Ông Lê Duy Linh khẳng định trên bản đồ chỉ có một phần nhỏ diện tích rừng cạnh Laguna Lăng Cô là rừng phòng hộ
Lo lắng
Bà Lê Thị Tuất, thôn Mai Gia Phường, người có diện tích rừng sát với khu vực rừng mới trồng cho biết, khu vực này, trước đây gia đình bà có phát và dự định mở rộng diện tích, nhưng xã không cho với lý do là rừng phòng hộ nhằm giữ nguồn nước sạch. Nay, không hiểu ai phát rẫy, lấn sang cả đất rừng của gia đình bà.
Ông Huỳnh Bích, nguyên Trưởng thôn Mai Gia Phường cho biết: Trước đây, Trung tâm Vệ sinh nước sạch về đầu tư cho xã Lộc Bình 3 bể chứa và lọc nước với kinh phí trên 20 triệu đồng nhằm mục đích thu nước, chứa nước, lọc nước để cung cấp nước sạch cho 4 thôn trên địa bàn xã. Theo khuyến cáo của Trung tâm, phải giữ rừng đầu nguồn để không cạn kiệt nguồn nước. Vì vậy, UBND xã Lộc Bình đã không cho bất kỳ người dân nào trồng rừng ở khu vực này, nếu ai xâm phạm sẽ phạt rất nặng. Nay, không hiểu vì lý do gì, người dân nơi khác tới phá rừng phòng hộ để trồng mới rừng, khiến người dân rất bức xúc.
Theo nhiều người dân, không chỉ phá rừng phòng hộ tại khu vực rừng Đá Bàng, thôn Mai Gia Phường, hộ gia đình này còn trồng rừng ở khu vực đã cấp cho các hộ dân khác trong thôn tại vùng Đồi Quện (vùng giáp ranh giữa thôn Mai Gia Phường và thôn Tân An). Theo đó, khu vực này trước đây là rừng của Công đoàn Hạt Kiểm lâm Phú Lộc với diện tích khoảng 7ha. Sau đó, Công đoàn bàn giao lại UBND xã để giao lại cho 15 hộ dân thôn Mai Gia Phường trồng, phát triển kinh tế rừng. Tuy nhiên chỉ có 3 hộ trồng gần 2ha. Số diện tích còn lại, các hộ dân khác bỏ hoang, chưa trồng. Nay, hộ dân này lấn chiếm để trồng rừng.
Không phá rừng phòng hộ
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, người nơi khác tới trồng rừng mà người dân phản ánh là ông Nguyễn Anh, trú tại thị trấn Phú Lộc. Theo đó, ông này đã mua lại đất trồng rừng của các hộ dân, kể cả diện tích bỏ hoang trước đây để trồng rừng phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ông Phan Thế Phúng, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình thông tin: Việc người dân phản ánh hộ ông Nguyễn Anh phá rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn là không có cơ sở. Đây là khu vực rừng sản xuất được UBND huyện Phú Lộc cấp cho ông Trần Viết Quốc vào năm 1998 tại khoảnh 1, tiểu khu 1129 với diện tích 4ha. Sau này, ông Quốc chuyển nhượng lại cho ông Nguyễn Anh và đến đầu năm 2020, ông Anh thuê người phát dọn, xử lý thực bì và trồng cây keo. Đây không phải là khu vực quy hoạch làm vùng thu, lắng lọc nước sạch của người dân.
“Ngoài ra, ông Anh cũng thuê người đốt thực bì để trồng rừng tại lô 18, khoảnh 1, tiểu khu 193 (đất rừng nhận chuyển nhượng của các hộ dân) để trồng rừng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, có lần ông Anh đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về sử dụng lửa, UBND xã Lộc Bình đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt trên 2,2 triệu đồng”. Ông Phúng nói.
Liên quan đến việc phát, xử lý thực bì tại thôn Mai Gia Phường để trồng rừng, chúng tôi đã trực tiếp làm việc với Hạt Kiểm lâm Phú Lộc. Ông Lê Duy Linh, Trưởng bộ phận quản lý, bảo vệ rừng Hạt Kiểm lâm Phú Lộc thông tin: Toàn bộ diện tích đất rừng tại xã Lộc Bình là rừng trồng và rừng tự nhiên, chỉ có một phần nhỏ rừng sát với Laguna Lăng Cô là rừng phòng hộ. Có 22 hộ gia đình được giao quản lý trên 145ha rừng tự nhiên. Số rừng này sẽ là nơi cung cấp nước sạch cho toàn xã Lộc Bình.
Như vậy, việc người dân phản ánh hộ ông Nguyễn Anh phá rừng phòng hộ để trồng mới rừng, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của toàn xã Lộc Bình là có sự hiểu nhầm. Tuy nhiên, việc ông Anh phát quang, xử lý thực bì để trồng rừng, lấn chiếm diện tích rừng của hộ lân cận cần được UBND xã Lộc Bình giải quyết triệt để, tránh đơn thư kiện tụng kéo dài.
Bài, ảnh: Hải Huế