ClockThứ Tư, 23/08/2023 09:38

Từ chuyện chiếc hộp giữ điện thoại

TTH - Chiếc điện thoại là phương tiện hữu dụng trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Thế nhưng, để hạn chế việc lạm dụng điện thoại, có khi, phải làm cả hộp để “nhốt”.

Thưa mẹ con về…

 Học sinh nộp điện thoại trước giờ vào lớp tại Trường THPT Gia Hội. Ảnh: Triều Sơn

Đó là một chiếc hộp đặc biệt bằng gỗ, được chính tay các bậc phụ huynh làm, tặng cho một lớp học ở Trường THPT Gia Hội (TP. Huế), nhằm hỗ trợ, khuyến khích học sinh không sử dụng điện thoại trong giờ học.

Chiếc hộp được đặt trên bàn giáo viên. Trước khi vào lớp, học sinh ký vào biên bản rồi cất điện thoại đã tắt nguồn vào hộp. Chiếc hộp sau đó được khóa lại cho đến cuối buổi học.

Mới đây, trả lời phỏng vấn truyền hình về câu chuyện chiếc hộp, giáo viên chủ nhiệm - người sáng kiến ra chiếc hộp, cho hay, trước đây, trong giờ học, nhiều học sinh nếu 15 phút không nhìn vào điện thoại là không chịu nổi.

Từ khi có hộp “nhốt” điện thoại, các em dành thời gian tập trung vào bài giảng của giáo viên, hay xem lại bài cũ, hoặc trò chuyện vui đùa cùng nhau. Tuy nhiên, để các em tự nguyện cất điện thoại vào hộp, giáo viên phải vận động, giải thích, khuyến khích nhiều lần. 

Không chỉ ở trường học, việc làm gì để hạn chế con cái lạm dụng điện thoại cũng là chuyện đau đầu trong các gia đình.

Mới đây, có dịp bạn bè hội ngộ, câu chuyện của chúng tôi đã thực sự “nóng” khi chạm đến chuyện trẻ con mê điện thoại. “Ăn cũng cầm điện thoại, đi vệ sinh cũng kè kè điện thoại. Nửa đêm thức giấc vẫn thấy điện thoại của con còn đỏ đèn. Khuyên nhủ, nhắc nhở, la mắng thế nào cũng không xong”, một phụ huynh phàn nàn. Và không chỉ ở Việt Nam, một người bạn đang sinh sống ở Anh vừa về Huế thăm nhà mà chúng tôi hẹn gặp hôm ấy cho hay, ở nhà, chị cũng đã sắm một chiếc hộp để giữ điện thoại.

Hai năm nay, cả nhà chị cùng nhau thực hiện một thỏa thuận, cứ 10 giờ tối, các thành viên đều tự giác bỏ điện thoại vào hộp.  “Ban đầu, khi mới thực hiện, con bé cũng lén lấy điện thoại để “lướt” lúc nửa đêm. Rồi năn nỉ, có khi khóc lóc đòi nhưng phải cương quyết mới duy trì được. Đặc biệt, để giúp con “cai” điện thoại, người lớn phải nêu gương, đi đầu”, chị chia sẻ.

Trong thời đại công nghệ như hiện nay, điện thoại là một trong những thiết bị, công cụ không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người. Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại không hợp lý trong giờ học hay ở nhà đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại, gây ra những hậu quả xấu cho sức khỏe, chất lượng học tập... Đặc biệt, nếu không được giám sát và định hướng tốt, trẻ em sử dụng điện thoại có thể bị tiêm nhiễm các nội dung xấu, độc, ảnh hưởng đến hình thành nhân cách của các em.

Số liệu khảo sát gần đây từ Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tại Việt Nam, có 89% trẻ em sử dụng mạng internet, trong đó 87% sử dụng hằng ngày. Giới trẻ sử dụng điện thoại thời gian 5-7 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ có 36% trẻ em được giáo dục về an toàn mạng.

Người Việt "nghiện" điện thoại, mạng xã hội ngày càng trẻ hóa đang là thực trạng được cảnh báo. Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng, không chỉ là những thông tin xấu, độc quá nhiều trên mạng xã hội, trẻ em không thể bảo vệ mình còn là sự việc ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, như tình trạng bạo lực học đường, quan hệ tình dục trước tuổi ngày càng có độ tuổi nhỏ hơn.

Tại Thừa Thiên Huế, thực tế cho thấy, trong không ít vụ bạo lực học đường giữa học sinh với học sinh hay những vụ ẩu đả trong độ tuổi vị thành niên, có nguyên nhân liên quan đến những xích mích, mâu thuẫn trên mạng xã hội.

"Bắt trẻ tuyệt giao với mạng xã hội là điều không thể, nhưng cha mẹ có thể lôi kéo con mình ra ngoài để phát triển toàn diện về mặt thể chất, văn hóa, tinh thần. Để làm được điều đó, cha mẹ phải có đủ thời gian, sân chơi cho trẻ em. Đặc biệt, các hoạt động trên môi trường thực phải đủ hấp dẫn. Các hoạt động ở nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, câu lạc bộ nghề nghiệp, sở thích phải đa dạng", PGS.TS Trần Thành Nam - Giảng viên Trường đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ trong một bài viết.

Cũng theo chuyên gia này, trước 9 tuổi, cha mẹ cần phải dạy con thế nào là thông tin có nguy cơ độc hại và đâu là thông tin riêng tư và cách ứng xử để tránh lộ, lọt và dạy trẻ những hành vi không phù hợp trên mạng.

Khi không thể cấm con trẻ sử dụng điện thoại thông minh hay mạng xã hội, việc có những chiếc hộp giữ điện thoại là một trong những biện pháp “bất đắc dĩ’’ trong nhà trường và gia đình.

Cùng với đó, mỗi cha mẹ cần là tấm gương, dành nhiều thời gian cho con hơn để hiểu, chia sẻ và trang bị cho con những kiến thức cần thiết, giúp con tự bảo vệ mình trên không gian mạng.

Nhật Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top