ClockThứ Ba, 27/10/2020 08:29

Cần những tấm lòng đến với gia đình công nhân bị vùi lấp tại Thủy điện Rào Trăng 3

TTH - Hình ảnh chiếc bàn thờ lập vội bên góc nhà cũ kỹ, mái tôn thủng lỗ chỗ, càng thê lương, bởi đứa con trai Nguyễn Vũ Đăng Khoa, 1 trong 17 công nhân bị nạn, còn nằm đâu đó trong đất bùn sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3, chưa thể “về nhà”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thanh Bình thăm hỏi các gia đình nạn nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3Chạy đua thời gian, tìm kiếm nạn nhân ở Thủy điện Rào Trăng 3

Mẹ của Khoa, chị Võ Thị Ny (46 tuổi, trú tại 166 Ngự Bình, phường Phước Vĩnh, TP. Huế) đã hết nước mắt, kể từ lúc phải chấp nhận sự thật cắt từng khúc ruột: đứa con trai đang độ tuổi đôi mươi với biết bao ước mơ, hoài bão, đã bị đất bùn chôn vùi do sạt lở ở công trường Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền).

“Con bây giờ còn đang bị vùi lấp trong bùn đất lạnh lẽo, lòng mẹ nào chịu cho nổi. Mỗi lúc trời mưa gió, chị Ny như mất trí đòi đi tìm con”- Những người hàng xóm chia sẻ, không nén nổi những tiếng thở dài.

Chị Ny là công nhân dệt may, chồng làm thợ hồ, thu nhập chỉ đủ trang trải qua ngày. Vợ chồng chị có hai con. Khoa sinh năm 1997, là con trai cả và cô con gái út hiện đang học lớp 9. Đồng tiền kiếm được eo hẹp, kinh tế khó khăn nhưng vợ chồng chị vẫn ráng nuôi hai con ăn học. Vậy nên, căn nhà cấp 4 càng ngày càng cũ kỹ, mái tôn thủng lỗ chỗ, nhiều nơi phải vá víu tạm bợ.

Hoàn cảnh nạn nhân Nguyễn Vũ Đăng Khoa rất khó khăn cần sự chung tay hỗ trợ của các nhà hảo tâm

Sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Công nghiệp, Khoa bươn bả kiếm việc làm, với ước mơ đỡ đần ba mẹ nuôi em ăn học và sửa sang lại căn nhà cho đỡ dột. Khoa chịu khó lắm, việc gì cũng làm, dù tiền công còn thấp. “Cháu nó mừng lắm, khi cách đây 13 tháng, được nhận vào làm công nhân tại Thủy điện Rào Trăng 3. Sau 11 tháng thử việc, Khoa mới được ký hợp đồng chính thức 2 tháng. Lần trước về thăm nhà còn mua sữa cho bà nội, cho mẹ vẫn hay đau ốm, phấn khởi khoe bữa nay con đã kiếm được tiền có thể lo cho mẹ, không ngờ…”- Người thân của Khoa nghẹn ngào.

Bình thường mỗi thứ bảy Khoa về nhà, sáng sớm ngày thứ hai trở lại nơi làm việc. Những ngày cuối tuần là thời gian sum họp gia đình hạnh phúc nhất. “Chiều thứ sáu hôm đó (mùng 9/10), con trai tui gọi điện nói, mấy hôm ni mưa to lắm, mấy cái đập tràn hết rồi. Đang nói nửa chừng thì điện thoại tắt. Thứ bảy tui gọi, thì không liên lạc được. Chủ nhật gọi cho con liên tục cũng không liên lạc được. Cả nhà nóng ruột lắm, nhưng cứ nghĩ mưa to gió lớn mất điện, điện thoại hết pin. Đến hôm thứ hai (12/10), hay tin sạt lở vùi lấp 17 công nhân, ruột như lửa đốt, nhưng vợ chồng tui không dám nghĩ cháu nằm trong những người xấu số đó…”. Người mẹ lần đến bên bàn thờ “trống không”, đứng thất thần.

