Chồng đi làm ăn xa, bà nội có việc phải về quê gấp không thể tiếp tục trông cháu nên bốn mẹ con chị N.T.N. (30 tuổi, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) bồng bế nhau từ Hà Nội về quê mẹ một thời gian.
Dù không phải trở về từ địa phương có dịch nhưng trước khi về, chị N. cũng điện thoại báo để mẹ ở nhà chuẩn bị đồ ăn đủ 3 tuần để người nhà không phải ra khỏi nhà khi không cần thiết. Dù không thuộc diện cách ly tại nhà, nhưng khi về đến nhà chị N. vẫn khai báo y tế, tự cách ly tại nhà. Từ khi mẹ con chị N. về nhà lúc nào cũng khóa cổng. Ấy vậy mà, nhiều người đi qua, đi về chỉ chỏ, nói này nói nọ. Thậm chí, có người còn nói, nào là ý thức kém, nào là đang dịch bệnh mà lại về, rồi về mà tha dịch về...
“Nhiều người không nói giữa mặt, mà đi chợ tụm năm tụm ba nói này nói nọ, cố tình nói với bà con mình để họ về nói lại. Nhiều lúc tôi nghe mà muốn stress luôn. Vì mình đâu phải thiếu ý thức gì, với lại nhà nước không cấm, người dân ở huyện mình đang sống vẫn được tự do đi lại. Bà con xóm giềng với nhau, mẹ con mình khó khăn mới phải dắt nhau về quê, ấy vậy mà…”, chị N. bộc bạch.
Đúng là cảnh giác, phòng dịch rất quan trọng, nhưng cũng đừng thái quá, có những điều đơn giản như: mang khẩu trang, tránh những chỗ đông người… sẽ hiệu quả hơn việc tụ tập, nói xấu, bêu rếu, lên án, kỳ thị những người dân trở về từ địa phương khác (nơi không có dịch). Mặc dù việc đi lại của họ là chính đáng, không vi phạm các quy định về phòng dịch.
Thay vì bị chỉ trỏ, kỳ thị trong xóm, làng thì lẽ ra chị N. và gia đình đáng được biểu dương, bởi ý thức về tự cách ly tại nhà (mặc dù không nằm trong diện phải cách ly), khai báo y tế đầy đủ khi trở về từ địa phương khác.
Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, người dân lo sợ là điều không tránh khỏi, nhưng thiết nghĩ, người dân cũng cần phải tìm hiểu kỹ hơn về các quy định phòng, chống dịch. Mỗi người nên bảo vệ bản thân mình, ý thức trong việc phòng, chống dịch nhưng cũng không vì thế mà kỳ thị, lên án người khác khi họ không vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
Thảo Vy