|
Mã độc đánh cắp tài khoản facebook phát tán mạnh, người dân cần hết sức cảnh giác để tránh bị các đối tượng xấu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản |
Đủ kiểu để đánh cắp thông tin
Một ngày tháng 9/2023, chị Nguyễn T. T, trú tại TP. Huế nhận được cuộc điện thoại của người tự xưng là nhân viên của sàn Lazada. "Chúc mừng chị đã nhận được quà của đợt khuyến mại mùa hè sôi động của Lazada", người này nói qua điện thoại.
Gói quà tặng gồm 1 tủ lạnh Hitachi, voucher mua hàng trị giá gần 2 triệu đồng, một máy xay sinh tố. "Tất cả đều là quà tặng miễn phí, chị không phải trả thêm bất cứ một khoản phí nào. Em chỉ là nhân viên liên hệ, lát nữa sẽ có nhân viên chăm sóc khách hàng gọi lại với chị để hướng dẫn cách thức nhận quà. Chị dùng Zalo số này đúng không, bên em sẽ gửi kết bạn qua đây", người này nói. Do cảnh giác, lại không tin những chiêu trò như thế này, nên chị T đã không đồng ý kết bạn, nhằm tránh mất thông tin cá nhân.
Trò chuyện với một số cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng phòng, chống tội phạm công nghệ cao của Công an tỉnh được biết, các đối tượng xấu đã và đang lợi dụng công nghệ để lừa đảo ngày càng tinh vi, phức tạp.
Ngay như loại mã độc Fabookie chuyên đánh cắp tài khoản Facebook Bussiness cá nhân đang có dấu hiệu tăng cao. Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Huế đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Nhật Tân (SN 2001), trú tại tỉnh Quảng Trị; tạm trú tại quận Thanh Khê (TP. Đà Nẵng) về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Đối tượng Tân đã hack Facebook, sau đó dùng công nghệ Deepfake gọi video call đến 8 người thân của bị hại tên N.T.D.H (SN 1992, trú TP. Huế) mượn số tiền 73 triệu đồng để chiếm đoạt tiêu xài cá nhân.
Theo lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh, gần đây, xuất hiện hiện tượng mã QR độc hại bị phát tán dễ dàng trong các bài viết, hình ảnh thông qua các ứng dụng nhắn tin, diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội.
Khi người xem quét mã QR này sẽ bị chuyển hướng đến các trang quảng cáo cờ bạc kèm mã độc có thể bị cài đặt vào điện thoại. Từ đó, các đối tượng xấu sẽ đánh cắp thông tin để lừa đảo. Vì vậy, người dân cần hết sức lưu ý.
Những vấn đề cần lưu ý
Thời gian qua, nhiều lưu ý, khuyến cáo của lực lượng công an đến người dân, nhưng nhiều người vẫn bỏ qua hoặc không quan tâm nghiên cứu kỹ dẫn đến những hệ lụy không đáng có.
Điều đáng nói, hiện có không ít người, nhất là các bạn trẻ đã và đang thực hiện trào lưu ghép khuôn mặt của mình vào các video có sẵn của các app như: Faceplay, Reface… để trở thành những người mẫu, hoa hậu, các cô gái xinh đẹp.
Lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh và công an các địa phương trong tỉnh khẳng định, nếu người dân “sa đà” vào trào lưu ghép khuôn mặt của mình vào các video có sẵn của các app thì nguy cơ để các đối tượng xấu lợi dụng là rất cao. Đây là dạng công nghệ có tên Deepfake mà các đối tượng xấu đã dùng để gọi điện bằng hình ảnh để lừa đảo, sử dụng vào những clip đồi trụy, tống tiền, rất nguy hiểm.
Để tránh việc bị tấn công bởi mã độc Fabookie, lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh và công an các địa phương khuyến cáo: Người dân tuyệt đối không cài đặt và sử dụng các phần mềm crack, keygen…; hạn chế sử dụng chức năng lưu mật khẩu trên trình duyệt với các tài khoản quan trọng; sử dụng phần mềm diệt virus, giải pháp an ninh mạng để đảm bảo an toàn cho máy cá nhân cũng như hệ thống trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Người dùng đặc biệt cảnh giác với các mã QR được dán hoặc chia sẻ ở những nơi công cộng hoặc gửi qua mạng xã hội, email. Tuyệt đối không được cung cấp bất cứ một thông tin cá nhân nào và không làm theo hướng dẫn từ tin nhắn, gọi điện của các đối tượng lạ, không quen biết.
Nếu khi lấy được lòng tin và người dân làm theo hướng dẫn của các đối tượng, chúng sẽ yêu cầu cung cấp dãy số OTP được gửi đến điện thoại của người dân, cung cấp tài khoản ngân hàng... từ đó chiếm đoạt tài sản.
Lực lượng công an khuyến cáo, người dân cần chủ động nâng cao cảnh giác và tuyên truyền với người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo để phòng tránh.
Không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, căn cước công dân, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè, người thân để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.