ClockThứ Năm, 21/04/2016 11:06

Khó khăn trong xử lý rác thải nông thôn

TTH - Rác vứt bừa bãi khiến không ít đường quê, chợ quê ô nhiễm, “bốc mùi”, là vấn đề thời gian qua rất nhiều bạn đọc quan tâm.

Rác nhếch nhác xung quanh khu vực Trung tâm thương mại Quảng Điền

Mục sở thị

Gần đây, một bạn đọc gọi điện đến Báo Thừa Thiên Huế phản ánh, chị cảm thấy “thật đáng tiếc” khi đi ngang qua chợ Phong Chương (xã Phong Chương, huyện Phong Điền) “bắt gặp” bãi rác lớn trong sân chợ, phía mặt tiền (giáp đường đi). Cũng trong khuôn viên ấy, trên nền đất, lẫn giữa những khóm cỏ thưa thớt là vô số bì ni lông bẩn vứt bừa bãi, tạo nên cảnh nhếch nhác, ô nhiễm. Cách chợ Phong Chương không xa, trên vạt cỏ bên vệ đường ra hướng xã Điền Lộc là “bãi chiến trường” rác ni lông... Từ thông tin nêu trên, chúng tôi thực hiện chuyến đi về một số huyện để tìm hiểu thực tế. Đến nơi, chúng tôi “gặp” ngay những bao rác tập kết ven đường dẫn đến chợ Phong Chương. Thời điểm này trước sân chợ không tồn tại bãi rác lớn như phản ánh, nhưng vẫn tình trạng rác ni lông vung vãi khắp sân trước và khu vực sau chợ. Tìm hiểu về “sự vắng mặt” của đống rác phía trước chợ mà bạn đọc phản ánh, một tiểu thương giải thích, đó là địa điểm tập kết rác, cứ mỗi tuần một lần, xe chở rác tới đưa đi. Trước thắc mắc vì sao xung quanh chợ rác ni lông nhiều thế, mấy chị phụ nữ “hồn nhiên” lý giải: “Chợ mà, trăm người bán vạn người mua, không rác mới lạ”.

Rời chợ Phong Chương, chúng tôi theo con đường dẫn ra xã Điền Lộc. Khi vừa qua hết cầu Hòa Xuân (xã Điền Lộc), một không khí nặng mùi xộc vào mũi. Những bao rác la liệt dọc con đường cách chân cầu một đoạn không xa. Dưới cái nắng như đổ lửa, mùi hôi hám từ rác (có lẽ để lâu ngày) càng gắt, thu hút đám ruồi nhặng. Cách điểm này chừng vài trăm mét, khu vực rất rộng bên hông chợ Đại Lộc (xã Điền Lộc) tràn lan rác.

Tương tự, tại Trung tâm thương mại Quảng Điền cũng tồn tại thực trạng... rác. Trên một đoạn ven đường Tam Giang, thị trấn Sịa (giáp với một sân bóng) “chình ình” những bao rác. Buổi chiều, chợ Quảng Lợi (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) không hoạt động. Tuy không nhiều, nhưng vẫn còn rác vương trên nền trong đình chợ, phía trước chợ và lối đi dẫn đến khu vực xây bằng xi măng để tập kết rác thải (chờ xe lấy rác đến thu gom). Chạy dọc Quốc lộ I (địa phận huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà) hay như khi rẽ vào một con đường nhỏ giữa những cánh đồng lúa thuộc địa phận xã Hương Vinh (thị xã Hương Trà), cũng “bắt gặp” nhiều đống rác tấp bên vệ đường. Nhiều địa điểm có thùng đựng rác, nhưng người dân không hề bỏ rác vào thùng mà vứt bừa bãi xung quanh.

Cần chung tay hành động

Quá trình chúng tôi đi thực tế, bất kỳ ai được hỏi cũng trả lời, mong muốn một môi trường đảm bảo, sạch sẽ. Nhưng tại sao trên không ít đường quê, chợ quê vẫn tồn tại tình trạng nhếch nhác rác thải? Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) huyện Quảng Điền Lê Mến cho biết: Phòng TN&MT là đơn vị tham mưu về vấn đề đề án thu gom và các chính sách, còn việc trực tiếp thu gom rác từ các chợ, các điểm tập kết do đội vận chuyển rác của huyện (thuộc Phòng Hạ tầng kinh tế) thực hiện. Theo ông Lê Ngọc Bảo, Trưởng phòng Hạ tầng kinh tế huyện Quảng Điền: Các xã thuộc huyện hợp đồng với đội vận chuyển rác. Theo đó, mỗi ngày đội vận chuyển sẽ đến một xã để vận chuyển rác (các thôn đã thu gom về các điểm tập kết) về bãi rác của huyện. Tuy nhiên, cũng theo ông Bảo, năng lực của đội vận chuyển hạn chế, chỉ có 2 xe tải chở rác và 2 xe ép rác, trong khi, huyện Quảng Điền có 11 xã, thị trấn.

