ClockThứ Hai, 24/01/2022 15:10

Người phụ nữ đáng thương

TTH - Thân hình chỉ còn da bọc xương, mặt lúc tái nhợt, lúc đờ đẫn bởi những cơn đau khốc liệt do căn bệnh quái ác. Đó là tình cảnh đáng thương của chị Tôn Nữ Ngọc Trân (trú tại 5/59 Mạc Đỉnh Chi, phường Gia Hội, TP. Huế).

Mỗi lúc chồng đỡ dậy để uống thuốc, chị Trân đau đến đứt thở

Muốn trở mình hay ngồi dậy để uống thuốc, chị Trân phải có người đỡ. Mỗi lúc như vậy, cơn đau tăng thêm khiến người phụ nữ tội nghiệp như đứt hơi. Anh Trần Hữu Nhật Quang (chồng chị Trân) cũng đờ đẫn vì thương vợ đang phải gánh chịu các cơn đau.

Cách đây 5 năm, kể từ lúc chị Trân phát hiện mắc căn bệnh ung thư vú giai đoạn nặng, anh Quang nghỉ việc ở nhà chăm vợ cho đến bây giờ. Nỗi đau bệnh tật của vợ, chất chồng thêm nỗi khổ kiệt quệ tiền bạc, khiến tình cảnh vợ chồng chị Trân, anh Quang cùng quẫn.

Vợ chồng chị Trân trước đây là nhân viên bếp và nhân viên lễ tân khách sạn, với tổng thu nhập khoảng 8 triệu đồng mỗi tháng. Mức thu nhập đó chẳng thể dư dả cho cuộc sống của hai vợ chồng và đứa con nhỏ. “Vậy nên, vợ chồng tôi đặt ra kế hoạch cố gắng làm lụng, tích cóp được chút ít thì sẽ sinh thêm đứa con thứ hai. Thế nhưng, khi con trai tôi 3 tuổi, vợ tôi phát hiện ung thư vú giai đoạn 3b, khiến chúng tôi suy sụp” - anh Quang buồn bã kể.

Phát hiện ở giai đoạn bệnh nặng, cuộc sống của chị Trân “gắn” với bệnh viện, trải qua nhiều đợt điều trị, phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. “Ba mẹ vợ đều đã qua đời từ sớm. Các chị em vợ thì có gia đình riêng, cuộc sống cũng khó khăn, bận bịu mưu sinh nên chỉ cố gắng nhịn ăn nhịn tiêu giúp chúng tôi chút ít tiền bạc. Ba mẹ tôi đã lớn tuổi, trước đây sống cùng để nương tựa vợ chồng tôi. Khi vợ tôi bị bệnh, ông bà phải vào sống với người anh tôi tại Đà Nẵng, để tôi dồn hết mọi thời gian chăm sóc vợ” - anh Quang cúi mặt, chừng muốn giấu đi sự bất lực trước hoàn cảnh ngặt nghèo.

Từ khi người vợ gắn với bệnh viện, với những cơn đau hành hạ, để chăm sóc vợ, anh Quang phải nghỉ việc. Đồng nghĩa cả hai vợ chồng hoàn toàn không có nguồn thu nhập nào. Anh Quang nói rằng, giá như có nhà có đất, thì anh cũng bán để chữa chạy và lo cho vợ. Thế nhưng nhà vợ chồng anh đang ở là nhà thờ, từ đời này truyền qua đời khác, đâu phải sở hữu của anh. Muốn thế chấp để vay tiền cũng không được.

5 năm qua cho đến nay, vợ chồng anh cũng nhờ vào sự giúp đỡ của chị em, anh em hai bên gia đình. Thời gian kéo dài, chị em, anh em cũng đuối sức. Giữa những cơn đau khủng khiếp vì tế bào ung thư đã di căn vào xương, gan, phổi, chị Trân tê tái với nỗi mong mỏi, được các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ, chia sẻ phần nào về vật chất và tinh thần.

“Thời gian qua, có một số hội từ thiện cũng chia sẻ với vợ chồng tôi khi vài chục kg gạo, lúc chai dầu ăn, nhu yếu phẩm. Chúng tôi rất biết ơn vì điều đó. Vợ chồng tôi tha thiết mong các mạnh thường quân tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ, để gia đình tôi vượt qua nỗi đau và cơn ngặt nghèo này”- anh Quang bày tỏ.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Anh Trần Hữu Nhật Quang 5/59 Mạc Đỉnh Chi, phường Gia Hội, TP. Huế, số điện thoại 0932.526.163 hoặc Báo Thừa Thiên Huế, 61 Trần Thúc Nhẫn, TP. Huế; điện thoại: 0905171092; số tài khoản Báo Thừa Thiên Huế: 4011201000840 Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Trường An, Thừa Thiên Huế (hỗ trợ gia đình anh Trần Hữu Nhật Quang).

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tập huấn tái chế rác thải nhựa

Hoạt động trên được Hội LHPN TP. Huế phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức ngày 27/3 nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong việc chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.

Tập huấn tái chế rác thải nhựa
“Tiếp sức” cho phụ nữ, trẻ em nghèo

Bằng những hoạt động, mô hình cụ thể như hỗ trợ kinh phí học tập, hỗ trợ nhu yếu phẩm hàng tháng, hỗ trợ phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế... Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Đông Ba đã đồng hành, “tiếp sức” cho trẻ em, phụ nữ nghèo, đơn thân trên địa bàn phường để họ có thêm động lực, cố gắng, nỗ lực hơn trong cuộc sống.

“Tiếp sức” cho phụ nữ, trẻ em nghèo
Áo dài Huế, một nét rất riêng

“Áo dài trở thành một nét văn hóa của phụ nữ Việt Nam nói chung. Với phụ nữ Huế nói riêng, áo dài là niềm tự hào, bởi áo dài Huế đã là một thương hiệu được “đóng đinh” trong lòng mọi người. Để áo dài được thăng hoa, tôn vinh thì sự lan tỏa, quảng bá của chị em, của hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh là điều hết sức cần thiết. Hình ảnh người phụ nữ Huế trong chiếc áo dài truyền thống chính là một nét đẹp, một nét văn hóa rất riêng của Huế”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ tại buổi gặp mặt phụ nữ Thừa Thiên Huế nhân dịp kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Áo dài Huế, một nét rất riêng
Những “đôi vai mềm” ở chợ đầu mối

Ở chợ Phú Hậu - chợ đầu mối lớn nhất Thừa Thiên Huế, không khí bán buôn bắt đầu tấp nập từ lúc 2 giờ sáng, khi ngày mới vừa chớm qua. Tiếp sau những chuyến xe hàng chở nông sản từ các miền Nam, Bắc ghé chợ là công việc bốc dỡ và vận chuyển hàng giúp các tiểu thương của các chị cửu vạn. Công việc vất vả, nhưng tiền công mỗi chuyến chở hàng nông sản của các chị cũng chỉ được vài ngàn đồng. Có phần nhẹ nhàng hơn nhưng cũng bám chợ vất vả không kém là chị em tiểu thương có sạp hàng ổn định hay các chị “chạy hàng” nhỏ lẻ. Dẫu vậy, khi nói về “ngày của mình”, các chị cũng chỉ đơn giản: Mong gia đình bình an và bản thân đủ sức khỏe để theo chợ, bám việc mỗi ngày.

Những “đôi vai mềm” ở chợ đầu mối

TIN MỚI

Return to top