ClockThứ Bảy, 11/11/2023 07:20

Rà soát, xử lý các trạm cân keo tràm trái phép

TTH - UBND huyện, thị xã - nơi có những trạm cân keo tràm trái phép yêu cầu các phòng ban chức năng thành lập đoàn công tác liên ngành, rà soát lại hoạt động các điểm thu mua keo tràm, xử lý những sai phạm. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh chuyển đổi mục đích sử dụng đất đúng quy định của pháp luật.

Trạm cân keo tràm trái phép - Bài 2: Buông lỏng quản lýTrạm cân keo tràm trái phép - Bài 1: Những trạm cân “4 không”Kiểm soát các trạm thu mua keo tràm có gắn cân tải trọngChấn chỉnh hoạt động các cơ sở thu mua keo tràm ở Nam Đông

 Trạm cân keo tràm ở Hồng Hạ (A Lưới) đến nay vẫn hoạt động và có dấu hiệu tiếp tục san ủi, cải tạo đất

Thời gian vừa qua, Báo Thừa Thiên Huế có các bài viết liên quan đến các trạm cân keo tràm “4 không” mọc lên trái phép, không tuân thủ quy hoạch, thủ tục pháp lý về sử dụng đất và sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở. Liên quan vấn đề này, UBND thị xã Hương Thủy và UBND huyện A Lưới đã chỉ đạo các ngành chức năng, phòng ban vào cuộc kiểm tra, rà soát xử lý sai phạm và hướng dẫn các cơ sở kinh doanh hoàn thiện các thủ tục khi đi vào hoạt động.

Liên quan đến thửa đất của ông Lê Văn Luận (thôn 1, xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy), hiện nay đã thành lập điểm thu mua keo tràm có gắn cân tải trọng, đi vào hoạt động mà Báo Thừa Thiên Huế đã phản ánh, ông Ngô Văn Vinh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy thông tin, qua kiểm tra, rà soát thì trạm thu mua có gắn cân tải trọng này chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép.

Cụ thể, hiện nay hộ gia đình chưa được cơ quan Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thửa đất được UBND xã Phú Sơn xác nhận có nguồn gốc do hộ gia đình khai hoang sử dụng vào mục đích đất ở từ năm 2000. Việc đăng ký kinh doanh dịch vụ đã được hộ gia đình ông Luận thực hiện và đã được Phòng Tài chính Kế hoạch thị xã cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh ngày 18/8/2023.

Hộ gia đình tự ý lắp đặt trạm cân trên diện tích đất ở ổn định, đối với phần diện tích đất ở theo hạn mức 500m2 được công nhận theo quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 30/6/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định hạn mức giao đất ở; hạn mức công nhận đất ở đối với đất vườn, ao trong cùng thửa đất đang có nhà ở cho hộ gia đình, cá nhân.

Tuy nhiên, việc hộ gia đình chưa lập các thủ tục xin phép đấu nối về giao thông, quy định về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường, xây dựng khi thực hiện kinh doanh thu mua keo tràm có gắn cân tải trọng (kinh doanh dịch vụ lâm nghiệp) là đã sai phạm. Hiện nay, UBND thị xã Hương Thủy đang chỉ đạo các ngành chức năng thị xã phối hợp với UBND xã Phú Sơn tiến hành rà soát các thủ tục liên quan đối với hộ gia đình ông Lê Văn Luận. Trường hợp xảy ra vi phạm thì tiến hành xử lý theo quy định pháp luật.

Về trách nhiệm của chính quyền địa phương (UBND xã Phú Sơn) khi để trạm cân trái phép hoạt động trong thời gian dài, “qua mặt” nhiều lần, ông Ngô Văn Vinh cho rằng, quá trình hộ gia đình xây dựng hạng mục công trình trên đất ở, UBND xã Phú Sơn đều đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản nhắc nhở. Việc hộ gia đình thu mua keo tràm gắn thêm cân tải trọng khi chưa thực hiện các thủ tục về xây dựng, môi trường, giao thông và phòng cháy, chữa cháy là chưa đúng quy định.

Trách nhiệm UBND xã Phú Sơn là chưa kịp thời báo cáo và phối hợp với các nhành chức năng thị xã xử lý các vấn đề nổi lên liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng. UBND thị xã đã yêu cầu xã Phú Sơn cần rút kinh nghiệm và tăng cường trách nhiệm, năng lực quản lý trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai, xây dựng và giao thông.

Ông Ngô Văn Vinh cũng khẳng định hiện nay, trên địa bàn thị xã Hương Thủy có hiện tượng các hộ gia đình cá nhân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, để hình thành các cơ sở thu mua keo tràm có gắn cân tải trọng khi chưa được cấp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

UBND thị xã đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với UBND các xã, phường - nơi có hình thành các cơ sở thu mua keo tràm có gắn cân tải trọng (kinh doanh dịch vụ lâm nghiệp), trường hợp phát hiện có hành vi sử dụng đất không đúng quy định, sẽ tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng.

