Du khách lên thuyền khám phá Huế bằng đường sông
Sông Hương kêu cứu
Trong vai một du khách đi nghe ca Huế trên sông Hương, điều mà tôi muốn là mục sở thị thông tin từ một hướng dẫn viên phản ánh tình trạng trên các thuyền rồng không có bồn chứa vệ sinh, cho nên “tất tần tật” chất thải sinh hoạt, chất thải từ vệ sinh cá nhân của du khách, chủ thuyền, nhân viên phục vụ đang xả trực tiếp xuống sông Hương.
Qua quan sát, trên thuyền rồng đúng là không có bồn chứa chất thải. Chủ thuyền rồng cũng thừa nhận, tất cả chất thải lỏng trên thuyền đều thải trực tiếp xuống sông. “Các anh đi hết các thuyền mà xem, thuyền nào cũng không có thùng chứa chất thải vệ sinh đâu, chứ không riêng thuyền của tôi ”, chủ thuyền khẳng định.
Tour xem biểu diễn ca Huế trên sông Hương kéo dài khoảng 40 phút, qua quan sát tour hôm đó, có khoảng 6 du khách đi vệ sinh ngay trên thuyền. Theo tính toán, trung bình mỗi đêm có khoảng 50 lượt thuyền rồng xuất bến tham gia phục vụ du khách, mỗi thuyền có khoảng 30 - 40 khách. Khoảng 15 - 20% du khách có nhu cầu đi vệ sinh ngay trên thuyền, quả là một lượng chất thải không phải ít đang làm ô nhiễm dòng sông.
Một chủ thuyền khác cho biết, bồn dùng để chứa chất thải vệ sinh là thùng nhựa, được gắn vào một bên thuyền. Trước đây, thuyền của ông có lắp đặt, nhưng khi thuyền vận hành thời gian bị sóng đánh, va đập nên thùng nhựa bị vỡ. Mặt khác, thùng làm bằng nhựa nên chỉ sau thời gian ngắn sử dụng đã bị hư hỏng. Thùng chứa có thể tích nhỏ, chỉ 1 - 2 ngày sử dụng đã bị đầy nên rất khó để sử dụng lâu dài.
Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý Vận tải và Phương tiện, Sở Giao thông và Vận tải cũng khẳng định, ban đầu, để được đăng kiểm, các chủ thuyền đều chấp hành đúng quy định, phải có hai thùng chứa chất thải, một thùng chứa chất thải sinh hoạt bình thường, còn một thùng chứa chất thải vệ sinh cá nhân. Nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó, các chủ thuyền đã tháo gỡ, không còn sử dụng nữa và chất thải trên thuyền đã xả xuống sông Hương.
Một điều rất khó hiểu là vì sao tình trạng này lại kéo dài mà không được xử lý. Trong khi đó, lực lượng chức năng thường xuyên tiến hành thanh kiểm tra và phát hiện sai phạm đã nhiều năm qua.
Phía Thanh tra Sở Giao thông và Vận tải cho rằng, cái khó là hiện nay chưa có chế tài để xử phạt việc các thuyền phục vụ khách du lịch trên sông xả chất thải lỏng xuống sông, mà chỉ có chế tài xử lý các trường hợp các công trình hai bên sông thải chất thải rắn xuống sông. Việc không có chế tài, chỉ dừng lại nhắc nhở, vận động thực hiện lắp đặt nên các chủ thuyền chưa chấp hành một cách nghiêm túc.
Phải xử lý ngay lập tức
Điều mà chúng tôi vô cùng thắc mắc nữa là sự việc không phải bây giờ mới được đề cập và những người trong cuộc hoàn toàn biết điều này, nhưng mỗi ngày trôi qua, vẫn để dòng sông Hương gánh chịu một lượng chất thải lớn. Mãi cho đến khi đoàn kiểm tra liên ngành, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Dung gần đây, phát hiện sự việc và có những chỉ đạo thì các đơn vị mới triển khai các giải pháp một cách quyết liệt hơn.
Bà Dương Thị Ánh, Trưởng ban quản lý Bến xe - Bến thuyền TP. Huế cho biết, Ban quản lý vừa tiến hành rà soát lại chất lượng của các thuyền rồng trên sông Hương. Theo đó, có 4 thuyền không đủ điều kiện nên chưa được đăng kiểm và phải ngưng hoạt động từ cuối tháng 5/2019. Chỉ khi thuyền này đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh mới được cấp lệnh phục vụ khách.
Về việc xử lý chất thải, ông Phạm Quang Hồng cho biết, mới đây, ngành giao thông vận tải đã liên hệ với một đơn vị ở Hà Nội chuyên về thiết kế mẫu bồn chứa chất thải vệ sinh trên thuyền du lịch. Mẫu bồn chứa này rất phù hợp với thuyền rồng. Cho đến đầu tháng 6/2019 đã bước đầu lắp đặt được một số thuyền rồng.
“Khi các chủ thuyền làm thủ tục kiểm định chất lượng để hoạt động thì yêu cầu bắt buộc phải lắp đặt hệ thống xử lý chất thải mới này. Nếu thuyền nào không lắp sẽ không được đăng kiểm. Nên chỉ ít thời gian nữa, tình trạng thải chất thải trực tiếp xuống sông sẽ ổn hơn”, ông Hồng nói.
Một giải pháp được đưa ra, đối với mẫu thuyền rồng sẽ không được phát triển thêm mà thay vào đó là những mẫu thuyền mới, đảm bảo được các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn và đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh.
Hiện nay, có 127 thuyền rồng đang tham gia phục vụ du khách trên sông Hương, trong khi đó, việc chờ các thuyền đến kỳ đăng kiểm mới yêu cầu lắp đặt hệ thống xử lý chất thải thì kéo dài quá nhiều thời gian, vì nhiều thuyền còn thời gian dài mới đến hạn đăng kiểm. Do đó, cần phải có giải pháp mang tính “khẩn cấp”, bắt buộc các chủ thuyền rồng phải lắp đặt hệ thống chứa chất thải sớm nhất, không để tình trạng xả chất thải xuống sông kéo dài.
Bài, ảnh: Đức Quang