ClockThứ Hai, 30/10/2023 06:55

Giả danh lừa đảo, không mới nhưng cần tỉnh táo

TTH - Trưa một ngày tháng 10/2023, chị Võ Thị M, trú tại phường Phú Thượng (TP. Huế) nhận được cuộc gọi của người lạ tự xưng là người của ngân hàng, tòa án yêu cầu gia đình chị phải thanh toán số tiền vay, nếu không sẽ bị tòa án xử lý theo quy định.

Cảnh báo mạo danh doanh nghiệp lớn gửi mail lừa đảo tuyển dụng75% người dùng di động Việt Nam nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo tài chính online

Điện thoại là phương tiện để các đối tượng lừa đảo gọi diện, nhắn tin đe dọa người dùng 

Gọi điện không được, nhắn tin

Hoảng hốt, nhưng chị M trả lời là gia đình không có ai vay tiền, rồi cúp máy. Sau nhiều cuộc gọi, nhưng chị M không trả lời, các đối tượng nhắn tin đe dọa.

“Nhiều người gọi cho tôi, cả nam lẫn nữ và rất nhiều số điện thoại khác nhau. Giọng miền Bắc cũng có, mà giọng Huế cũng có. Quá sợ, nên tôi đem nội dung tin nhắn đi hỏi người có hiểu biết ở gần nhà thì hiểu ra, đây là chiêu trò lừa đảo của các đối tượng xấu”.

Qua các trường hợp tương tự như chị M cho thấy, các đối tượng nắm rất kỹ hoàn cảnh, gia cảnh thực tại của từng gia đình để chúng gọi điện, nhắn tin giả danh cán bộ của các cơ quan pháp luật để dọa, nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trên địa bàn tỉnh và TP. Huế đã từng xảy ra trường hợp, người dân do quá lo sợ, đã thực hiện các thao tác của các đối tượng dẫn đến mất tiền.

Trước đó, chị Nguyễn Thị N, trú tại phường Xuân Phú (TP. Huế) nhận cuộc gọi của một người tự xưng là cán bộ công an thông báo chị N đang liên quan đến một vụ án và yêu cầu phối hợp.

Người này cho rằng, nếu không phối hợp thì sẽ cho người đến bắt giữ. Chị N rất lo lắng và giãi bày rằng, mình không liên quan đến vụ án đó.

Đối tượng tiếp tục yêu cầu chị N đổi mật khẩu trong App ngân hàng và hướng dẫn, cung cấp cho chị một mật khẩu mới, rồi yêu cầu kê khai tài sản, chuyển hết vào trong tài khoản của chị để công an bảo vệ.

Nghe lời, chị N rút tiền tiết kiệm chuyển vào tài khoản và tiền sẵn có gần 220 triệu đồng thì bị đối tượng giả danh công an chiếm đoạt.

Anh Đặng Văn Đ, trú tại phường An Hòa (TP. Huế) bị kẻ gian giả danh cán bộ công an thông báo anh liên quan đến một vụ án ma túy. Người này yêu cầu anh Đ kê khai tài sản và tiền trong tài khoản, chiếm đoạt 324 triệu đồng.

Dù đã được cảnh báo và xử lý nhiều đối tượng lừa đảo, nhưng hiện người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là TP. Huế vẫn bị các đối tượng giả danh công an, lực lượng pháp luật để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Nhận diện các đầu số lừa đảo

Mới đây, Công an TP. Huế phát đi thông báo cảnh báo đến người dân về việc, có nhiều số điện thoại xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án… đe dọa nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, các đối tượng lạ mặt đã dùng các đầu số điện thoại: 0586291097; 0583945381; 0814073108; 0849130115; 0819078726; 0886284501; 0836149554; 0822296690; 0822346178; 0814032589; 0853327415; 0911109884; 0853613907; 0834186052…

Sau đó, các đối tượng yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng với mục đích thực hiện việc chiếm đoạt.

Ngoài triển khai các biện pháp nghiệp vụ, Công an TP. Huế khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại.

Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch để tránh bị lừa.

Theo Công an TP. Huế, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng nhiều và có diễn biến phức tạp; với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, nên người dân cần hết sức lưu ý, cảnh giác.

Bài, ảnh: PHONG ANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top