trạng của lốp qua quan sát bề mặt lốp của thợ, như áp suất lốp, các dấu hiệu lão hóa cao su trên bề mặt lốp, các vết nứt rạn, lỗ thủng trên bề mặt lốp hoặc dùng thước đo độ sâu để biết được trạng thái mòn của gai lốp. Tuy nhiên, thiết bị chẩn đoán chuyên sâu về lốp chưa được sử dụng nhiều. Chủ xe muốn kiểm tra chất lượng phải đến các hãng ô tô. Thông thường mọi người có thói quen định tính là ô tô chạy bao nhiêu cây số là thay lốp, nhưng đối với những trường hợp lốp được vận hành đi đường đèo dốc, địa hình mặt đường xấu hoặc ô tô ít di chuyển lăn bánh thì cần chú ý hơn.
Theo chuyên gia giao thông, khi ô tô di chuyên trên đường nếu nổ lốp thì người điều khiển cố gắng không đạp phanh, hãy giữ thẳng và chặt vô-lăng để các hệ thống an toàn trên xe như cân bằng điện tử ESP, phân phối lực phanh điện tử EBD can thiệp, xử lý. Nếu bạn cố thao tác thêm một số động tác khác sẽ khiến bộ điều khiển trung tâm ECU khó xử lý tình huống.
Sau khi cố giữ ổn định xe tiếp tục giảm tốc độ và hướng xe vào địa điểm được xác định an toàn (vào lề đường) để kiểm tra tình trạng lốp xe. Để đảm bảo an toàn, hãy bật tín hiệu xin đường hoặc sử dụng tới hệ thống đèn pha nhấp nháy khi trời quá tối hoặc thiếu sáng. Đối với trường hợp lỗ thủng nghiêm trọng không thể di chuyển, tài xế chỉ còn cách dừng hẳn xe ở một vị trí trên đường, đồng thời tạo vật ra hiệu để cảnh báo tới các phương tiện khác, sau đó tự thay, hoặc gọi thợ đến trợ giúp thay lốp.
Ngày 22/9/2017 Bộ GTVT ban hành QCVN 34:2017/BGTVT về quy chuẩn quốc gia về lốp hơi dùng cho ô tô. Các loại lốp quy định trong quy chuẩn được sử dụng lắp trên ô tô trong nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam phải thỏa mãn các yêu cầu theo quy định nhằm kiểm soát chất lượng của lốp ô tô.
Bài, ảnh: Minh Văn