Còn theo ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Phong Điền, 3 năm trở lại đây, kể từ khi thực hiện đề án thu gom rác thải của huyện, địa phương đã giải quyết, khắc phục 80% vấn đề này. Ngoài bãi rác của huyện ở xã Phong Thu (rác các nơi được đưa về đây chôn lấp), Phong Điền đã đầu tư 1 lò đốt rác tại xã Điền Hải. Ngoài Hợp tác xã (HTX) Môi trường Phong Điền (trước đây vận chuyển rác trên địa bàn toàn huyện), hiện xã Phong Hiền thành lập HTX Môi trường riêng, có nhiệm vụ thu gom vận chuyển rác từ xã Phong Hiền, Phong An ra bãi rác tại xã Phong Thu.

Tuy nhiên, rác thải vẫn còn tồn đọng là một thực tế. Lý do: Lượng rác thải quá lớn. Ý thức người dân chưa cao. Số lượng, chất lượng phương tiện vận chuyển rác chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. HTX Môi trường Phong Điền chỉ có 2 xe ép rác, trong khi phải vận chuyển rác trên địa bàn toàn huyện (trừ 2 xã Phong An, Phong Hiền), rác từ các công ty xí nghiệp, các khu công nghiệp. Việc vận chuyển không kịp, phải phân lịch, do vậy mới dẫn đến tình trạng mỗi tuần 1 lần, xe vận chuyển mới đến “bốc” rác tại các điểm tập kết (như chợ Phong Chương nêu trên). Huyện đã đề xuất phương án hoàn thiện cơ sở hạ tầng lò đốt rác, đầu tư thêm xe vận chuyển để nâng cao hiệu quả trong việc giải quyết rác thải, để đảm bảo về môi trường. Vấn đề này, UBND tỉnh đang trong quá trình xem xét, đầu tư. 

Từ những thực tế nêu trên, có thể thấy ngoài việc nhiều địa phương còn khó khăn về phương tiện vận chuyển xử lý rác thải, ý thức người dân vẫn còn kém. Còn nhớ, cách đây vài năm, người dân đã từng “kêu trời” vì rác thải “trắng xóa” hai bên đường khu vực cầu Trường Hà (huyện Phú Vang) và dọc đường đi về các xã Vinh An, Vinh Thanh, thì nay ở những khu vực đó rác đã... vắng bóng. Đường thuộc các xã Bình Thành, Bình Điền cũng sạch sẽ tươm tất, bởi rác thải được người dân buộc chặt trong bì ni lông và bỏ gọn gàng vào thùng chứa rác bên đường (chờ xe chở rác đến vận chuyển). Hay như Trung tâm thương mại Điền Môn (xã Điền Môn, huyện Phong Điền), một chợ quê vô cùng sạch, tịnh không cọng rác. Có nghĩa, “dẹp loạn” rác bảo vệ môi trường, là điều hoàn toàn có thể, nếu cơ quan chức năng và người dân cùng chung tay, đồng lòng.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh - Thanh Hải

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao quà trị giá gần 127 triệu đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

Ngày 22/11, tại thị trấn Phú Đa (Phú Vang), Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cùng Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo- Người tàn tật vàTrẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng phối hợp Hội Người khuyết tật- Bảo trợ người khuyết tật & trẻ mồ côi Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình trao quà hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do cơn bão số 6,với tổng trị giá gần 127 triệu đồng.

Trao quà trị giá gần 127 triệu đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn
“Ấm tình mùa đông” hỗ trợ phụ nữ khó khăn xã biên giới Hồng Bắc

Ngày 18/11, tại Nhà văn hóa xã Hồng Bắc (A Lưới), Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp Trường tiểu học Phường Đúc (TP.Huế) tổ chức chương trình “Ấm tình mùa đông” lần thứ 9 năm 2024, hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

“Ấm tình mùa đông” hỗ trợ phụ nữ khó khăn xã biên giới Hồng Bắc
Người dân thôn Bha Bhar chung sức, đồng lòng nâng cao đời sống

Ngày 15/11, Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, UVTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh đã đến dự và chung vui Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc cùng người dân thôn Bha Bhar (xã Hương Sơn, huyện Nam Đông) nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024).

Người dân thôn Bha Bhar chung sức, đồng lòng nâng cao đời sống
Khởi công nhà nhân ái tại xã Điền Hải

Ngày 5/11, Hội Thầy thuốc trẻ, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh phối hợp cùng Đoàn thanh niên Bệnh viện Trung ương Huế, Huyện Đoàn Phong Điền tổ chức khởi công nhà nhân ái cho gia đình ông Lê Văn Nuôi (xã Điền Hải, Phong Điền).

Khởi công nhà nhân ái tại xã Điền Hải

TIN MỚI

Return to top