ClockThứ Bảy, 25/05/2024 06:23

Nguy cơ vùi lấp hồ thủy lợi Khe Ngang

TTH - Dù đã tháo dỡ lán trại, tuy nhiên việc tự ý san ủi làm biến dạng địa hình đất lâm nghiệp tại tổ dân phố (TDP) Chầm (phường Hương Hồ, TP. Huế) gây nguy cơ sạt lở, bồi lấp hồ chứa nước Khe Ngang.

Thả gần 100 ngàn con cá giống xuống hồ Khe Ngang

 Mở đường, san ủi đất trái phép tại tổ dân phố Chầm, phường Hương Hồ gây nguy cơ sạt lở, bồi lấp hồ Khe Ngang

Công trình hồ chứa nước Khe Ngang nằm trên địa bàn TP. Huế với dung tích khoảng hơn 12 triệu m3 nước, cung cấp nước tưới tiêu cho hơn 600ha cây trồng vùng đồng bằng, bán sơn địa Hương Trà, TP. Huế. Từ năm 2022 đến nay, nhiều hộ dân có diện tích đất rừng sản xuất tại khu vực TDP Chầm đã tự ý san ủi đất, mở đường, xây dựng nhà ở khá quy mô, xâm phạm hành lang an toàn hồ Khe Ngang và gây nguy cơ sạt lở, bồi lấp hồ thủy lợi này. Dù hành vi trên đã bị các cơ quan chức năng xử phạt (tháng 5/2024), tuy nhiên việc tác động làm biến dạng địa hình đất lâm nghiệp đang tiềm ẩn nguy cơ cho hồ chứa nước.

Theo ghi nhận của PV tại hiện trường, từ tuyến đường lâm sinh dẫn vào khu vực đồi Cổng (phía tràn sự cố của hồ Khe Ngang, đường vào chùa Huyền Không Sơn Thượng), người dân đã tự ý san ủi mở đường trên chiều dài hàng trăm mét, mặt đường từ 4-5m. Một khối lượng đất đá lớn đã được đào bới, san ủi ngay sát mép hồ thủy lợi Khe Ngang. Phía bên trên một quả đồi lớn có thể đổ sập, sạt trượt xuống vào mùa mưa lũ do các tuyến đường được san ủi bên dưới đã “cắt chân”.

Việc san ủi đất trái phép diễn ra từ năm 2022 đến nay, do đất rừng sản xuất được bán từ người này qua người khác. Khu vực này còn xây dựng một căn nhà với diện tích khoảng 70m2 lắp ghép bởi 16 trụ sắt, lợp tôn và ghép ván làm tường. Căn nhà này đến nay đã cưỡng chế buộc tháo dỡ. Trên trục đường mới san ủi, các hộ dân đã kéo hệ thống dây, trồng cột điện dọc tuyến nhưng chưa đấu nối được lưới điện…

Mới đây, đầu tháng 5/2024, UBND TP. Huế đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với ông Nguyễn Thành Hiệp (sinh năm 1958, trú tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu). Theo đó, ông Nguyễn Thành Hiệp đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính tự ý san ủi làm biến dạng địa hình đất (đất lâm nghiệp) tại thửa đất số 105, 124, tờ bản đồ số 1 tọa lạc tại TDP Chầm, phường Hương Hồ với diện tích 944m2.

Căn cứ các quy định, UBND TP. Huế xử phạt ông Nguyễn Thành Hiệp 7,5 triệu đồng. Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của thửa đất trước khi vi phạm trong vòng 10 ngày. Trước đó, UBND phường Hương Hồ cũng đã có biên bản làm việc, biên bản vi phạm hành chính liên quan đến trường hợp ông Nguyễn Thành Hiệp san ủi đất làm biến dạng địa hình.

Ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Hồ cho biết, việc cải tạo, san ủi đất trái phép diễn ra từ năm 2022, do ông Nguyễn Thế Kỷ (trú thôn Chầm, phường Hương Hồ) thực hiện, sau đó ông này bán đất lại cho ông Nguyễn Thành Hiệp. Từ khi phát hiện (tháng 4/2024), chính quyền xã phối hợp với các đơn vị liên quan đã lập biên bản sai phạm, yêu cầu tháo dỡ và có tờ trình gửi cấp trên để xử phạt vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả.

Theo kiểm tra của cơ quan chức năng, tuyến đường mới san ủi sau này không nằm trong hành lang an toàn hồ Khe Ngang. Tuy nhiên, việc san ủi ngay khu vực sát mép hồ gây nguy cơ sạt lở, bồi lấp hồ trong mùa mưa. “Địa bàn phường rất rộng, khu vực san ủi đất nằm xa khu dân cư, ít người qua lại nên quá trình vi phạm, san ủi của hộ dân này chính quyền chậm phát hiện”, ông Long phân trần.

Tháng 6/2022, Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh tổ chức tuần tra lòng hồ Khe Ngang để kiểm tra tình hình an ninh trật tự, an toàn công trình cùng với cán bộ công chức địa chính phường Hương Hồ, phát hiện tình trạng có hộ dân dùng xe múc bánh xích tự ý san ủi, lấp khe, mở tuyến đường xung quanh và tổ chức thi công lán trại tại khu đồi Cổng.

