Đường Tăng Bạt Hổ mặc dù đang được sửa chữa, nhưng còn nhiều ổ voi, ổ gà, dễ xảy ra tai nạn
Tiềm ẩn nguy cơ
Đường Tôn Thất Thiệp (đoạn từ cửa Chánh Tây đến gần ngã 3 Hoàng Diệu) một năm nay xuất hiện nhiều “ổ voi”, “ổ gà” rất nguy hiểm khi điều khiển phương tiện đi qua đây.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, trú 83 Tôn Thất Thiệp, phường Tây Lộc, TP. Huế cho biết, đường Tôn Thất Thiệp được nâng cấp hoàn thành đưa vào sử dụng từ 3 năm trước. Tuy nhiên, do đường không có hệ thống thoát nước nên mỗi khi mưa lũ lại ngập cục bộ ở một số vị trí. Hơn nữa, đường phải gồng gánh nhiều loại xe trọng tải lớn nên mau hư hỏng. Ngành giao thông đã cho vá lại bằng xi măng đá dăm, nhưng chỉ được một thời gian ngắn đã tái hư hỏng. Từ cuối năm 2016, mặt đường xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà. Trên đoạn đường này đã xảy ra nhiều tai nạn giao thông làm nhiều người gãy tay, gãy chân. Môi trường sống của người dân 2 bên đường cũng bị ảnh hưởng...
Cách đường Tôn Thất Thiệp không xa, đường Tăng Bạt Hổ cũng đang đối mặt với tình trạng hư hỏng, xuống cấp nặng. Bà Nguyễn Thị Như Lan, trú tại 157 Tăng Bạt Hổ cho biết, từ cuối năm 2016 đường hư hỏng nặng do mưa lũ. Trên đoạn đường này đã có rất nhiều tai nạn giao thông xảy ra. Hiện nay, ngành giao thông đang tiến hành sửa chữa một số đoạn nhưng vẫn chưa vào đâu; nếu cứ vá mặt đường mà không quan tâm đến thoát nước hai bên, để nước đọng mặt đường thì cũng rất dễ hư hỏng trở lại...
Đường Tôn Thất Thiệp (đoạn trước nhà 83 đến 97) hư hỏng nặng, có nhiều ổ trâu, ổ gà, nước đọng
Tương tự là đường Nam Giao thuộc phường Thủy Xuân, TP. Huế, nối dài từ đường Minh Mạng đến đường Tam Thai. Sau khi đặt tên, đường được trải thảm nhựa, có đoạn ngắn khoảng 100m làm bằng bê tông. Tuy nhiên, người dân không đi bằng đường chính mà phải theo đường mòn (đường đất) vì mặt đường chính quá nhiều ổ gà, ổ... trâu. Năm 2014, để thuận tiện cho đi lại, người dân kiệt 7 (phường Thủy Xuân) đã huy động đóng góp để sửa chữa, vá lại bằng xi măng với kinh phí khoảng 7 triệu đồng. Sau sửa chữa, do nhiều ô tô đi lại, cộng thêm thời tiết mưa, nắng thất thường nên khoảng 5 tháng sau đường hư hỏng lại...ổ trâu, ổ gà to hơn trước; đã nhiều lần xảy ra tai nạn giao thông.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra những đợt mưa lớn, gây lũ chồng lũ. Biên độ lũ từ báo động 2 đến báo động 3, gây nên lũ lụt trên diện rộng. Ngập lụt lâu ngày cộng với các phương tiện tham gia giao thông qua các tuyến đường đô thị Huế tương đối lớn nên nhiều tuyến đường hư hỏng. Thống kê của Phòng Quản lý Đô thị TP. Huế có 58 tuyến đường hư hỏng cần duy tu, sửa chữa; trong đó có 51 tuyến đường trong diện cần sửa chữa khẩn cấp.
Sớm bố trí kinh phí để sửa chữa
Để khắc phục tình trạng hư hỏng đường sá sau lũ, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí 1,5 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường trung tâm như: Lê Quý Đôn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hoàng Văn Thụ. Ngoài ra, nhằm phục vụ Festival nghề truyền thống 2017, UBND TP. Huế đã tiến hành nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường Đoàn Thị Điểm, Lê Thánh Tôn, Tống Duy Tân, Lâm Mộng Quang, Trương Định, Phạm Hồng Thái với kinh phí 2 tỷ đồng; khắc phục hư hỏng nặng tuyến đường Tăng Bạt Hổ với kinh phí 500 triệu đồng.
Ông Nguyễn Việt Bằng, Trưởng phòng Quản lý Đô thị TP. Huế cho biết, theo Quyết định 47/2016/QĐ-UBND ngày 20/7/2016 của UBND tỉnh về phân cấp quản lý đường đô thị, UBND thành phố được giao trực tiếp tổ chức quản lý 446 tuyến đường đô thị, tổng chiều dài hơn 226 km. Quá trình tiếp nhận, thành phố và Sở GTVT đã kiểm tra đánh giá hiện trạng hệ thống đường bộ vào ngày 1/11/2016. Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2016, tình hình trên địa bàn thành phố mưa liên tục đã gây thêm tình trạng hư hỏng nhiều tuyến đường, ảnh hưởng đến giao thông. Hiện nay, do khó khăn về kinh phí nên phòng đã có văn bản đề xuất UBND TP. Huế trích 1,020 tỷ/11,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sửa chữa nhỏ đột xuất đã được phê duyệt từ đầu năm 2017 để nâng cấp, sửa chữa 5 tuyến đường Mang Cá, Tôn Thất Thiệp, Tam Thai, Cao Bá Quát, Lê Huân.
UBND TP.Huế cũng đã có báo cáo về công tác duy tu, sửa chữa và nhu cầu vốn bảo trì đường đô thị năm 2017 trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Theo đó, UBND TP.Huế lập kế hoạch về nhu cầu kinh phí sửa chữa định kỳ (sửa chữa vừa và nhỏ) năm 2017 hệ thống đường đô thị được giao quản lý là: 57.237.000.000 đồng. UBND tỉnh đã có Công văn số 902/UBND-GT ngày 23/2/2017 giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Hội đồng Quản lý Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh tham mưu giải quyết đề xuất của UBND TP.Huế về công tác duy tu, sửa chữa và nhu cầu vốn bảo trì đường đô thị năm 2017. Sở GTVT đã làm việc với thành phố, Sở Tài chính về vấn đề này, hiện đang chờ UBND tỉnh xem xét, kết luận.
Ông Bằng cho biết thêm, theo quy định đối với kinh phí cho quản lý, bảo trì đường đô thị do UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm, bố trí từ ngân sách và Quỹ bảo trì đường bộ. Trong thời gian tới nếu được bố trí nguồn kinh phí , thành phố và phòng sẽ tập trung ưu tiên sửa chữa các đoạn đường hư hỏng nặng; đường khu vực trung tâm; đoạn đường dễ xảy ra tai nạn… theo kế hoạch.
Bài, ảnh: Hải Huế