Trong khi đó liên quan đến trạm cân keo tràm trái phép được lập trên khu đất ở thôn A Rom, xã Hồng Hạ (huyện A Lưới) của chủ hộ đăng ký kinh doanh là ông Nguyễn Thái Pháp (thôn Phú Thành, xã Phú Vinh, huyện A Lưới), mới đây UBND xã Hồng Hạ đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Cụ thể, căn cứ Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Thủ tưởng Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, ông Nguyễn Thái Pháp đã có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là tự ý hủy hoại đất, làm biến dạng địa hình. Vi phạm tại Chương II, điều 15 hủy hoại đất làm biến dạng địa hình dưới 0,05ha, mức phạt hành chính 2 triệu đồng. Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy đến nay trạm cân này vẫn hoạt động và có dấu hiệu tiếp tục san ủi, cải tạo đất.

Ông Hồ Dũng, Trưởng phòng TN&MT huyện A Lưới cho biết, trên địa bàn huyện A Lưới có 14 điểm thu mua keo tràm có lắp trạm cân tải trọng có đăng ký kinh doanh ngành nghề thu mua keo tràm. Đa số các trạm cân hoạt động trên đất ở và đất trồng cây lâu năm gắn liền đất ở (đất vườn nhà) của người dân.

Phòng tham mưu UBND huyện tiến hành lập đoàn công tác, rà soát lại hoạt động thu mua nguyên liệu khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và kiên quyết xử lý những sai phạm trong hoạt động thu mua keo tràm tại địa phương.

Đồng thời hướng dẫn các cơ sở kinh doanh chuyển đổi mục đích sử dụng đất đúng quy định của pháp luật. UBND huyện A Lưới cũng đã chỉ đạo các xã rà soát nhu cầu của các hộ kinh doanh để đề xuất UBND huyện kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đấu nối giao thông, hoàn thiện các thủ tục về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường…

Như Báo Thừa Thiên Huế đã phản ánh, cùng với diện tích rừng trồng phát triển, cơ sở thu mua keo tràm đã góp phần giải quyết nhiều lao động tại các địa phương. Tuy nhiên, các trạm cân hoạt động trái phép, không đảm bảo các thủ tục pháp lý về quy hoạch, sử dụng đất và đấu nối giao thông… vẫn mọc lên “nhan nhản” ở các địa phương. Trong khi đó, chính quyền địa phương cơ sở “ngó lơ”, buông lỏng quản lý.


Bài, ảnh: KHÁNH ĐĂNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rà soát để phân loại hộ nghèo

Năm 2024, TP. Huế tiếp tục xác định mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững và thực hiện lộ trình giảm từ 110 - 130 hộ nghèo nên việc triển khai rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 đã và đang được các phường, xã tăng tốc triển khai.

Rà soát để phân loại hộ nghèo
Đề nghị rà soát, kiểm tra thuốc giả Cefuroxim 500mg

Ngày 20/8, Sở Y tế cho hay, đơn vị vừa có văn bản gửi Cục Quản lý thị trường; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị khám chữa bệnh trực thuộc; cơ sở kinh doanh thuốc; Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm tỉnh… nhằm cảnh báo về thuốc giả Cefuroxim 500mg.

Đề nghị rà soát, kiểm tra thuốc giả Cefuroxim 500mg
Phát hiện thuốc kháng sinh Cefixim 200 giả

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Sở Y tế Thừa Thiên Huế, đề nghị kiểm tra việc chấp hành quy định của Nhà thuốc P.K. tại TP. Huế; đồng thời, phối hợp xác minh, truy tìm nguồn gốc của thuốc kháng sinh Cefixim 200 giả được phát hiện tại nhà thuốc nói trên.

Phát hiện thuốc kháng sinh Cefixim 200 giả
Kiểm soát nhiễm khuẩn và điều tra dịch bệnh mở rộng tại bệnh viện

Ngày 31/7, tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế diễn ra hội thảo tổng kết đánh giá hiệu quả và bền vững dự án “Thiết lập và vận hành đơn vị kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) và điều tra dịch bệnh mở rộng”. Tham dự có Cục Quản lý Khám chữa bệnh-Bộ Y tế, tổ chức CDC/PATH Hoa Kỳ tại Việt Nam, gần 100 đại biểu của 40 BV trong toàn quốc.

Kiểm soát nhiễm khuẩn và điều tra dịch bệnh mở rộng tại bệnh viện

TIN MỚI

Return to top