ClockThứ Năm, 09/09/2021 13:15

Cảnh báo tai nạn thương tích ở trẻ em

TTH - Kỳ nghỉ hè quá dài do dịch COVID-19 bùng phát, các hoạt động vui chơi giải trí, lớp học kỹ năng, ngoại khóa cho trẻ không được tổ chức. Trẻ ở nhà, trong khi ba mẹ, người thân vẫn phải đi làm nên nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích luôn hiện hữu.

Xây dựng môi trường an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em

Trẻ em trình bày về những mối nguy hại do tai nạn thương tích tại diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Mới đây, trong xóm nhỏ của tôi bỗng dưng nghe tiếng thất thanh khi người mẹ trẻ phát hiện ra cậu con trai ba tuổi đang định uống dung dịch cọ tẩy rửa các vết mực in vi tính để trên bàn. Lý do là người mẹ bất cẩn, bỏ dung dịch vào chai trà xanh khiến cậu bé tưởng nước giải khát. Cả nhà đều mừng vì tai qua nạn khỏi, nhưng giật mình vì đây không phải lần đầu cậu bé uống nhầm. Những lần trước, em từng nhỏ keo dính sắt vào mắt và ngậm thuốc điều trị huyết áp của bà vì tưởng viên kẹo.

Con nghỉ hè lại không có sân chơi khi dịch COVID-19 kéo dài là nỗi lo của nhiều phụ huynh, nhất là tai nạn thương tích. Còn nhớ trên địa bàn TP. Huế từng xảy ra cái chết thương tâm của một cháu trai hai tuổi khi chúi đầu vào thùng nước để lấy quả bóng. Cũng vì sự lơ đãng của người lớn có thể khiến trẻ gặp tai nạn và cái giá phải trả đôi khi quá đắt.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ, khác nhau theo độ tuổi, giới tính, trong đó đuối nước là nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong ở trẻ độ tuổi từ 1 đến 15. Thương tích do tai nạn giao thông là nguyên nhân phổ biến gây tử vong ở vị thành niên từ 15-18 tuổi. Ngộ độc, bỏng, ngã, động vật cắn cũng là những tác nhân gây hại rất lớn cho trẻ em.

Theo khảo sát của Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, hiện nay nhiều gia đình chưa quan tâm, quản lý và giám sát trẻ đúng mức. Đây cũng là chính là yếu tố khiến tỷ lệ tai nạn thương tích vẫn còn cao. Điển hình là tai nạn bỏng ở trẻ có nguyên nhân xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn như để các vật dễ gây bỏng (đèn dầu, phích nước sôi...) trong tầm với của trẻ, không để mắt tới trẻ... Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 18 tuổi do tai nạn đuối nước chiếm khoảng hơn 40%, tai nạn giao thông chiếm hơn 20% mà lỗi chính do người lớn thiếu sự giám sát, không chú trọng đến việc bảo đảm anh toàn tại khu vực vui chơi của trẻ. Điều đó đã trực tiếp đẩy trẻ tự tìm tòi để đáp ứng nhu cầu của mình và gây nên nhiều tai nạn thương tâm, đáng tiếc.

Tháng 3 vừa qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tổ chức diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói”. Trong diễn đàn này, bảo vệ trẻ em khỏi những mối nguy hại từ tai nạn thương tích là một trong những chủ đề được bàn luận sôi nổi. Những nguyên nhân và giải pháp đều đã được chỉ ra, song mấu chốt vẫn là sự quan tâm của cha mẹ dành cho con cái. Do đó, dù có bận rộn, mưu sinh thì những bậc cha mẹ cũng nên dành thời gian nhiều hơn cho trẻ, nhất là trong thời gian dịch bệnh, trẻ phải ở nhà nhiều hơn.

“Để bảo vệ trẻ em khỏi những điều nguy hại trong cuộc sống, cần rà soát các khu vực hay xảy ra tai nạn giao thông, đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn để có biện pháp phòng ngừa, can thiệp nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ; bố trí rào chắn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các ao, hồ, sông, suối, bãi tắm, khu vực nước sâu nguy hiểm. Cha mẹ và gia đình cũng cần được hướng dẫn về những kiến thức, kỹ năng để bảo vệ con em mình”, bà Nguyễn Thúy Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng chất lượng cảnh báo với các công trình cầu đường trước thiên tai

Những ngày qua, liên tiếp các cơn bão đã đổ bộ vào nước ta gây ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống; trong đó, bảo đảm giao thông thông suốt là nhiệm vụ cấp bách. Nhất là trong bối cảnh diễn biến của bão và hoàn lưu bão gây nguy cơ sập các cầu yếu, cầu đã xây dựng lâu năm.

Tăng chất lượng cảnh báo với các công trình cầu đường trước thiên tai

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top