Qua địa chỉ email, anh Q., (trú tại phường Phú Hội, TP. Huế) phản ánh đến Báo Thừa Thiên Huế: Anh nhận cuộc gọi từ một số máy lạ gọi đến, tự xưng là cán bộ thuộc bộ phận xử lý công nợ của một ngân hàng. Người này cho biết, anh T., trú tại xã Phú Mậu (huyện Phú Vang) đã vay của ngân hàng một khoản tiền. Quá trình lập thủ tục vay tiền, anh T., cung cấp một số số điện thoại của người thân, bạn bè để “làm tin”, mà anh Q., là một trong những người đó.
Do anh T., không trả nợ đúng thời hạn và có hành vi trốn tránh, nên bên cho vay tiền gọi anh Q., yêu cầu anh Q., có trách nhiệm đốc thúc anh T., trả nợ. “Tôi đã trả lời với họ, tôi không hề hay biết việc anh T., vay tiền, cũng không có trách nhiệm, nghĩa vụ gì trong việc đốc thúc anh T., trả tiền. Thế nhưng, họ vẫn liên tục gọi đến và đe dọa, chửi bới tôi bằng những lời lẽ lăng mạ, tục tĩu, khiến cuộc sống của tôi bị ảnh hưởng rất xấu. Tôi chặn cuộc gọi, thì họ dùng những số điện thoại khác để gọi đến “khủng bố” tinh thần”- anh Q., bức xúc.
Không những vậy, bên cho vay tiền nọ gửi đến số máy anh Q., những tin nhắn đã nhắn cho anh T., nội dung: Đã hoàn tất thủ tục và bằng chứng pháp lý để khởi kiện (anh T.) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; yêu cầu anh T., đến Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ký biên bản nhận giấy khởi kiện; sẽ yêu cầu cơ quan thẩm quyền phát lệnh truy nã toàn quốc trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Điều khiến anh Q., bức xúc là, trong những tin nhắn nêu trên lại có thêm nội dung: Sẽ liên hệ chính quyền địa phương, xác minh thông tin, nơi cư trú, nơi làm việc của toàn bộ những người có liên quan (tức những người mà anh T., tự ý cung cấp số điện thoại trong hồ sơ vay tiền), để buộc phải bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật...
Chị G., cán bộ một cơ quan trên địa bàn TP. Huế cũng là nạn nhân, do người quen cung cấp số điện thoại của chị khi vay tiền. Chị G., cho biết, không chỉ liên tục bị gọi điện thoại quấy rầy, xúc phạm, đe dọa, chị còn bị chế ảnh trên mạng xã hội (facebook) để bêu xấu. Chị H., (trú tại phường Thủy Xuân) cũng rơi vào tình trạng dở khóc dở mếu tương tự.
Trên thực tế có tình trạng tờ rơi được phát tận tay người đi đường hoặc dán ở các cột điện, bờ tường công cộng, ghi thông tin (có thể là tổ chức tài chính, công ty tài chính hoặc cá nhân) mời gọi cho vay tiền không cần thế chấp, chỉ cần giấy chứng minh nhân dân, bằng lái xe…
Quá trình làm hồ sơ vay tiền, bên cho vay yêu cầu người vay cung cấp khoảng 5 số điện thoại của người thân để xác thực, “làm tin”. Nhiều người vay tiền đã cung cấp số điện thoại người quen của mình, mà không được sự đồng ý, cho phép của họ, thậm chí họ không hề hay biết. Khi người vay không trả tiền, những “người liên quan”- bị cung cấp số điện thoại như nêu trên trở thành nạn nhân, bị bên cho vay tiền “truy đuổi”.
Theo ông Nguyễn Văn Bường, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh: Tòa án chỉ triệu tập đương sự trong các trường hợp sau: Đối với khởi kiện dân sự, bên khởi kiện phải có đơn gửi tòa án. Khi vụ án đã được thụ lý, tòa án triệu tập các bên đương sự đến lấy lời khai, bắt đầu quy trình tố tụng. Trường hợp nhận đơn nhưng chưa thụ lý, tòa án có thể triệu tập đương sự đến bổ sung các tài liệu liên quan. Đối với án hình sự, sau khi thụ lý hồ sơ vụ án, tòa án triệu tập bị cáo, bị hại, nhân chứng…, theo quy định của pháp luật.
Đối chiếu với nội dung mà bạn đọc phản ánh đến Báo Thừa Thiên Huế nêu trên, TAND tỉnh chưa thụ lý và chưa tiếp nhận đơn của công ty tài chính hay tổ chức tài chính nào khởi kiện đòi nợ.
Theo luật sư Nguyễn Văn Phước, Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế: Trong trường hợp bị dọa dẫm, bị xúc phạm, làm ảnh hưởng đến tinh thần và cuộc sống như đã nói ở trên, thì nạn nhân có thể gửi đơn tố cáo, yêu cầu cơ quan công an vào cuộc, xử lý theo quy định của pháp luật.
Quỳnh Anh