ClockThứ Hai, 02/10/2023 11:36

Vì sao hai người con của ông Thiên Tường chưa được công nhận liệt sĩ?

TTH - Chiều ngày 14/9, tại khách sạn Morin, nhân dịp dự lễ ra mắt cuốn sách “Huế, những năm tháng sống mãi”, ông Ngô Yên Thi, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế hỏi tôi: “Vì sao hai người con của ông Thiên Tường chưa được công nhận liệt sĩ?”
Ông Thiên Tường, tức Phan Tích (giữa) đã được Nhà nước công nhận Liệt sĩ, còn 2 người con trai: Phan Thọ (phải), Phan Lộc (trái) hiện chưa đưa được công nhận Liệt sĩ! 

Vì câu chuyện quá dài nên tôi chỉ trả lời tóm tắt những gì mình biết. Và đây là nguyên cớ mà tôi viết bài này, mặc dù “Chuyện ông Thiên Tường”, cách đây hơn chục năm tôi đã trình bày trên Báo Thừa Thiên Huế và Tạp chí Sông Hương.

Sau khi Báo Thừa Thiên Huế đăng tải, dưới sự chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện, chính quyền phường Phú Nhuận, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) và Sở LĐTB&XH Thừa Thiên Huế đã xúc tiến làm hồ sơ và năm 2012, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho ông Phan Thiên Tường!

Là người trực tiếp tham gia làm hồ sơ cho cả ba cha con ông Thiên Tường, tôi nêu thắc mắc “Vì sao chỉ có ông Thiên Tường được công nhận, còn hai người con của ông thì chưa ?”, tôi được một vị lãnh đạo của chính quyền thành phố trả lời: “Thôi, để sau đi anh”!

Sau hơn chục năm, vị Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn hóa, xã hội của thành phố ấy đã nghỉ hưu; còn thân nhân của ông Thiên Tường lần lượt qua đời và hiện không còn ai ở Huế. Nếu tôi không tiếp tục nêu tiếp câu chuyện này thì chắc chắn chuyện hai người con của ông Thiên Tường sẽ dần trôi vào quên lãng và như lúc sinh thời ông Phan Nam, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Huế, một Thành ủy viên hoạt động trong lòng đô thị Huế, trước khi đặt bút ký xác nhận công lao của ba cha con ông Thiên Tường đã từng khẳng định: “Nếu Đảng và Nhà nước không quan tâm chuyện này sẽ có lỗi rất lớn vì sự hy sinh và đóng góp của gia đình ông Thiên Tường không chỉ tiêu biểu cho Huế mà cho cả miền Nam!”

Cố Bí thư Thành ủy Huế Hoàng Lanh, người trực tiếp giao nhiệm vụ cho ba cha con ông Thiên Tường cho biết: “Ông Thiên Tường là cơ sở mật của cách mạng từ thời chống Pháp. Gia đình ông đã từng nuôi giấu tôi trong những ngày chỉ đạo phong trào đô thị Huế. Xuân 1968, ông được cách mạng giao giữ chức Chủ tịch UBNDCM khu phố 6 (khu phố 6 lúc ấy bao gồm các phường: An Cựu, Phú Nhuận, Phú Hội, Xuân Phú của TP. Huế hiện nay). Trên cương vị này ông và các con đã giúp ích rất nhiều cho cách mạng, nhất là trên lĩnh vực trừ gian. Cuối tháng giêng xuân Mậu Thân, khi địch phản kích, ông đã tìm cách chạy về Phú Vang (nơi chúng tôi rút lui), nhưng do chiến sự ác liệt, liên lạc bị đứt nên không thoát ly lên chiến khu kịp và sau đó bị địch bắt và đem bắn”.

Còn Trung úy Liên Thành, Chỉ huy lực lượng Cảnh sát đặc biệt Thừa Thiên Huế thuật lại:

- Sau khi biết được hành động của cha con Thiên Tường, ngày mồng 7 tết, tôi ra lệnh cho một biệt đội đặc biệt phải bắt cho bằng được cha con Thiên Tường. Biệt đội đã thành công, bắt được cả ba cha con.

