ClockThứ Năm, 26/09/2019 06:30

Lo an toàn giao thông học đường

TTH - Tình trạng học sinh THCS và THPT đi mô tô - xe máy, xe máy điện gia tăng, cùng với việc xuất hiện các nhóm học sinh điều khiển chở số người quá quy định, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đi với tốc độ cao… là những hình ảnh thường gặp trên đường, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT).

Tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho hơn 3.000 học sinh, công nhân lao độngTuổi trẻ học đường với an toàn giao thông

CSGT tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh trên địa bàn Phú Lộc, nơi có QL1A đi qua

8 tháng, 16 vụ tai nạn giao thông liên quan học sinh

Trên đường Chi Lăng, TP. Huế, em Nguyễn Hoàng K. Tr. (SN 2005, ở Phú Thượng, Phú Vang, học sinh một trường THCS ở TP. Huế) điều khiển xe mô tô chạy hướng cầu Chợ Dinh - cầu Gia Hội, khi đến địa điểm trên, tông vào bà Đỗ Thị Th. (SN 1959, ở phường Phú Hiệp) đang đi bộ qua đường, gây tai nạn. Hậu quả bà Th. bị chấn thương sọ não điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế và mất sau đó ít ngày. Một trong những nguyên nhân được công an xác định, do em Tr. điều khiển xe không giảm tốc độ khi có người đi bộ qua đường.

Đó là một trong nhiều vụ TNGT liên quan đến học sinh điều khiển mô tô, xe máy, xe điện khi tham gia giao thông. Theo thống kê của Công an tỉnh, 8 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, trong đó, 3 vụ nghiêm trọng làm 3 người chết (có 1 học sinh), 13 vụ va chạm, làm 13 người bị thương. Lực lượng Công an phát hiện, xử lý gần 120 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về giao thông, trong đó có 40 trường hợp học sinh điều khiển xe đạp điện vi phạm.

Có mặt tại một số cổng trường, rất dễ bắt gặp hình ảnh nhiều em học sinh đi xe đạp điện đến trường không đội mũ bảo hiểm, chở 3, lạng lách nguy hiểm; một số học sinh chưa có bằng lái đi xe máy đến trường. Người điều khiển xe máy điện, xe đạp điện không cần giấy phép lái xe nên loại phương tiện này đang là sự lựa chọn hàng đầu của các gia đình cho con em sử dụng đến trường.

Theo Trung tá Nguyễn Hoàng Vũ, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP. Huế, hiện nay, tình trạng học sinh tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe máy điện, xe đạp điện ngày càng phổ biến trong khi nhận thức pháp luật về giao thông, kỹ năng tham gia giao thông của các em còn rất hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến TNGT.

Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh thông tin, Công an tỉnh tích cực tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn nói chung, trong trường học, học sinh, sinh viên nói riêng.

Đối với năm học 2019- 2020, Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, trong đó giao trách nhiệm cho lực lượng CSGT làm nòng cốt, triển khai thực hiện Kế hoạch “Tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường” từ 30/8 đến 30/9/2019; phối hợp các trường tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông, các kỹ năng tham gia giao thông, phòng tránh TNGT cho học sinh, sinh viên; lồng ghép vào “Tuần sinh hoạt công dân, sinh viên, học sinh”…Đồng thời, triển khai chuyên đề kiểm tra, xử lý đối với học sinh vi phạm pháp luật về giao thông, tập trung vào một số hành vi vi phạm, như: chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, xe mô tô; không đội mũ bảo hiểm; chạy dàn hàng ngang từ 3 xe trở lên; kéo, đẩy xe khác.

Thầy Nguyễn Mạnh Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chí Diểu cho biết, trong các buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần, nhà trường đều quan tâm tuyên truyền, nhắc nhở học sinh về quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện và tuân thủ các quy tắc khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, để giám sát việc đi xe đạp điện, nhà trường đã giao cho tổ bảo vệ theo dõi ngay tại cổng trường; có giải pháp theo dõi, nhắc nhở các em đi xe máy, xe máy điện gửi xe bên ngoài trường. Những trường hợp học sinh không chấp hành sẽ nhắc nhở. Nếu vi phạm đến lần thứ 2 thì sẽ nêu tên trước lớp, đến lần thứ 3 thì nêu tên trước toàn trường, gửi thông báo về cho gia đình...

Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Nguyễn Tân cho biết, chúng tôi khuyến khích các trường học có tổ tự quản để kịp thời nhắc nhở phụ huynh, học sinh chấp hành các quy định về ATGT cũng như điều tiết, sắp xếp khu vực dừng, đỗ xe hợp lý, tránh ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm; các bậc phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở con em mình thực hiện các quy định của Luật Giao thông đường bộ và tự giác chấp hành để làm gương, nhất là không trao xe máy cho con em chưa có giấy phép lái xe điều khiển và cam kết đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe.

Đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT là một tiêu chí đánh giá hạnh kiểm, đạo đức của học sinh; đưa công tác giáo dục ATGT trong trường học thành một trong những tiêu chí đánh giá thi đua trong năm học 2019-2020 đối với các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top