Sáng ngày 13/10, có số máy lạ gọi đến yêu cầu gia đình chị Ny ra xã Phong Xuân để nghe thông báo. Sau những đêm trắng chờ đợi mỏi mòn ở Phong Xuân, theo dõi tin tức, biết trực thăng thả đồ ăn xuống khu vực bị sạt lở, vợ chồng chị Ny vẫn bấu víu vào tia hy vọng, con và các công nhân khác có thể chạy lạc đâu đó trong rừng. Nhưng khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được Rào Trăng 3 đưa các công nhân ra, sau một ngày chạy khắp các bệnh viện từ Bình Điền đến Huế tìm con, niềm hy vọng ấy càng trở nên mong manh theo từng giờ nặng nề trôi qua. Gia đình chị tuyệt vọng khi biết con nằm trong số 17 công nhân mất tích, không có cơ hội sống sót.

“Khi biết tin con trai của mình không còn cơ hội sống, chị Ny ngất xỉu, không còn biết gì nữa. Lúc chị tỉnh lại thì đã thấy bàn thờ con được lập, chị ấy lại xỉu thêm lần nữa”- người thân của chị Ny nghẹn giọng.

Gương mặt thất thần, chị Ny đau đớn bày tỏ, mong ước cuối cùng của gia đình là sớm tìm được xác con. Cứ có thi thể nào được tìm thấy, gia đình lại chạy đôn chạy đáo hỏi tin, hy vọng là con. “Nhưng bây giờ vẫn chưa tìm được thi thể Khoa. Hoàn cảnh vợ chồng chị Ny đã khó khăn, nay mất đi đứa con trai độc nhất, là hy vọng, là trụ cột, gia đình, càng “chới với”. Là hàng xóm láng giềng, chúng tôi cũng chỉ an ủi, chia sẻ được phần nào. Rất mong nhiều tấm lòng kết nối lại, hỗ trợ phần nào về vật chất, lo hậu sự khi đón được thi thể Khoa về, cũng là chia sẻ, động viên về tinh thần đối với người cha, người mẹ của Khoa, đang gánh chịu nỗi đau, bất hạnh, mất mát quá lớn”- hàng xóm của chị Ny bày tỏ.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về chị Võ Thị Ny, 166 Ngự Bình, phường Phước Vĩnh, TP. Huế, số điện thoại: 0706033187 hoặc Báo Thừa Thiên Huế, 61 Trần Thúc Nhẫn, TP. Huế; điện thoại: 0905171092; số tài khoản Báo Thừa Thiên Huế: 4011201000840 - Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Trường An, tỉnh Thừa Thiên Huế (ghi hỗ trợ gia đình chị Võ Thị Ny có con bị nạn tại Rào Trăng).

Bài, ảnh: DUY TRÍ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai

Chiều 28/3, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành phẫu thuật cho nhóm bệnh nhi Gia Lai. Đây là các trường hợp được Quỹ Friedens Kinder (Đức) tài trợ chi phí mổ.

Phẫu thuật tim miễn phí cho 13 trẻ em Gia Lai
Tăng cường công tác dân vận ở những nơi còn vướng mắc, khó khăn

Đây là thời điểm mà cả hệ thống chính trị trong tỉnh tăng tốc thực hiện công tác dân vận (DV), nhất là “DV khéo” để củng cố, tạo sự đồng thuận cao hơn nữa của người dân, hướng đến mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết (NQ) 54 của Bộ Chính trị.

Tăng cường công tác dân vận ở những nơi còn vướng mắc, khó khăn
Nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa sinh viên gặp khó khăn

Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế vừa có thông báo về việc tăng học phí mới. Sau khi mức học phí được công bố, nhiều sinh viên tỏ ra bất ngờ vì cho rằng mức tăng quá cao và quá đột ngột.

Nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa sinh viên gặp khó khăn

TIN MỚI

Return to top