ClockThứ Năm, 28/09/2017 14:01
AN TOÀN GIAO THÔNG HỌC ĐƯỜNG:

Vẫn còn không ít bất cập

TTH - Công tác đảm bảo an toàn giao thông học đường đã được ngành giáo dục, nhà trường quan tâm nhiều trong những năm qua. Tuy nhiên, tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông vẫn còn diễn ra. Nguyên nhân do sự thiếu ý thức của học sinh, sự tuyên truyền thiếu hiệu quả và hạ tầng giao thông tại một số điểm trường chưa đảm bảo.

Lực lượng CSGT xử lý lỗi học sinh đi xe điện không đội mũ bảo hiểm

Nhiều bất cập

TP. Huế là địa phương được chọn xây dựng nhiều mô hình điểm về cổng trường an toàn giao thông (ATGT) với những giải pháp thiết thực. Ban Giám hiệu các trường đã nỗ lực có nhiều biện pháp nhằm bảo đảm ATGT cho các em học sinh như: cho học sinh tan học lệch giờ, phân luồng giao thông từ trong trường học, có cổng phụ dành cho học sinh đi xe đạp; phối hợp địa phương bố trí lực lượng bảo vệ dân phố làm công tác ATGT ở cổng trường; sáng thứ 2 đầu tuần phổ biến Luật Giao thông đường bộ trong toàn trường; nghiêm cấm các em học sinh đi xe máy đến trường và xử phạt nghiêm học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Thế nhưng, chỉ ra khỏi cổng trường, hoặc khi không khoác trên mình bộ đồng phục học sinh thì các em lại “hồn nhiên” vi phạm pháp luật, đi hàng 3, hàng 4, cầm tay nhau cười đùa tíu tít. Vào giờ cao điểm, chính các em là đối tượng gây ùn tắc giao thông ở khu vực cổng trường, khiến nhiều người dân rất bức xúc. Những hành vi vi phạm ấy đều bắt nguồn từ chính ý thức của các em, nhà trường không thể kiểm soát hết được và đó là những nguyên nhân tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT).

Đó là ở đô thị, còn ở nông thôn, nhất là ở các cổng trường có Quốc lộ, Tỉnh lộ đi ngang thì nguy cơ mất ATGT luôn là nỗi ám ảnh đối với phụ huynh, học sinh nếu không có sự hướng dẫn, đưa đón của người lớn.

Thống kê của Ban ATGT tỉnh, 9 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 336 vụ TNGT làm chết 105 người, bị thương 305 người; so với cùng kỳ giảm 21 vụ, giảm 8 người chết, giảm 38 người bị thương. Theo phân tích, độ tuổi xảy ra TNGT ngày càng trẻ hóa, nguyên nhân TNGT chủ yếu vào các lỗi: thiếu chú ý quan sát, đi không đúng phần đường, không làm chủ tay lái, không giữ khoảng cách an toàn…

Tại Trường tiểu học số 1 Lộc Trì (Phú Lộc), học sinh đông nhưng do QL1A đoạn đi qua trường không có điểm quay đầu xe nên dẫn đến tình trạng phụ huynh đi đón con phải đi vào đường ngược chiều thay vì phải đi thêm một đoạn khá xa. Thầy Bùi Khắc Sơn Ca, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền nhưng việc mở điểm quay đầu xe phục vụ nhu cầu đi lại của học sinh và phụ huynh vẫn chưa được thực thi. Vì vậy, nguy cơ dẫn đến TNGT luôn hiện hữu nếu người đi đường không chú ý quan sát.

Không riêng địa bàn Phú Lộc, nhiều địa phương khác cũng có trường học tiếp giáp với QL1A, với mật độ xe đông, nhiều phương tiện phóng nhanh vượt ẩu rất nguy hiểm cho học sinh mỗi lúc đến và tan trường. Đáng lo hơn khi tình trạng thiếu biển báo giảm tốc độ, biển cảnh báo gần khu vực trường học hay vạch kẻ đường cho người đi bộ... hiện rất phổ biến ở các tuyến quốc lộ và các trục đường giao thông phức tạp. Trong khi một bộ phận học sinh vẫn còn chủ quan và thiếu kiến thức về ATGT khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên QL1A. Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng năm học 2016- 2017 toàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ TNGT liên quan đến học sinh, sinh viên, trong đó có nhiều em mang thương tật suốt đời hoặc không còn cơ hội trở lại trường với bạn bè, thầy cô. 