Liên Thành kể tiếp:

Trưởng toán Đặc nhiệm là anh Nguyễn Bá Sơn , sau hai giờ lục soát đã gọi tôi:

- Chúng tôi đã bắt được 6 tên, bọn chúng khai là an ninh thành của Bảy Lanh, và hai cha con Thiên Tường, thằng con thứ 3 của Thiên Tường, chúng tôi không tìm ra, không biết hắn trốn ở đâu.

Và thế là tôi với tư cách CHT/CSQG hét trong máy truyền tin: - Thuyên chuyển tất cả bọn chúng về vùng 6 chiến thuật. (trích trang 118 và 119 Biến động miền Trung của Liên Thành).

“Vùng 6 chiến thuật” của Liên Thành là đây.

Bà Nguyễn Thị Thanh Sung, sinh năm 1949, ngụ tại đường Duy Tân cũ (Hùng Vương ngày nay) kể:

- Một tuần sau ngày ba tôi (tức cụ Nguyễn Văn Huyến) bị bắt, cũng một chiếc xe Jeep xanh đó, đậu trước mặt nhà, nhưng lần này thì họ không bắt ai cả, chỉ đến báo tin mà thôi, người lính đến gần mẹ tôi và nói: Bà và người nhà lên đường rầy xe hỏa gần nhà ga, để nhận xác chồng bà. Khi nhận ra, nhớ đem về chôn cất ngay lập tức.

… Dì cầm tay tôi, hai dì cháu vừa đi, vừa chạy lên đường rầy xe lửa, qua khỏi nhà ga, đi theo đường rầy về phía núi, từ đằng xa nhìn tới, chúng tôi đã bắt đầu thấy những xác chết nằm la liệt hai bên đường rầy. (Tạp chí Sông Hương số 228 - tháng 2/2008).

Trong số “những xác chết nằm la liệt” ấy, có hai cha con ông Thiên Tường.

Thi thể ông Thiên Tường (tức Phan Tích) và người con là Phan Lộc bị bắn ở Huế được các ông Phan Bản Đốc, Phan Đại đưa về an táng Phú Mậu, thành phố Huế hiện nay.

Tôi nhớ khi Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Thanh Kiếm mời tôi và ông Mai Gia Kim Tri (con rể ông Thiên Tường nay đã qua đời) đến cơ quan để cung cấp thêm tư liệu, vị giám đốc này cho biết: “Bộ LĐTB&XH có ý kiến chấp thuận lời thuật của các ông Lê Minh, Tư lệnh Mặt trận Huế Xuân 1968, ông Nguyễn Vạn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, ông Hoàng Lanh, nguyên Bí thư Thành ủy Huế, liên quan đến hoạt động của cha con ông Thiên Tường như đề nghị của địa phương”.

Thế nhưng, như đã trình bày ở trên, không rõ vì lý do gì sau đó Nhà nước chỉ mới công nhận ông Thiên Tường là Liệt sĩ còn hai con trai của ông là: Phan Lộc, Phan Thọ chưa được công nhận Liệt sĩ?

Ông Thiên Tường và con là Phan Lộc bị Cảnh sát đặc biệt của Liên Thành thủ tiêu ở đường ray xe lửa thì mọi người đã rõ.

Riêng ông Phan Thọ, nguyên Cán bộ của Tỉnh đoàn Xây dựng nông thôn Thừa Thiên của chính quyền Sài Gòn, một cơ sở hoạt động bí mật của Thành ủy Huế, theo khẳng định của Trung úy Cảnh sát Liên Thành là đã bị bắt nhưng chúng đem thủ tiêu ông Phan Thọ ở đâu thì gia đình ông Thiên Tường không hề hay biết.

Bà Ngô Thị Đào trú tại 185 Phan Đình Phùng - Huế, cho biết: Trước năm 1975, bà  từng là Quận ủy viên phụ trách quận Hữu Ngạn và sau đó là Thành ủy viên Thành ủy Huế. Bà Đào khẳng định: Phan Thọ (con ông Thiên Tường) là cơ sở hoạt động hợp pháp do đồng chí Hoàng Lanh, Bí thư Thành ủy, chỉ đạo trực tiếp. “Tôi là người được đồng chí Hoàng Lanh giao nhiệm vụ nhận tài liệu từ rừng về giao cho đồng chí Phan Thọ từ tháng 2 năm 1964 cho đến khi cuộc tổng tấn công nổi dậy xuân năm 1968. Sau đó, tôi nhận được tin đồng chí Phan Thọ bị địch bắt và đem đi thủ tiêu ở đâu tôi không rõ”.

