ClockThứ Ba, 10/05/2022 07:30

Chủ động phòng tránh đuối nước cho trẻ em

TTH - Thời gian gần đây, nhiều vụ đuối nước xảy ra đối với trẻ em tại các địa bàn trên cả nước đã gióng lên hồi chuông báo động trong việc quản lý trẻ em mùa nắng nóng và mưa lũ.

Một học sinh lớp 8 tử vong tại hồ Bàu Họ

Trẻ học bơi sẽ hạn chế được đuối nước. Ảnh: HỒNG TÂM

Anh Ngô Văn C., trú tại huyện Quảng Điền không hết bàng hoàng khi nhớ đến trường hợp con gái mình không may bị rơi xuống mương thủy lợi trước ngõ. Dòng nước đang chảy xiết đã cuốn trôi cháu bé qua cống ngầm, may mắn có người dân kịp thời phát hiện cứu vớt và đưa đi cấp cứu, từ đó vợ chồng anh C. không một phút giây lơ là đối với con cái. Mùa hè cũng là thời điểm nhiều bậc phụ huynh đưa con đi tắm sông, suối hoặc nhiều nhóm học sinh tổ chức các buổi dã ngoại, tắm sông, suối tự phát ở những nơi hoang vắng, nơi dòng nước chảy mạnh, sâu… mà không có người lớn giám sát.

Tại một địa điểm tắm sông trên địa bàn thành phố Huế, một số người còn để cho trẻ em ngồi vắt vẻo trên cầu bê tông, một số em bơi lội nhưng không mặc áo phao và không có người lớn bơi cùng. Một số học sinh chủ quan biết bơi, tuy nhiên không nắm chắc tình hình dòng nước, thời tiết như mưa to, gió mạnh, cá biệt có rất nhiều trường hợp tắm, bơi lội sau khi dùng bia rượu. Bên cạnh đó, nhiều khu vực công trình, dự án trong quá trình khai thác đất đá đã đào thành các hố sâu, nhưng không có sự quản lý hoặc chưa hoàn thổ, tạo thành các hồ nước sâu rất nguy hiểm dẫn đến tai nạn đuối nước cho trẻ em.

Là một địa bàn với hệ thống ao hồ, sông suối, bãi biển… dày đặc nên hầu như hằng năm tại Thừa Thiên Huế đều xảy ra các trường hợp trẻ em bị đuối nước.  Do đó, cần phải chủ động trang bị các kiến thức và kỹ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ. Về phía gia đình và trường học thường xuyên theo dõi, quản lý chặt chẽ hoạt động của con em và học sinh, không để các em tự ý tổ chức các hoạt động vui chơi, tắm sông, suối, tắm biển, bơi thuyền, bắt cá,… mà không có sự giám sát, tham gia của phụ huynh, giáo viên hoặc người lớn.

Bên cạnh đó, cần chủ động hạn chế tối đa không để trẻ em tiếp cận những nơi nguy hiểm có thể dẫn đến đuối nước, như che đậy chắc chắn giếng khơi, bể đựng nước mưa hoặc lấp bỏ khi không sử dụng. Đối với hệ thống kênh mương thủy lợi đi qua các khu dân cư, trường học cần sử dụng các tấm bê tông chắc chắn để che kín miệng, làm hàng rào để ngăn trẻ em tiếp cận. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác  đảm bảo an toàn tại các khu vui chơi, bể bơi, bãi tắm biển, điểm du lịch tắm suối, tắm sông… phải có nhân viên cứu hộ, dụng cụ, phương tiện đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp chậm hoặc không hoàn thổ, san lấp mặt bằng tại các công trình, dự án có các hố nước sâu, nhất là tại các địa điểm để xảy ra tai nạn đuối nước.

Cần đưa môn bơi lội, kỹ năng phòng tránh đuối nước vào chương trình học chính khóa, bắt buộc cho học sinh ngay từ cấp tiểu học và trung học cơ sở để các em có đầy đủ kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống, khoa học khi xảy ra sự việc đuối nước.

HOÀI AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tắm sông

“Mùa hè mà nhảy bùm xuống sông, vẫy vùng, bơi lội thì còn chi bằng!” - Tôi nhận được câu trả lời của bạn sau khi chuyển cho bạn xem những bức ảnh chụp cảnh buổi sáng chúng tôi bơi trên sông Hương, đoạn phía dưới chùa Thiên Mụ.

Tắm sông
Đừng để cứ hè lại khóc “đuối nước”

Mỗi năm, khi các bạn nhỏ được nghỉ hè, lại là lúc thỉnh thoảng phải đọc những thông tin rất buồn: Chết đuối. Đã có những con số thống kê, mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước… Riêng tại tỉnh Thừa Thiên Huế và địa bàn miền Trung, sau hè lại thường sẽ là mùa lụt bão, cũng là thời điểm dễ dẫn tới những mất mát vì đuối nước.

Đừng để cứ hè lại khóc “đuối nước”

TIN MỚI

Return to top