Đổi mới công tác tuyên truyền

Ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT thông tin, năm học qua, Sở yêu cầu tất cả các trường học phải thành lập Ban ATGT trong nhà trường. Hàng năm xây dựng kế hoạch ATGT học đường gửi cho tất cả các trường học, nhằm giáo dục các em hiểu và thực hiện đúng Luật Giao thông đường bộ. Ngành cũng phối hợp với các ngành chức năng khác thực hiện nhiều biện pháp kiên quyết hạn chế TNGT học đường và bảo đảm ATGT cho các trường học. Để giảm thiểu TNGT ở độ tuổi học sinh, Ban ATGT tỉnh và ngành GD-ĐT đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống TNGT cho học sinh như: tổ chức các hội thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ “ATGT cho nụ cười ngày mai”, “Giao thông học đường”, lồng ghép tuyên truyền ATGT trong các môn học, các buổi ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ... Nhờ đó, số vụ TNGT do học sinh gây ra đã giảm khá nhiều so với trước đây.

Sinh mạng con người là trên hết 

Tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường- tháng 9/2017 được Ủy ban ATGT Quốc gia phát động với tinh thần “Sinh mạng con người là trên hết, không để xảy ra TNGT mang lại đau thương cho từng gia đình và làm tăng thêm gánh nặng cho xã hội”. Trong đó, yêu cầu học sinh, sinh viên tích cực học tập, tìm hiểu, thực hành để nắm vững và tự giác tuân thủ các quy định pháp luật về ATGT. Đáng chú ý là đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; phụ huynh đội mũ bảo hiểm cho con em khi tham gia giao thông; không điều khiển mô tô, xe máy khi chưa có giấy phép lái xe; nắm vững các quy tắc ATGT khi tham gia giao thông; không đua xe, lạng lách, đánh võng, chạy xe hàng ba, đùa giỡn, nghe điện thoại khi tham gia giao thông; tích cực vận động bạn bè, người thân và cộng đồng xây dựng văn hóa giao thông.

“Ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá nội dung giáo dục ATGT từ năm học 2017-2018. Đáng chú ý là lồng ghép nội dung giáo dục về văn hóa giao thông vào các môn học giáo dục công dân, đạo đức…, nhằm nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm và dần hình thành thế hệ công dân ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường chủ động phối hợp với địa phương và cơ quan chức năng để giám sát việc chấp hành luật giao thông của học sinh.”- ông Nguyễn Tân khẳng định.

Thượng tá Võ Hồng Quang, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an tỉnh chia sẻ, nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, lực lượng CSGT tỉnh và các địa phương phối hợp với lãnh đạo các trường tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh; tình hình trật tự ATGT, các quy tắc cơ bản khi tham gia giao thông, lỗi thường xảy ra TNGT trong học sinh. Lồng ghép trong buổi tuyên truyền, các em được xem hình ảnh những vụ TNGT gây chết người do vi phạm các quy định về ATGT gây ra. Đồng thời, tổ chức ký cam kết với gia đình và học sinh, sinh viên về việc chấp hành quy định ATGT.

Cùng với đó, tiến hành mở các đợt tuần tra, kiểm soát chuyên đề, tập trung nhắc nhở và kiên quyết xử lý các trường hợp học sinh đi xe máy, đi xe đạp điện – xe điện không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, chở 3, chở 4…

Ông Trần Bá Trung, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết, để nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống TNGT trong học đường, năm học này, Ban ATGT tỉnh tiếp tục phối hợp với ngành GD-ĐT triển khai năm ATGT 2017 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên”. Theo đó, Ban ATGT các địa phương sẽ phối hợp với các nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, biện pháp phòng tránh TNGT bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, giàu tính thực tiễn để nâng cao nhận thức của học sinh và phụ huynh. Đặc biệt, tuyên truyền đến các bậc phụ huynh không nên để các cháu chưa đủ tuổi đi xe máy, xe đạp điện đến trường. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương, đơn vị quản lý giao thông rà soát, khắc phục những đen, những bất cập về hạ tầng giao thông tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn; đặc biệt qua các trường học, góp phần đảm bảo ATGT chốn học đường.

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao 18 suất quà đến gia đình có nạn nhân bị tai nạn giao thông

Chiều 20/11, ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cùng đại diện các ban, phòng, đơn vị chức năng liên quan đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình có nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) hiện đang gặp hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Trao 18 suất quà đến gia đình có nạn nhân bị tai nạn giao thông
An toàn cho du khách mùa mưa bão

Những tháng cuối năm, Huế bước vào mùa cao điểm khách quốc tế cũng là thời điểm thời tiết miền Trung thường xảy ra mưa lớn, bão và ngập lụt. Song hành với phục vụ du khách, phát triển du lịch là yêu cầu đảm bảo an toàn cho du khách.

An toàn cho du khách mùa mưa bão
Trò đến lớp, thầy vui!

Bên cạnh dạy học, thầy cô giáo ở vùng cao A Lưới còn phụ trách thêm công tác vận động học sinh đến trường. Thấy học sinh nghỉ học dài ngày, có nguy cơ bỏ học, sau giờ dạy, giáo viên lại tìm đến nhà tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Niềm vui giản dị của các nhà giáo nơi đây là được thấy học sinh trở lại trường.

Trò đến lớp, thầy vui
Return to top