ClockThứ Năm, 17/10/2024 13:39

Tháo gỡ vướng mắc trong cấp phép khai thác khoáng sản

TTH - Nhiều doanh nghiệp xin trả lại kết quả trúng đấu giá mỏ khoáng sản do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi hoàn thiện hồ sơ khai thác, thỏa thuận với chủ sở hữu đất trong công tác giải phóng mặt bằng.

Yêu cầu tạm dừng khai thác nhiều mỏ khoáng sản ở địa phương

Một mỏ đất làm vật liệu san lấp tại huyện Phong Điền 

Doanh nghiệp xin trả mỏ

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hiện trên địa bàn tỉnh có 10 doanh nghiệp (DN) trúng đấu giá được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản và đã đi vào hoạt động, gồm: 8 mỏ đất làm vật liệu san lấp (VLSL), 1 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT), 1 mỏ cát sỏi làm VLXDTT. Các mỏ còn lại đang khẩn trương tiến hành các thủ tục để trình UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, trong các mỏ được tổ chức đấu giá thành công thì có 3 DN đã xin trả lại kết quả trúng đấu giá và Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Cụ thể, mỏ đất làm VLSL tại khu vực thôn Phường Hóp (Phong An, Phong Điền) của Công ty CP Đầu tư Thuận Hóa (Công ty Thuận Hóa), bị hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất làm VLSL tại Quyết định số 1985/QĐ-UBND, ngày 18/8/2022 của UBND tỉnh, do DN này trả kết quả trúng đấu giá vì không thỏa thuận được với chủ sở hữu đất trong công tác GPMB.

Theo đại diện Công ty Thuận Hóa, sau khi lập hồ sơ khoan thăm dò trữ lượng khoáng sản thì đơn vị này đã tiến hành “đàm phán” giá đền bù đất rừng với các hộ dân. Tuy nhiên, sau nhiều lần thương thảo, các bên liên quan vẫn không thống nhất được giá đền bù do người dân đưa ra  mức giá quá cao (1ha rừng yêu cầu đền bù hơn 1 tỷ đồng) khiến công tác GPMB không triển khai được.

Với việc bị hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, số tiền đặt trước của Công ty Thuận Hóa đã nộp khi tham gia đấu giá là hơn 70 triệu đồng được nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định.

“Sau khi trúng đấu giá, DN sẽ lập hồ sơ khoan thăm dò, khảo sát, xin phê duyệt trữ lượng, báo cáo kinh tế kỹ thuật, xin chủ trương đầu tư, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và làm hồ sơ chuyển đổi trồng rừng thay thế rồi mới có giấy phép khai thác... Bình quân mỗi bộ hồ sơ của DN hoàn thiện để được cấp phép mất rất nhiều kinh phí và thời gian (từ 1-2 năm). Vì vậy, DN đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc và khi gặp trở ngại trong công tác GPMB thì họ “nản” và xin trả lại mỏ”, đại diện Công ty Thuận Hóa cho biết thêm.

Cuối năm 2022, Công ty cổ phần Kim Long Motors Huế đã đấu trúng mỏ đất với diện tích 28,22ha tại khu vực núi Cảnh Dương (Lộc Thủy, Phú Lộc). Tháng 5/2023, UBND tỉnh ban hành quyết định về việc phê duyệt trữ lượng khoáng sản đất làm VLSL và đá làm VLXDTT trong báo cáo kết quả thăm dò trữ lượng khoáng sản đất làm VLSL. Tuy nhiên, đến tháng 8/2023, Công ty CP Kim Long Motors Huế có công văn gửi UBND tỉnh xin được trả kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Lý do, trong quá trình thăm dò thì công ty này phát hiện tại khu mỏ có trữ lượng lớn khoáng sản đá làm VLXDTT. Trong khi đó, nhu cầu của đơn vị chỉ sử dụng đất làm VLSL phục vụ cho các công trình.

Tương tự, Công ty CP Gạch Tuynen Phong Thu cũng xin được trả kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại mỏ đất làm VLSL khu vực đồi Kiền Kiền (Phong Thu, Phong Điền), do trong quá trình thi công thăm dò đơn vị đã phát hiện khoáng sản đất sét làm gạch ngói nên xin trả lại mỏ.

Tháo gỡ vướng mắc

Sở TN&MT cho biết, việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản là cơ sở quan trọng, tạo ra sân chơi minh bạch cho các DN khai thác khoáng sản, tăng hiệu quả kinh tế cũng như giảm thiểu tác động đến môi trường. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, đã xuất hiện một số vấn đề khó khăn, vướng mắc dẫn đến tính không khả thi khi thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Trong đó có vướng mắc về thủ tục đất đai dẫn đến không có mặt bằng sạch để đấu giá; nếu tổ chức trúng đấu giá không thể triển khai đền bù thì khó khăn trong việc cấp phép khai thác khoáng sản.

Theo điểm đ, khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai năm 2013, các dự án khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, mà do nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án khai thác khoáng sản. Trường hợp chưa thực hiện GPMB, nhưng vẫn tổ chức đấu giá thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp khó giải quyết, nếu người trúng đấu giá không giải phóng được mặt bằng để thực hiện dự án khai thác. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân và DN trúng đấu giá.

Theo Sở TN&MT, Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đã tháo gỡ các vướng mắc nêu trên. Cụ thể, tại khoản 25, Điều 79 quy định Nhà nước sẽ thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích Quốc gia, công cộng, trong đó có hoạt động khai thác khoáng sản đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép, kể cả hạng mục công trình phục vụ cho việc khai thác, chế biến khoáng sản gắn với khu vực khai thác và hành lang bảo vệ an toàn cho việc khai thác mà phải thu hồi đất. Đây là chính sách tháo gỡ kịp thời nhằm hỗ trợ cho các DN trong hoạt động khai khoáng, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Sở TN&MT sẽ tiếp tục nghiên cứu các quy định của pháp luật để đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định các nội dung liên quan nhằm giảm thủ tục hành chính, thời gian thụ lý hồ sơ của các dự án.

Theo Sở TN&MT, từ năm 2020 đến nay, đơn vị này đã phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh tổ chức 5 đợt đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh với số lượng 51 khu vực mỏ đấu giá thành công, trữ lượng khoáng sản làm VLXDTT hơn 60 triệu m3.


Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền trực tuyến tới 27 tỉnh, thành phố có các dự án điện năng lượng tái tạo.

Tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo
Tháo gỡ mọi khó khăn, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành logistics Việt Nam

Sáng 2/12, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề Khu Thương mại tự do-Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics do Bộ Công thương phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các chuyên gia, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Tháo gỡ mọi khó khăn, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành logistics Việt Nam
Theo sát cộng đồng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn về pháp lý

Sáng 9/10, Hội đồng Phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương (PBGDPL) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Theo sát cộng đồng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn về pháp lý
Return to top