Lừa trẻ để "câu view"
Một ngày, chị Nguyễn Lan Anh (phường Phước Vĩnh) thấy con hớt hải cầm túi rau chạy về nhà, bảo rằng có chú Long nhờ xào rau lát ghé ăn. “Điều lạ lùng là gia đình tôi chẳng quen chú Long nào cả. Hỏi con mãi, nhưng con vẫn bảo là rau của chú Long đưa”, chị Lan Anh kể.
Thấy lạ, chị đem chuyện kể với hội bạn thì giật mình khi một người bạn hỏi: “có khi nào nó bị người lạ lừa để quay video Tiktok không?”. Lên mạng tìm kiếm, chị giật mình khi thấy việc giả làm người thân, người quen của gia đình để lừa trẻ em đang phổ biến trên Tiktok.
Những video clip giả làm người quen để lừa trẻ em trên Tiktok chủ yếu xoay quanh nội dung là đóng giả người quen của gia đình sau đó gặp những đứa trẻ mà họ không quen biết đang đi trên đường rồi nhờ chuyển đồ (nhu yếu phẩm, món ăn, thức uống, vật dụng cá nhân…) đến người thân (cha, mẹ).
Hầu như những trẻ em trong clip đều tỏ ra ngơ ngác, không biết gì khi bị người lạ nhờ vả. Tuy nhiên, những người tạo nội dung vẫn liên tục chào hỏi như: “Chú gửi đồ về cho mẹ nấu, lát chú qua ăn” hay “cậu Phúc gửi khổ qua về cho mẹ dồn thịt, chiều chú qua dùng”… và nói cho đến khi đứa trẻ nhận đồ thì thôi, sau đó họ chạy đi cùng tiếng cười khúc khích.
"Mình thật sự hoảng hốt khi xem những clip về trào lưu trên. Sao con nít bây giờ dễ tin người quá, thấy ai đưa cái gì cũng lấy”, chị Lan Anh bày tỏ. Đồng thời, chị cũng lo lắng rằng con sẽ buồn và ngại với mọi người xung quanh nếu biết mình bị mắc lừa người lạ.
Hầu như các clip giả làm người quen để lừa trẻ em trên Tiktok đạt từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu lượt xem. Trong phần bình luận, không ít người tỏ ra thích thú với trào lưu này. Song, nhiều người đã lên tiếng rằng đây là hành động tiêu cực và không khỏi lo lắng: “Bây giờ mình thấy trẻ con ngây thơ quá, dễ bị lừa", "nếu mấy thành phần xấu xem mấy clip này cũng dụ mấy đứa nhỏ thì sao?”.
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Luật sư Lê Văn Lập, Chi hội trưởng Hội Luật sư bảo vệ trẻ em tỉnh cho hay, trào lưu giả làm người quen để lừa trẻ em trên TikTok rất đáng báo động, vì mang nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
“Tôi bất ngờ khi các em trong clip vô tư, thoải mái nhận đồ của người mà mình không quen biết. Nếu nội dung này được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội thì có thể thu hút nhiều đối tượng có mục đích xấu lợi dụng vào sự nhẹ dạ, cả tin của các em để thực hiện các hành vi trái pháp luật như: bắt cóc, tống tiền, xâm hại hoặc thậm chí là lợi dụng để thực hiện hành vi vận chuyển các chất cấm”, luật sư Lê Văn Lập khuyến cáo.
Theo luật sư Lập, nhiều trẻ em hiện nay vẫn chưa nắm được các kỹ năng trong việc giao tiếp với người lạ. Cha mẹ và thầy cô nên hướng dẫn cho các con có thể xử lý tốt các tình huống khi gặp người lạ hay làm thế nào để không bị lợi dụng, ví dụ như khuyên con không nên lấy quà của người lạ. Nếu đối tượng nhận là người thân của phụ huynh thì các em không nên vội tin mà cần hỏi lại “cô, chú nên gặp trực tiếp ba mẹ của con”. Trường hợp đã bị quay clip thì nên nhanh chóng đến nơi có nhiều người lớn để được hỗ trợ rồi sau đó báo cáo lại cho phụ huynh, nhà trường.
Bên cạnh những nguy cơ bị lợi dụng lừa đảo, tâm lý của những đứa trẻ bị lừa gạt để quay clip sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng dù người làm nội dung đó là diễn hay đóng thật. “Các em sẽ bị mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp... nếu phát hiện mình là nạn nhân của những trò đùa trên mạng", luật sư Lập nói.