ClockThứ Năm, 03/10/2013 10:50

Tan trường là... tắc đường

TTH - Báo Thừa Thiên Huế không ít lần đề cập đến tình trạng ùn tắc giao thông trước các cổng trường học ở TP Huế. Song mới đây, một số bạn đọc tiếp tục phản ánh bức xúc tình trạng này và đề nghị chính quyền sở tại, các ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc.

Phổ biến

17giờ15 phút ngày 18/9, tuyến đường Đống Đa đoạn trước cổng Trường THCS Nguyễn Chí Diểu bị ứ người lại. Nguyên nhân là do trời mưa to, các bậc phụ huynh đến đón con chen nhau đậu đỗ ô tô, xe máy choán hết cả khu vực trước cổng trường. Gương mặt nhiều người đi đường trông rất nôn nóng, bực bội. Phải mất chừng 20 phút, đoạn đường này mới thông. Tuyến đường Đống Đa nằm ở trung tâm TP, có đến 6 trường học (Mầm non 1, Mầm non Hoa Mai, THCS Nguyễn Chí Diểu, THPT Cao Thắng, Trung tâm Giáo dục năng khiếu Văn-Thể-Mỹ, Đại học Khoa học), riêng Trường THCS Nguyễn Chí Diểu buổi chiều tan trường có gần 1.000 học sinh. Trong khi đó, lưu lượng xe cộ đi lại trên tuyến đường này đông, gặp đúng thời điểm thành phố đang thi công xây dựng hệ thống thoát nước khiến tình trạng tắc đường thêm kéo dài. Ông N.A.T, phụ huynh học sinh Trường THCS Nguyễn Chí Diểu tâm sự, đón con lúc 17h15 phút, nhưng có hôm gần 18giờ bố con mới về đến nhà.

Ùn tắc giao thông trước cổng Trường THCS Nguyễn Chí Diểu

Trước nhiều cổng trường học khác trên địa bàn TP Huế cũng diễn ra tình cảnh tương tự. Tại Trường tiểu học Lê Lợi, dù có 4 cổng ra vào ở 3 trục đường (Nguyễn Tri Phương, Hoàng Hoa Thám, Trần Cao Vân) nhưng đúng 16giờ 30 phút, khi tan trường, cảnh nhốn nháo lại bắt đầu. Trên 1.600 học sinh cộng thêm chừng ấy số phụ huynh đến đón con cùng với các phương tiện ô tô, xe máy, đủ thấy con số người và phương tiện lớn đến thế nào. Trước cổng chính, trường có bố trí hai bảo vệ đứng phân luồng, tạm thời cho phụ huynh chạy xe vào sân trường đón con; song tuyến đường này nằm ở khu vực trung tâm TP Huế, có đến 3 trường học (Tiểu học Lê Lợi, THPT Nguyễn Trường Tộ, Đại học dân lập Phú Xuân)... nên chuyện ùn tắc chưa cải thiện được. Vào những ngày mưa gió, tình trạng này càng trở nên thảm hại. Trên hai tuyến đường Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Tri Phương (khu vực trước cổng trường học), ô tô xếp dài hai hàng khiến tuyến đường bị thắt cổ chai, đường không tắc mới là chuyện lạ. Trước cổng nhiều trường học khác như: tiểu học Tây Lộc, THCS Phan Sào Nam, THCS Hàm Nghi (cùng nằm trên đường Trần Quốc Toản, phường Tây Lộc), tiểu học Phú Hòa, Thuận Thành, Nguyễn Trãi, Phú Cát, Vĩnh Ninh, THCS Thống Nhất, Tố Hữu, Trần Cao Vân... lượng học sinh đông, phương tiện đi học và đưa đón các em nhiều, trong khi các tuyến đường này khá nhỏ hẹp nên tình trạng tắc đường vào giờ tan trường cũng trở nên nhức nhối. 

Tập trung nhiều giải pháp

Tình trạng ùn tắc trước cổng trường xảy ra khá nhiều ở các tỉnh, thành trên toàn quốc, nhất là ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...Tại Hà Nội, sau nhiều giải pháp không mang lại hiệu quả cao, Sở Giao thông Vận tải TP đã cắm biển cấm dừng đỗ xe trước một số cổng trường hay xảy ra ùn tắc do phụ huynh tụ tập đón con dưới lòng đường. Qua đó, Cảnh sát giao thông đã tiến hành xử phạt những người vi phạm quy định trên. Ở TP Hồ Chí Minh, nhiều biện pháp chế tài đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu áp dụng như: xử phạt người vi phạm, trừ điểm thi đua các trường...

