Cồn Tè dân dã nhưng cuốn hút
Khách từ vùng cao đến Huế chơi. Đưa đi thăm thú đền đài lăng tẩm là điều mặc nhiên phải có, còn ăn uống thì các món bánh Huế, bún bò, chè cháo các loại… nói chung đều dễ và sẵn. Nhưng, muốn để bạn được trải nghiệm cái gì đó cho nó khác lạ vùng miền, chúng tôi quyết định đưa bạn về cồn Tè (xã Hương Phong - TP. Huế) để ngắm hoàng hôn và thưởng thức đặc sản đầm phá.
Quả không ngoài dự đoán. Khách tỏ ra rất hào hứng khi được tận ngắm quang cảnh vùng đầm phá, được đắm mình trong làn gió chiều mơn man mát rượi - cái làn gió mà bạn bảo là đủ sức đánh bại bất kể chiếc máy điều hòa nào dẫu công suất có lớn đến đâu. Và thức ăn thì ôi thôi khỏi bình, chỉ cần nhìn nét mặt, sự “chăm chỉ” và những tiếng xuýt xoa của bạn là cũng đủ yên tâm cho chọn lựa về “điểm đến” của mình.
Tất nhiên, ngoài trải nghiệm ẩm thực, tận hưởng cảnh sắc, một “món” khác mà rất hiếm thấy vị khách nào lãng quên đó là… “check-in”. Thậm chí với nhiều người, ăn uống hay không chưa quan trọng, phải check-in cái đã, chuyện khác từ từ tính. Và khách của chúng tôi cũng không ngoại lệ, trước khi vào chỗ ngồi, ai cũng tranh thủ lúc mặt trời còn chưa tắt nắng để chụp ảnh. Chụp chung, chụp riêng, nhờ người khác chụp, hoặc tự “seo-phì” cho mình. Đúng là có công nghệ nó sướng thật, chỉ với cái Sphone trong tay, cứ vậy tha hồ bấm, không phức tạp căng chỉnh, không tốn tiền mua phim, rửa ảnh như ngày trước. Nói chung là tha hồ. Thấy bạn hứng thú với cồn Tè dân dã, tôi cũng bỗng như vui lây.
Thế rồi trong lúc chờ nhà bếp dọn món, nhiều người đã tranh thủ chọn ảnh “cúng phây”. Tiếng trao qua đổi lại nghe thật rộn ràng vui vẻ: Cái này nhé? - Không cái hồi nãy kìa, đẹp hơn. - OK. - Còn bức này? - Đâu? Thôi, chỗ máy tớ đẹp hơn, đây này. - Ừ. Ơ..ơ… nhưng mà thấy rác, không ổn. - Thì xóa nó đi, đơn giản mà… Tôi hơi chột dạ, cảnh sắc hữu tình, mát mẻ, nhưng đúng là… hơi rác. Rác tấp dưới chân nhà chòi và dọc ven chân con nước. Tuy không quá nhiều, nhưng trông rất “phá tướng”. Chính vì vậy mà ngay lúc bước vào, phát hiện điều này tôi đã cố tình dành cho khách ngồi ở phía view không rác. Ai ngờ chúng lại vô duyên chui tọt vào khung hình của bạn. Khách thì không nói gì, nhưng mình thì cảm thấy như có chút gì đó hụt hẫng, niềm vui cũng vì thế mà hao khuyết ít nhiều…
Trừ 2 năm cao trào dịch dã, còn thì cồn Tè đã là một điểm thư giãn, ẩm thực đắc địa của Huế bởi các món ăn tươi ngon đặc sản; bởi cảnh sắc thiên nhiên; và còn bởi cự ly không quá xa trung tâm thành phố. Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho một địa chỉ quý như thế, thì những người khai thác, nương nhờ “cuộc đất” ấy trước hết phải là những người có trách nhiệm giữ gìn, trân trọng nó. Có thể chưa có nguồn lực để đầu tư nhiều, nhưng mỗi một hàng quán tự ý thức giữ gìn môi trường ngay trong cơ sở kinh doanh của mình. Từ không xả rác xuống mặt nước, chỗ vệ sinh phải đảm bảo vệ sinh. Lại nữa, thỉnh thoảng vài ngày hoặc mỗi tuần 1 lần, các cơ sở kinh doanh hãy cùng nhau rảo quanh một lượt để nhặt nhạnh các loại rác do sóng nước tấp vào ven bờ, chưa cần phạm vi rộng, chỉ cần sao đó để du khách khi ngồi vào quán không bị ức chế bởi hình ảnh rác rến đập vào mắt, như thế là cũng đã đáng quý rồi.
Không ít vị khách nước ngoài đến Việt Nam ta du lịch hoặc làm việc, sinh sống đã tự nguyện đi nhặt/dọn rác ở những nơi công cộng. Mình nhặt rác ngay trên quê hương mình, để phục vụ trực tiếp cho điểm kinh doanh, mua bán của mình âu cũng là điều bình thường và rất nên làm, trước khi chờ cấp chính quyền sở tại có giải pháp dài hơi cho vấn đề.
Bài, ảnh: HÀN YÊN