Tất cả những chứng cứ ấy chúng tôi đã cung cấp cho Sở LĐTB&XH Thừa Thiên Huế.

Vấn đề đặt ra là những người trong cuộc biết rõ sự việc nay đã qua đời và thân nhân của ông Thiên Tường hiện ở Việt Nam không còn ai.

Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in lời của bà Nguyễn Thị Mượn - vợ ông Thiên Tường, khi tôi hỏi bà vì sao sau giải phóng gia đình không làm hồ sơ liệt sĩ cho thân nhân của mình?

Bà trả lời:

 - Việc ông nhà tôi và các con làm việc cho cách mạng, mấy ông lãnh đạo đều biết, Nhân dân đều biết, nhưng ngặt nỗi những người hoạt động cách mạng cùng thời có ai thấy cảnh ông nhà tôi và các con bị giặc giết mô mà chứng nhận. Cách mạng biết thì làm cho gia đình tôi chứ tôi già rồi, biết chi mà đi xin xác nhận!

Chính vì điều này mà khi bà qua đời, tôi đã tìm gặp các nhân chứng, lục tìm tài liệu và giúp gia đình bà làm hồ sơ.

Với sự đóng góp to lớn của ba cha con ông Thiên Tường, tôi kính đề nghị Thành ủy Huế sớm “vào cuộc” vì trên thực tế thân nhân của ông Thiên Tường không còn ai, trừ người con đầu là Phan Đưa hiện ở Mỹ bị bạo bệnh hơn chục năm nay, sống chết không rõ vì mất liên lạc.

Tôi tin những bộ hồ sơ mà tôi trực tiếp làm cho ba cha con ông Thiên Tường nay vẫn còn lưu ở Sở LĐTB&XH Thừa Thiên Huế.

Điều gì chưa rõ, chưa đúng thủ tục tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét.

Đến bây giờ vẫn đinh ninh rằng: đây là một gia đình tiêu biểu trong phong trào đô thị Huế. Gia đình ấy không chỉ hiến dâng tính mạng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc (ba người hy sinh) mà còn dốc hết vốn liếng để xây dựng (đầu tư hàng trăm lượng vàng để mua đất và lập xí nghiệp cơ khí nay là Công ty CP Phú Xuân nằm trên đường Hùng Vương - An Cựu - Huế).

Phạm Hữu Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần lập hồ sơ công nhận địa điểm sông Hai Nhánh là di tích lịch sử cách mạng

Đọc được bài báo "Sông Hai Nhánh - dấu ấn hào hùng" của nhà báo Phạm Hữu Thu (đăng trên Báo Thừa Thiên Huế số: 9122 và 9123 ra các ngày 25, 26/4/2024), chúng tôi chợt nhớ mấy câu thơ trong trường ca “Mặt đường khát vọng" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Họ đã sống và chết, giản dị và bình tâm. Không ai nhớ mặt đặt tên nhưng họ đã làm nên đất nước”.

Cần lập hồ sơ công nhận địa điểm sông Hai Nhánh là di tích lịch sử cách mạng
Khánh thành Nghĩa trang liệt sĩ xã Phú Gia

Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975-30/4/2024 và hướng tới kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/1947-27/7/2024, ngày 20/4, xã Phú Gia (Phú Vang) tổ chức khánh thành nghĩa trang liệt sĩ. Tham dự có ông Lê Trường Lưu -UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.

Khánh thành Nghĩa trang liệt sĩ xã Phú Gia
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Brussels đệ trình UNESCO công nhận 2 di sản văn hóa phi vật thể

Thủ đô Brussels của Bỉ đang tìm cách bảo vệ 2 văn hóa truyền thống lịch sử gồm nghệ thuật múa rối và một tấm thảm hoa rộng 1.680m2 được trưng bày 2 năm một lần trước tòa thị chính thủ đô Brussels, bằng cách đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Brussels đệ trình UNESCO công nhận 2 di sản văn hóa phi vật thể
Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma

Ngày 14/3, tròn 36 năm sự kiện Gạc Ma (14/3/1988), tại Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma
Return to top