Từ việc chơi cho vui, “chơi thử”, nhiều sinh viên nhanh chóng bị cuốn vào đánh bạc trực tuyến (ảnh minh họa). Ảnh: Bảo Phước
Thực trạng TNXH trong những năm gần đây ngày càng diễn biến phức tạp và có xu hướng bùng phát. Những TNXH như: bạo lực học đường, trộm cắp, cờ bạc, số đề, cá độ, game online, mua bán và sử dụng ma túy… đã và đang len lỏi vào đời sống của một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên; trong đó, có cả học sinh, sinh viên.
Do cuộc sống kinh tế đầy đủ, nhiều bậc cha mẹ cứ nghĩ đời mình đã khổ nhiều nên muốn con cái được sống trong đủ đầy. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ ít khi nghĩ chính điều này đã làm cho con họ có cơ hội tham gia vào các cuộc vui, cuộc chơi mà từ đó, mắc phải các TNXH lúc nào không hay biết. Đôi lúc người lớn không hiểu nổi tại sao bọn trẻ lại có thể vừa ăn nhậu, vừa nhảy nhót ngả nghiêng với tiếng nhạc xập xình đau cả óc. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh chưa bao giờ đi bar hay đi pub… trong khi đó, đây lại là tụ điểm yêu thích của nhiều đứa trẻ ngày nay. Từ việc tụ tập ăn chơi dẫn đến cá độ, đề đóm, rồi bị rủ rê hút thử, tiêm thử ma túy… dần dần sa vào tệ nạn, nghiện ngập khi nào không hay biết.
Ngược lại với những thanh niên gia đình có điều kiện, nhiều em do gia đình nghèo khó, áp lực từ việc tìm kiếm việc làm để hỗ trợ gia đình đã tạo ra nguy cơ đối với trẻ em gái, nhất là các em ở nông thôn đi làm xa quê rất dễ bị những kẻ tuyển dụng dụ dỗ rơi vào hoàn cảnh bị cưỡng ép lao động, bóc lột tình dục. Em Nguyễn Thị Th. Ng. (19 tuổi) cho biết: “Do phải bươn chải kiếm sống và để có tiền gửi về cho ba mẹ nên ngoài việc đi may hàng xuất khẩu, ban đêm em phải làm việc tại các quán nhậu. Ở đây em thường bị những thanh niên uống say lợi dụng, nhưng không dám phản ứng vì sợ mất việc làm…”. Một số thanh niên thì lại bị mồi chài, mời kéo vào việc vay tín dụng đen với lãi suất rất cao, rồi lãi mẹ đẻ lãi con… dần thành con nợ.
Ngày nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông, bên cạnh mặt tích cực vẫn còn nhiều mặt tiêu cực nếu không có sự quản lý chặt chẽ. Nhiều kẻ đã lợi dụng mạng xã hội, hack những tài khoản facebook, zalo để lừa đảo mà người bị nạn không chỉ có người lớn mà còn có cả những đứa trẻ. Bên cạnh đó, với sự xâm nhập của các loại hình văn hóa độc hại, game online, phim ảnh bạo lực, đồi trụy... đã làm cho một bộ phận thanh, thiếu niên thiếu sự quản lý của gia đình bị tiêm nhiễm, mê muội, học đòi dẫn đến lối sống sa ngã.
Hậu quả của các TNXH cùng với sự buông lỏng quản lý, thiếu quan tâm của một số bậc cha mẹ đã khiến không ít trẻ bị trượt dài trên bước đường sai lầm làm ảnh hưởng đến cuộc đời, đánh mất tương lai. Chính vì vậy, gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội cần nâng cao trách nhiệm giáo dục, cảnh báo và tuyên truyền giúp các cháu hiểu được tác hại của TNXH. Từ đó kiểm soát hành vi của mình đồng thời tác động đến bạn bè, người thân để phòng, tránh TNXH.
Việc tuyên truyền, giáo dục có thể thông qua sách, báo, các phương tiện truyền thông đại chúng; qua các trang thông tin hoặc thông qua hoạt động dạy và học tại nhà trường với các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp; nói chuyện chuyên đề hoặc tích hợp lồng ghép trong dạy học các môn học, cũng như các hoạt động xã hội của các tổ chức đoàn, đội, hội, nhóm… Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải có giải pháp quản lý chặt chẽ và hiệu quả các hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực có liên quan đến TNXH và có chế tài xử phạt nghiêm đối với những người có hành vi vi phạm.
Việc tạo ra một môi trường sống và phát triển lành mạnh cho trẻ là trách nhiệm của mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Đồng thời, mỗi công dân trẻ tuổi cũng phải nâng cao nhận thức và tự ý thức được bản thân để không sa vào TNXH.
Nguyễn Thị Hoa Phượng