ClockThứ Ba, 08/06/2021 10:03

Chiêu lừa không mới nhưng vẫn có người bị mất tiền

TTH - Đồng nghiệp kể, chị dâu con dì vừa bị mất 20 triệu đồng trong tài khoản. Đó cũng là khoản tiền còn lại của chị dành dụm để bù đắp mấy tháng lương nghỉ hè đối với giáo viên hợp đồng. Vậy mà chỉ một chút hoảng loạn, “yếu tim” chị đã bị kẻ lừa đảo lấy mất.

Cả tin, người bán vé số mất tiền

Chuyện là có số điện thoại lạ gọi đến, ban đầu chị không bắt máy, nhưng sau thấy liên tục gọi nhỡ, chị nghĩ lỡ khi người nhà có việc, mượn điện thoại gọi hoặc học trò có việc cần trao đổi, vậy là nghe. Đầu dây bên kia là một người đàn ông, nói giọng miền Nam, hỏi chị có phải tên H.? Sau khi xác nhận đúng, người này cho biết chị có liên quan đến một vụ tai nạn giao thông. Người ta lấy tên chị đăng ký mua ô tô và gây tai nạn chết người. Từ đây (lúc đó tầm trưa) đến 5 giờ chiều, nếu chị không chuyển hết tiền trong tài khoản sang tài khoản mới, tài khoản của chị sẽ bị phong toả để phục vụ điều tra. Chị nghe xong bủn rủn tay chân, bảo sao người ta biết tên mình mà lấy đăng ký xe? Bên kia trả lời họ làm ở sở giao thông vận tải và chỉ biết chị có liên quan đến vụ tai nạn, cần giải quyết sớm nếu không sẽ bị bắt. Và trước tiên là phải tạo tài khoản mới.

Chị tắt điện thoại, chưa kịp suy nghĩ thì liên tiếp những cuộc gọi réo rắt. Mẹ chồng chị nghe chuyện bảo coi chừng bị lừa, nhưng chị vẫn lo sợ bị bắt rồi con nhỏ ai nuôi. Vậy là chị lại nghe điện thoại, người đàn ông kia liên tục giục tạo tài khoản mới để tránh bị phong toả. Khi chị nêu lý do con nhỏ chưa thể ra ngoài thì họ gợi ý sẽ làm giúp. Chị không chần chừ mà cung cấp đầy đủ họ tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân và email. Chỉ trong tích tắc tài khoản mới của chị được lập. Mã OTP cũng được gửi tới điện thoại và xác nhận ở email. Tin tưởng “lòng tốt” của nhân viên sở giao thông vận tải “tự phong” nọ chị cung cấp mã OTP. Không lâu sau, điện thoại chị báo có tin nhắn mới-là tin nhắn trừ tiền trong tài khoản. Chị tá hoả phát hiện, tài khoản chỉ còn hơn 50 ngàn đồng. Vội vàng gọi lại số điện thoại kia thì thuê bao không liên lạc được. Biết mình bị lừa, chị gọi điện cầu cứu người thân nhưng không ai giúp được. Có người hướng dẫn chị viết đơn gửi công an phường và mong bọn lừa đảo sớm bị bắt mới có hy vọng, nhưng xem ra không dễ chút nào.

Câu chuyện của đồng nghiệp vừa dứt thì chuông điện thoại của chồng tôi đổ. Là một đầu số lạ của mạng Q-mobile: 0399xxx9975 cũng là giọng đàn ông ở các tỉnh phía Nam. Người này hỏi có phải anh H., chồng tôi xác nhận. Và cũng với bài cũ là thông báo chúng tôi có liên quan đến vi phạm giao thông. Dù không chết người nhưng do để lâu không nộp phạt nên đang xem xét xử lý. Khi bị chúng tôi chất vấn xe chỉ đi ở Huế tại sao lại có văn bản vi phạm ở tỉnh khác thì người này không trả lời được. Chúng tôi cũng nói đã chụp ảnh màn hình số điện thoại, ghi âm cuộc gọi và định vị vị trí người gọi để chuyển tới cơ quan công an tố cáo lừa đảo thì người kia tắt máy tức thì. Chúng tôi tiếp tục gọi lại thì thấy thuê bao đã tắt máy.

Trong một diễn biến liên quan, một người bạn của tôi cũng vừa bị gọi điện thoại bảo là người ở toà án, thông báo chị có liên quan đến một vụ án mạng... nghe đến đây chị bảo “cách này xưa rồi”. Vậy là bên kia tự động tắt máy.

Những câu chuyện tương tự cũng được chia sẻ lên mạng, đa số bình luận đều cho rằng, những kẻ lừa đảo đều nhắm vào đối tượng là phụ nữ. Khi gọi điện chúng dùng lời lẽ doạ nạt, gọi dồn dập khiến người nghe rối trí rồi làm theo hướng dẫn của chúng dẫn đến bị mất tiền của... Tuy nhiên, khi gặp đàn ông, phụ nữ hiểu biết, nắm được thông tin lừa đảo thì chúng sẽ tự động rút lui. Thế nên, khi có những cuộc điện thoại như thế này gọi đến, tốt nhất là không nên nghe, chặn số hoặc ghi âm, chuyển đến cơ quan chức năng làm bằng chứng để truy bắt kẻ lừa đảo.

Thật ra, kiểu lừa đảo này đã được cảnh báo rất nhiều lần. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có nạn nhân mới. Điều đó cũng cho thấy, ngoài sự thiếu cảnh giác của người dân vẫn còn sự lỏng lẻo, chưa quyết liệt trong điều tra, xử lý những đối tượng lợi dụng công nghệ để lừa đảo.

Linh Đan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lừa đảo chiếm đoạt tiền của người có nhu cầu ghép thận

Ngày 22/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Huế cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Hoàng Thị Phương Ngọc (SN 1987, trú tại 383 Nguyễn Tất Thành, phường Thủy Dương, TX. Hương Thủy) và Trương Trọng Long (SN 1991, trú tại phường Đạt Hiếu, TX. Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) về hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Lừa đảo chiếm đoạt tiền của người có nhu cầu ghép thận
Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp

Ngày 15/11, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn rất tinh vi.

Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Cảnh báo giả mạo cơ quan thuế để lừa đảo

Ngày 7/11, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, hiện có một số đối tượng mạo danh cơ quan thuế gửi giấy mời người nộp thuế (NNT) làm việc, kiểm tra, thanh tra… nhằm mục đích đánh cắp thông tin doanh nghiệp (DN), thông tin cá nhân phục vụ mục đích xấu.

Cảnh báo giả mạo cơ quan thuế để lừa đảo
Return to top