Một số biện pháp nhằm giảm ùn tắc trước cổng trường từng được TP Huế triển khai. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, có những trường học đã chủ động xây lùi cổng chính vào phía trong, mở thêm cổng phụ, thành lập “Đội cờ đỏ” để nhắc nhở phụ huynh... Ùn tắc trước cổng trường nhờ vậy có giảm, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được căn cơ vấn đề.

Tắc đường diễn ra thường xuyên khi tan trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn giao thông, trật tự đô thị, gây không ít bức xúc cho nhiều người. Đã có những phụ huynh cãi vã nhau khi đón con bởi chuyện đậu đỗ xe không hợp lý. Bởi vậy, nhiều người cho rằng, công tác này cần phải được chính quyền TP và các ngành liên quan quan tâm hơn, nhất là hiện nay kinh tế đang có bước phát triển, phương tiện ô tô ngày càng nhiều. Giải pháp được một số người dân đưa ra là ngành Giao thông vận tải cần nhanh chóng nghiên cứu, triển khai cắm biển cấm dừng đỗ xe ngay trước khu vực một số cổng trường học. Phía ngành Giáo dục - Đào tạo nên điều chỉnh linh hoạt giờ tan trường nhằm giảm áp lực lượng học sinh vào ra ở cổng. Các trường học có thể phối hợp với phụ huynh tổ chức xe ô tô đưa đón, vừa thuận tiện vừa an toàn cho học sinh. Các trường có khuôn viên rộng rãi nên tạo điều kiện cho phụ huynh vào cổng trường đón con trong giờ tan trường. TP cũng cần quan tâm nhiều hơn đến việc mở rộng lòng đường, vỉa hè ở các tuyến đường có nhiều trường học, góp phần giải quyết hiệu quả nạn ùn tắc giao thông trước cổng trường như hiện nay.

Thượng tá Trương Đình Đức, Phó Trưởng Công an TP Huế:
 
“Các trường phải tập trung tuyên truyền, hướng dẫn”
 
 Thời gian qua, Công an TP Huế đã tham mưu, tuyên truyền, hướng dẫn công an phường phối hợp với các trường học để sắp xếp, đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) trước cổng trường học giờ tan trường, tuy nhiên, mọi việc “đâu lại vào đó”.
 
Đầu năm học 2013-2014, Công an TP Huế tiếp tục chỉ đạo, giao cho công an các phường trực tiếp làm việc, hướng dẫn các trường tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh về trật tự ATGT; sắp xếp, tổ chức lại việc đưa đón con em lúc vào học và khi tan trường. Công an TP Huế cũng đã tham mưu cho TP tổ chức một cuộc họp mời lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo, ban giám hiệu các trường để bàn giải pháp ổn định trật tự trước cổng trường. Cuộc họp sẽ tổ chức đầu tháng 10/2013. Sắp tới, Công an TP sẽ phân công cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự cơ động, công an phường giúp các trường điều hòa, ổn định trật tự trước cổng trường trong giờ cao điểm một thời gian.
 
Trách nhiệm của các trường học trong vấn đề này rất quan trọng. Nhà trường phải tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức sắp xếp, cử giáo viên, nhân viên hướng dẫn cho phụ huynh, học sinh đảm bảo trật tự khi tan trường. Cần vận dụng khuôn viên của nhà trường cho phụ huynh vào đón con em.
 
Do nhiều nguyên nhân, các trường học ở trung tâm TP Huế thường xảy ra ùn tắc giao thông khi tan trường. Tuy nhiên, Trường THCS Nguyễn Tri Phương khi chuyển về địa điểm mới rất rộng rãi nhưng khi tan trường cũng tắc đường dù tuyến đường đó rất ít có người đi. Cho nên, giải pháp lâu dài là trong quy hoạch đô thị cần phải quan tâm đến quy hoạch các trường học, chú ý hệ thống giao thông tĩnh trước khu vực cổng trường. 
 
Thùy Hương (ghi)
 
Ông Lâm Thủy, Phó Phòng Giáo dục - Đào tạo TP Huế:
 
“Sẽ điều chỉnh linh hoạt giờ vào học và giờ tan trường”
 
Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường vào giờ cao điểm, cần thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp: nhóm giải pháp trong trường học nhằm thiết lập trật tự khi tan học cho học sinh; nhóm giải pháp ngoài cổng trường nhằm mục đích giải quyết những nguyên nhân gây ùn tắc ngoài cổng trường; nhóm giải pháp xã hội tập trung xây dựng ý thức tham gia giao thông cho học sinh, phụ huynh.
 