Trước tình hình trên công ty đã mời Chi cục Thủy lợi, UBND phường Hương Hồ, tổ chức thực địa, xác định vị trí, cao trình của tuyến đường, lán trại đang thi công có thuộc phạm vi lòng hồ Khe Ngang theo quy định. Kết quả kiểm tra cho thấy, tại hiện trường người dân dã tự ý dùng xe múc san ủi, mở tuyến đường xung quanh khu đồi Cổng với chiều dài hơn 500m, nền đường rộng trung bình từ 5m đến 7m bằng đất. Một lán trại đang lắp dựng có cột bằng ống thép, lợp mái tôn, kích thước khoảng 5m x 7m và 2 chiếc xuồng.

Kiểm tra đo đạc thực tế bằng máy thủy chuẩn, kết quả tuyến đường đất hiện trạng này có cao trình từ +12,12 đến +14,6m nằm dưới cao trình đỉnh đập hồ Khe Ngang (+15,6m), nằm trong phạm vi lòng hồ và một số đoạn có vị trí cao hơn cao trình lòng hồ. Phần lán trại được lắp dựng nằm ở cao trình +15,82m, nằm ngoài phạm vi lòng hồ, tại thời điểm kiểm tra mái tôn lợp của lán trại đã tháo dỡ một phần.

Ông Dương Đức Hoài Khánh, Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh cho biết, theo quy định của Luật Thủy lợi và các nghị định của Chính phủ, các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước phải có giấy phép mới được hoạt động. Nếu chưa được cấp phép mà hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thì sẽ bị xử phạt.

Để có cơ sở xác định ranh giới vành đai lòng hồ Khe Ngang từ cao trình +15,6m trở xuống phục vụ công tác quản lý, chống lấn chiếm, ngăn chặn các hoạt động chưa được cấp phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đồng thời thực hiện trình tự thủ tục về giao đất cho công ty theo quy định, đơn vị đã kiến nghị Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT phối hợp với UBND thị xã Hương Trà tiến hành kiểm tra, rà soát, các hồ sơ, thủ tục liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức thuộc phạm vi đề bù của dự án hồ Khe Ngang.

Kiểm tra, khôi phục lại các mốc ranh giới khu đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng, làm việc với chính quyền địa phương và công ty tiến hành các thủ tục xác nhận ranh giới, tọa độ mốc đền bù giải phóng mặt bằng để có biện pháp bảo vệ, chống tái lấn chiếm khu đất đã được đền bù.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm nguy cơ “lọt lưới an sinh”

Lao động khu vực phi chính thức là một trong những nhóm lao động yếu thế trên thị trường lao động do có nhiều nguy cơ rủi ro về việc làm, thu nhập, chưa được hưởng các chính sách, chế độ an sinh xã hội cơ bản. Nhóm lao động này đang phải chịu rất nhiều thiệt thòi do không được hệ thống pháp luật về lao động bảo vệ một cách đầy đủ.

Giảm nguy cơ “lọt lưới an sinh”
Nguy cơ xảy ra nắng nóng ở Châu Á tăng gấp 45 lần do biến đổi khí hậu

Theo một nghiên cứu mới của World Weather Attribution (WWA) - tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan trên thế giới, tình trạng nắng nóng gay gắt như đợt cuối tháng 4 vừa qua ở châu Á và Trung Đông có nguy cơ xảy ra cao gấp 45 lần do tác động của biến đổi khí hậu mà con người gây ra.

Nguy cơ xảy ra nắng nóng ở Châu Á tăng gấp 45 lần do biến đổi khí hậu
Nhận diện nguy cơ tiềm ẩn tai nạn lao động

Nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra gần đây ở một số nhà máy sản xuất ngoại tỉnh cho thấy, chỉ cần một sự bất cẩn nhỏ, chủ quan và thiếu trang bị kiến thức, phương tiện, quy trình phòng bị về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là tính mạng người lao động rất dễ bị đe dọa.

Nhận diện nguy cơ tiềm ẩn tai nạn lao động
Đảm bảo phòng cháy đoạn cao tốc ngang qua Bạch Mã

Trước tình trạng nắng nóng dẫn đến nguy cơ hỏa hoạn cao, Vườn quốc gia Bạch Mã đã cho bố trí lực lượng phát dọn thực bì, thu gom các thảm khô ở đoạn cao tốc La Sơn – Hòa Liên chạy ngang qua địa phận vườn.

Đảm bảo phòng cháy đoạn cao tốc ngang qua Bạch Mã
Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm (DCGC), ngày 23/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức hướng dẫn cách nhận biết và các biện pháp phòng trừ DCGC. Mục tiêu là hạn chế thấp nhất vi rút DCGC lây nhiễm và gây tử vong cho người, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Nhận biết và phòng ngừa dịch cúm gia cầm

TIN MỚI

Return to top