ClockThứ Bảy, 29/06/2024 10:45

Xử lý sạt trượt tại công trình xử lý rác Hương Bình

TTH - Do thi công trong thời gian dài, công trình xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại xã Hương Bình (Hương Trà) xuất hiện nhiều điểm sạt lở, bồi lấp và nguy cơ tiếp diễn trong mùa mưa. Chủ đầu tư đã tổ chức xử lý cục bộ một số vị trí sạt lở, có nguy cơ mất ổn định công trình trong quá trình vận hành khai thác.

Đảm bảo tiến độ dự án xử lý rác thải vùng trọng điểm

 Các mái taluy hồ điều hòa bị sạt trượt, bồi lấp

Dự án Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh (gọi tắt DA) được triển khai từ năm 2018 với tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn gần 86 tỷ đồng, do Ban QLDA Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh làm chủ đầu tư.

Mục tiêu đầu tư của DA là giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt trên địa bàn Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và một phần TP. Huế, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường bền vững và phục hồi sinh thái với công suất xử lý giai đoạn 1 là 150 tấn/ngày.

Sau một thời gian dài triển khai thi công, hiện nay công trình xử lý rác đã xuất hiện nhiều điểm sạt trượt, bồi lấp trên các tuyến đường giao thông nội bộ, đất san nền và các hồ trong khu vực DA. Ghi nhận của PV cho thấy, tại hiện trường, hệ thống thoát nước mặt của các hố chôn lấp rác bị bồi lấp nhiều đoạn. Một số tuyến giao thông bị sạt trượt. Đặc biệt tại khu vực các hồ điều hòa, hồ chỉ thị sinh học bị sạt lở taluy, xuất hiện dòng chảy ngầm làm khối lượng đất tràn xuống lấp lòng hồ…

Theo Ban QLDA, hiện nay một số hạng mục công việc liên quan đến việc đắp đất san nền, đường giao thông tại công trình xử lý rác đã xảy ra hiện tượng sạt lở, lún sụt, trôi đất do ảnh hưởng của nhiều đợt mưa, bão hằng năm làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ của công trình.

Theo hồ sơ thiết kế được duyệt, việc san nền dựa trên nguyên tắc cân bằng đào đắp, nên vật liệu đắp đất được tận dụng hoàn toàn tại chỗ, tuy nhiên vật liệu tại một số khu vực có tính dính kết kém, nên việc đắp đất san nền và nền đường dễ bị sạt trượt.

Ông Đặng Quang Ngọc - Phó Giám đốc Ban QLDA cho biết, để kịp thời xử lý đảm bảo ổn định công trình, sau khi trao đổi phương án với đơn vị tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công, Ban QLDA đã tổ chức xử lý cục bộ một số vị trí sạt lở, cũng như một số vị trí có nguy cơ mất ổn định trong quá trình vận hành khai thác công trình sau này.

Theo đó, yêu cầu đơn vị thi công bổ sung gia cố taluy hồ điều hòa. Phần mái taluy phía trên hồ điều hòa theo hồ sơ thiết kế được duyệt chỉ trồng cỏ trong hệ thống khung giằng bê tông cốt thép, chưa có phương án gia cố bề mặt đảm bảo ổn định lâu dài.

Qua thời gian triển khai thi công, đặc biệt vào mùa mưa bão, mái taluy nền đắp cao (đất tận dụng tại chỗ có tính dính kết kém) thường xuyên bị sạt trượt. Để đảm bảo ổn định mái taluy lâu dài, kịp thời gia cố trước mùa mưa bão, đơn vị thi công đã bổ sung lớp đá hộc kết hợp lớp vải địa kỹ thuật trong hệ thống khung giằng bê tông cốt thép theo thiết kế được duyệt để bảo vệ mái taluy phía trên.

Đơn vị thi công cũng bổ sung hệ thống xử lý nước ngầm tại hồ chỉ thị sinh học. Trong quá trình thi công đào đắp san nền làm thay đổi địa hình khu vực, xuất hiện dòng chảy nước ngầm dưới đáy hồ này. Để đảm bảo ổn định đáy hồ chỉ thị không bị đẩy trồi do nước ngầm dâng cao, đã bổ sung hệ thống thu nước ngầm đáy hồ bằng rãnh xương cá đổ đá kết hợp ống HDPE thu nước ngầm.

Ngoài ra, Ban QLDA cũng bổ sung gia cố một số vị trí cục bộ để đảm bảo ổn định kết cấu cho công trình trong các đợt mưa bão thời gian tới như gia cố chân khay bằng rọ đá hộc tại tuyến đường nội bộ số 2, số 3 và số 8. Bổ sung cống thoát nước địa hình đổ về hồ chỉ thị sinh học và đoạn cống thu nước địa hình từ khu san nền số 3, đổ ra khe hiện có, giảm sạt lở đất cục bộ tại khu vực.