Đối với nhóm giải pháp trong trường học, Phòng Giáo dục - Đào tạo TP Huế sẽ chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục thông qua việc giảng dạy nội dung ATGT trong chương trình chính khóa, thường xuyên nhắc nhở trong giờ chào cờ, đánh giá cuối tuần về trật tự ATGT. Phòng sẽ chỉ đạo các trường nghiên cứu mở thêm cổng phụ, phân chia khối lớp ra về theo từng cổng; điều chỉnh linh hoạt giờ vào học và giờ tan trường ở các khối học sinh trong trường (lệch nhau khoảng 10 phút) để giảm bớt áp lực học sinh vào, ra. Giải pháp này một số trường đã áp dụng thành công, có tác dụng đáng kể trong việc giảm ùn tắc giao thông. Các trường có sân rộng sẽ bố trí khu vực chờ đợi cho phụ huynh đến đón học sinh; kẻ vạch, phân làn, cắm biển báo, phân chia khu vực cho phụ huynh đưa đón học sinh theo từng khối lớp học; phân giáo viên chủ nhiệm, bảo vệ hướng dẫn học sinh ra về theo hàng...
 
Những giải pháp trên, Phòng đã chỉ đạo các trường học thực hiện, song quá trình triển khai vẫn chưa triệt để. Sắp tới, Phòng tiếp tục quan tâm chỉ đạo, theo dõi nhằm góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trước các cổng trường học.
 
Bích Thùy (ghi) 
 
Ông Nguyễn Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Diểu:
 
“Phụ huynh phải ý thức hơn trong việc đưa đón con”
 
Trường THCS Nguyễn Chí Diểu đã có nhiều biện pháp hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường như: Xếp thời khóa biểu lệch nhau giữa các khối học, tránh tình trạng tan trường đồng loạt. Trường đã đề nghị phụ huynh khi đón con nên đứng dàn trải, không tập trung trước cổng trường; thường xuyên tổ chức cho giáo viên hướng dẫn phân luồng học sinh khi tan trường, thậm chí có lúc cho phụ huynh vào hẳn sân trường đón con nhưng tình hình chưa cải thiện.
 
Trường đề nghị thành phố đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công trình mở rộng, nâng cấp đường Đống Đa. Công an giao thông cần vào cuộc, phối hợp, hướng dẫn điều tiết giao thông có hiệu quả trước các cổng trường trong giờ tan học. Nên chăng, phân luồng cho các xe tải, xe khách có trọng tải lớn đi qua các đường như Nguyễn Huệ, Hà Nội, tạo sự thông cho đường Đống Đa trong giờ cao điểm. Các bậc phụ huynh phải ý thức hơn nữa trong việc đưa đón con. Ai cũng muốn tới thật gần cổng trường để đón con, nhất là các phụ huynh đi bằng xe ô tô thì tình trạng ùn tắc giao thông là tất yếu. 
 
Hải Thuận (ghi)

 

Thụy Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dự án Khu nhà ở Tam Thai: Rà soát, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý

Trong 5 kiến nghị mà kết luận Thanh tra tỉnh chỉ ra và yêu cầu Công ty CP Xây lắp Thừa Thiên Huế - chủ đầu tư Dự án (DA) Khu nhà ở Tam Thai và các đơn vị liên quan tiến hành khắc phục, đến nay mới chỉ thực hiện xong 1 kiến nghị. Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Xây dựng rà soát DA, tham mưu xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự án Khu nhà ở Tam Thai Rà soát, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý
Hiểm họa từ pháo tự chế

Tết Nguyên đán đang đến gần, các vụ nổ do pháo tự chế trên cả nước là hồi chuông cảnh tỉnh đối với người dân, đặc biệt là lứa tuổi học sinh.

Hiểm họa từ pháo tự chế
Không nên lơ là, chủ quan với con trẻ

Rất nhiều bậc cha mẹ khi trông giữ con nhỏ vẫn còn lơ là, chủ quan, thiếu quan sát. Điều này tiềm ẩn nhiều vấn đề bất trắc có thể xảy ra mà không thể lường trước.

Không nên lơ là, chủ quan với con trẻ
WC ở trường học:
Thiếu để mắt sẽ mất ý nghĩa và thành lãng phí

Đầu tư là một chuyện, còn chăm sóc, quản lý, sử dụng lại là một chuyện. Nếu thiếu quan tâm quản lý, thì các nhà vệ sinh ở trường học sẽ rất nhanh bị xuống cấp, trở nên mất vệ sinh, và rồi lại trở thành nỗi ám ảnh cho mỗi học sinh khi có nhu cầu...

Thiếu để mắt sẽ mất ý nghĩa và thành lãng phí
Return to top