ClockThứ Hai, 15/05/2017 14:04

“Đến trường giúp con quên đau”

TTH - Đó là tâm sự của em Nguyễn Thị Phượng Hòa, học sinh khuyết tật đang học hòa nhập tại Trường tiểu học Phú Xuân 2, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang.

Khối u trên mặt Phượng Hòa to dần theo thời gian

Năm 2006, niềm vui đón con gái chào đời của người mẹ đơn thân Nguyễn Thị Thanh Hiền (sinh năm 1980) mới được 2 ngày thì chị phát hiện ra một khối u nhỏ ở vùng dưới hàm bên trái làm bé đau đớn và khóc liên tục. Hiện tượng tuy hơi bất thường, nhưng chị Hiền không nghĩ là vấn đề nghiêm trọng, vì trong thời gian mang thai chị chăm khám rất kỹ lưỡng, kết quả nhận được luôn tốt. Thế nhưng, sau nhiều đợt khám, xét nghiệm kỹ lưỡng, bác sĩ cho biết cháu bé có khối u máu ác tính, có nhiều hạch tạo thành chuỗi. Một loại bệnh nan y, do ảnh hưởng bệnh bướu ác tính khi người mẹ mang thai. Khối u  sẽ phát triển theo thời gian và hiện y học chưa có phương pháp chữa trị.

Là cô thôn nữ thật thà, sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo, thời con gái, ngoài công việc đồng áng, chị Hiền tranh thủ làm thuê làm mướn cũng có đồng ra đồng vào. Những ngày đầu làm mẹ đã phải ôm đứa con bệnh tật, chị đã  cố gắng cho con những điều tốt đẹp. Ai bày vẽ điều gì chị cũng làm theo với hy vọng biết đâu con hết bệnh. Nhưng như chấn đoán của bác sĩ, khối u của con chị cứ lớn dần.

Không có ruộng riêng, ngoài làm thuê, chị tranh thủ vừa trông con vừa chằm nón nhưng mỗi khi lên cơn đau, bé khóc suốt ngày nên chị đành bỏ hết công việc để chăm con.

Năm 2010, chị Hiền một lần nữa sinh con một mình. Vất vả lại càng vất vả, dù lần này chị may mắn có cô con gái thứ 2 lành lặn. Năm 2012, Phượng Hòa đến tuổi đi học, nhiều người khuyên chị cho cháu ở nhà cho đỡ vất vả. Dù bệnh tật nhưng trí não Hòa vẫn phát triển bình thường, sợ con mặc cảm chị quyết định đưa con đến trường.

Những ngày đầu đến trường với khối u to trên mặt, Hòa trở thành sự chú ý và bị bạn bè trêu chọc. Đã có lúc muốn nghỉ học vì mặc cảm, nhưng được mẹ an ủi nên em cố gắng đến trường. Thời gian trôi qua, các bạn cũng lớn khôn, không trêu chọc em mà còn luôn chia sẻ, tặng cuốn sách, chiếc áo đồng phục cũ hay cây bút, cái thước... Nhờ những tình cảm đó, đã tạo được cho Hòa nghị lực để đến trường. Nhưng khối u làm má trái của em xệ xuống che hết phần cổ, tai và mắt trái của em không còn nghe, thấy được. Giờ thì khắp cơ thể em đều đã xuất hiện những bớt đỏ, báo hiệu sự di căn.

Khoác trên mình chiếc áo đồng phục quá cũ và khối thịt ngày càng to bên má trái, dù không đến trường đều đặn được như các bạn, nhưng chỉ cần đủ sức khỏe là Phượng Hòa lại ôm sách vở đi học. Ra đến đường, bất cứ ai gặp em, dù là giáo viên hay học sinh cũng sẵn sàng dừng xe chở Hòa đi học. Trường học, bạn bè trở thành liều thuốc tinh thần giúp em xua bớt sự đau đớn do căn bệnh quái ác.

“Mỗi khi thời tiết thay đổi là tôi lo, nhìn con đau nhưng chẳng biết làm gì, nhiều lắm cũng cho uống thuốc giảm đau để cắt cơn tạm thời”, chị Hiền cố giấu nỗi thương con đến quặn lòng.

Trước hoàn cảnh khó khăn của chị Hiền, năm 2012, Nhà nước hỗ trợ 14 triệu đồng và cho chị vay 8 triệu đồng theo diện hộ nghèo để xây nhà tình nghĩa trên đất gia đình ngoại cho 3 mẹ con có chỗ che mưa che nắng. Từ khi Hòa đi học, em được miễn giảm toàn bộ các khoản đóng góp và nhận được sự chia sẻ của học sinh và phụ huynh trong trường. Tuy nhiên, khó khăn chưa bao giờ rời xa mẹ con chị Hiền nên vẫn cần lắm sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Nguyễn Thị Thanh Hiền, đội 10, thôn Diên Đại, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang; điện thoại: 01229541717. Hoặc Báo Thừa Thiên Huế, 61 Trần Thúc Nhẫn, TP. Huế, ĐT: 0234.3833330.    

                      

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế

Nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật cho học sinh, chiều 6/12, Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức cho học sinh tham dự một phiên tòa xét xử thực tế tại Tòa án Nhân dân TP. Huế. Đây là một hoạt động bổ ích nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của học sinh trong cuộc sống.

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top