Theo thiết kế được duyệt, mái taluy các ô chôn lấp được trải màng chống thấm HDPE và được bảo vệ chống đâm thủng khi đổ rác. Thực tế, sau khi đắp đất thử một đoạn vào ô địa, do chiều cao mái taluy ô chôn lấp khá lớn và đắp trực tiếp trên lớp màng HDPE, do không bám dính vào màng HDPE nên sau các đợt mưa to, lớp đất đắp chèn bị kéo tuột xuống đáy ô chôn lấp, làm rách ô địa. Do đó, không tiếp tục đắp lớp đất chèn ô địa. Lớp đất bảo vệ sẽ được đắp dần từ thấp lên cao trong quá trình chôn lấp rác theo quy trình vận hành khai thác.

Theo ông Đặng Quang Ngọc, để đảm bảo DA hoàn thành, phát huy hiệu quả, thuận lợi trong quá trình vận hành khai thác, Ban QLDA kiến nghị UBND tỉnh đối với một số vị trí hiện trạng sạt lở, lún sụt cho phép chỉ triển khai thi công đến điểm dừng kỹ thuật các tuyến đường số 2 và tuyến đường số 3.

Khu vực san nền còn lại tại khu san nền số 3 (khu xây dựng sân tập kết rác và nhà phân loại rác) qua đo đạc, kiểm tra hiện trạng khu vực và trao đổi với với Sở Xây dựng, Ban QLDA kiến nghị cho phép giữ nguyên cao độ hiện trạng tuyến đường số 3 (thấp hơn cao độ thiết kế được duyệt trung bình 5m); đồng thời tiến hành bổ sung gia cố taluy, hệ thống thoát nước bằng cống và rãnh, san gạt bề mặt san nền khu số 3 và tuyến đường số 2 phù hợp cao độ hiện trạng tuyến đường số 3, đảm bảo ổn định và khả năng tiếp cận khu vực dễ dàng tại điểm dùng kỹ thuật là phù hợp.

Trên cơ sở đó, cho phép chủ đầu tư tổ chức điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công theo điểm dừng kỹ thuật để hoàn thành công trình và quyết toán DA. Việc điều chỉnh này không thay đổi công năng sử dụng DA và không thay đổi quy hoạch được duyệt.

Ngoài ra, đề nghị cho phép Ban QLDA tổ chức xử lý cục bộ một số vị trí tại hồ chỉ thị sinh học. Cụ thể, trong quá trình thi công hệ thống thu nước ngầm kết hợp hoàn thiện mái taluy đoạn nền đắp hồ chỉ thị sinh học, xuất hiện hiện tượng nước ngầm chảy từ chân taluy nền đắp làm sụt lở chân taluy, kéo theo mất ổn định taluy.

Để tăng cường gia cố chân khay, kiến nghị gia cố bổ sung phần chân khay đoạn nền đắp cao bằng rọ đá hộc kết hợp đá hộc xếp khan và vải địa kỹ thuật. Bổ sung gia cố cục bộ một số vị trí để chống hư hỏng do sạt lở, trôi đất vào mùa mưa bão như gia cố lề đất bằng bê tông xi măng tuyến đường giữa 2 ô chôn lấp.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những công trình “băng sông, vượt biển”

Nhiều công trình, dự án trọng điểm về giao thông được đầu tư không chỉ giúp giao thương thuận lợi, mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những công trình “băng sông, vượt biển”
Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" vi phạm giao thông

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định trong Thông tư số 73/2024/TT-BCA, ngày 15/11/2024, quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (sau đây gọi tắt là Thông tư 73/2024/TT-BCA).

Quy định mới về trình tự xử lý phạt nguội vi phạm giao thông
Tăng tốc trên các công trình trọng điểm

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khá cao so với trung bình chung của cả nước. Theo đó, tính đến cuối tháng 10/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 59,7% kế hoạch. Song, để đạt được mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công đến cuối năm nay là thách thức không nhỏ với các ban ngành, chủ đầu tư.

Tăng tốc trên các công trình trọng điểm
Tập trung xử lý các “điểm nóng” về trật tự đô thị

Để đảm bảo trật tự đô thị - an toàn giao thông (TTĐT - ATGT) tại các địa điểm tham quan du lịch và các “điểm nóng” trên địa bàn thành phố, Đội Quản lý đô thị (QLĐT) TP. Huế huy động nhân lực triển khai nhiều giải pháp, góp phần ổn định trật tự đô thị và tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân.

Tập trung xử lý các “điểm nóng” về trật tự đô thị

TIN MỚI

Return to top