|
|
Nhà văn - nhà báo Nguyễn Khắc Phê thăm mộ cụ Bùi Huy Tín |
Tôi nghĩ đến điều này ngay sau hôm nhà nghiên cứu lịch sử Trần Viết Ngạc tổ chức giới thiệu cuốn sách “Bùi Huy Tín với Thực nghiệp dân báo và Tràng An báo”, tại Huế hồi tháng 3/2023. Cuối buổi, nhà nghiên cứu mới đặt vấn đề một cách rất khiêm tốn: “Tôi mong Huế có một con đường – con đường nhỏ thôi cũng được, mang tên ông…”.
Nhiều tờ báo và tác giả gọi cụ là “doanh nhân” - điều đó đúng - vì cụ là 1 trong 4 người giàu nhất miền Bắc thời đó (có câu ca “Nhất Bưởi, nhì Thu, tam Phu, tứ Tín”) và cụ đã tham gia nhiều công trình lớn, nhất là ở miền Trung; nhưng “doanh nhân” có ba, bảy loại, ít có doanh nhân có phẩm cách đáng trọng như Bùi Huy Tín. Chỉ riêng việc đầu tư xây dựng nhà in Đắc Lập đủ chứng minh điều này. Trong khi một số doanh nhân khác “bỏ cuộc” vì biết trước sẽ khó có lợi nhuận thì doanh nhân họ Bùi đã cả gan “nhảy vào”.
Trong dịp kỷ niệm 20 năm khai trương nhà in, Bùi Huy Tín đã viết trên báo “Tràng An” năm 1939:
“Nhà in Đắc Lập ra đời ở kinh đô cũng bởi một duyên cớ. Tháng Aout 1919, gặp lúc phong trào tranh thương với người Hoa kiều… xướng lên từ Nam kỳ dần dần lan khắp cả nước […] Phải biết rằng tôi lập nhà in ở tại kinh đô này chỉ vì sự mở mang và vì nghĩa vụ đoàn thể của đồng bào trong buổi tranh thương…”
Chỉ có tình yêu đất nước và danh dự người Việt không để người Hoa chiếm thị trường, ông mới thuận theo lời mời của các nhà thương mại ở Bắc và ở Huế mời ông vào Huế lập nhà in. Để rồi sau 3 năm bị lỗ, ông đã mua lại toàn bộ cổ phần những ai sợ thua lỗ rút ra với giá gốc, chứ không trừ khoản lỗ 25%. Đó là chưa nói đến vai trò nhà in hồi đó bao gồm cả xuất bản, cả mạng lưới phát hành rất rộng, đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí, phát triển các hoạt động văn hóa ở nhiều tỉnh miền Trung.
Ông còn ủng hộ tài chính khi bà Đạm Phương mở “Nữ công học hội” và xây một phần Trường Quốc Học và “Nhà thương Huế”… Các công trình lớn khác mà ông tham gia như lập các đồn điền, xây dựng đường sắt Vinh - Đông Hà vượt qua những đoạn khó khăn nhất, cũng chứng tỏ ông kinh doanh vì sự phát triển đất nước và dân sinh chứ không chỉ nhằm làm giàu cho mình.
Một doanh nhân như thế còn là gương sáng cho tận hôm nay. Xin được nhấn mạnh thêm về vai trò “nhà báo” của Bùi Huy Tín. Có thể sẽ có bạn ngạc nhiên khi tôi gọi doanh nhân họ Bùi là “nhà báo”. Bây giờ, một nhân viên trị sự cũng có thẻ nhà báo thì một chủ nhiệm hai tờ báo lớn tạo được ảnh hưởng quan trọng đến dư luận cả nước có thừa tiêu chuẩn nhà báo. Cần phải “chính danh” như vậy, nhất là với chức danh “nhà báo”, việc tôn vinh Bùi Huy Tín là “danh nhân” và đặt tên đường sẽ thuận lợi hơn.
Nhờ công phu nghiên cứu từ bộ Lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội và Thư viện Quốc gia Pháp (BnF), Trần Viết Ngạc đã cung cấp cho bạn đọc nhiều tư liệu quý, danh mục nội dung hàng trăm số báo mà quan trọng nhất là về ba sự kiện lớn của Việt Nam thời gian đó (phong trào đòi trả tự do cho Phan Bội Châu – Lễ tang Phan Châu Trinh và cuộc Khởi nghĩa Yên Bái).
Phải dùng từ “kinh ngạc” khi đọc nội dung các bài báo về 3 sự kiện chính trị chấn động suốt từ Nam chí Bắc, ngang nhiên bày tỏ lòng yêu nước và sự kính trọng đối với hai cụ Phan và các chiến sĩ cách mạng, trong một chế độ thuộc địa. Chỉ kể về số lượng, Trần Viết Ngạc cho biết: “Trong hai tháng rưỡi, từ ngày chính quyền đưa nhà ái quốc ra tòa Đề hình, 23/1/1925 đến ngày 7/2/1926, 34 số báo Thực nghiệp đăng tin tức tòa án, phản ánh dư luận trong toàn quốc cùng các bài xã luận của độc giả, của đồng nghiệp, Thực nghiệp đã trở thành tờ báo quan trọng nhất, đóng góp nhiều nhất cho phong trào đòi trả tự do cho Phan Bội Châu”… Hơn thế, “Thực nghiệp đã phát hành “Tập án Phan Bội Châu”, in đến 4 lần, mỗi lần 5.000 bản, tổng cộng 20.000 bản, phát hành trên toàn quốc, sang cả Thủ đô Vientian của Lào.”
Với lễ tang cụ Phan Châu Trinh và cuộc khởi nghĩa Yên Bái, hai tờ báo đã dẫn cũng đã đưa tin dày đặc, kịp thời và trung thực như thế. Từ đó, Trần Viết Ngạc viết:
“Có thể nói Thực nghiệp Dân báo đã làm được một công việc lớn là vinh danh các người con hào hùng của dân tộc… trong một hoàn cảnh dân tộc đang bị cai trị một cách hà khắc…”.
Không thể trích dẫn nhiều hơn nội dung hai tờ báo thể hiện tinh thần yêu nước như trên; chỉ cần nói thêm là tờ “Tràng An” với chủ bút là Phan Khôi và các cây bút chủ lực là những tên tuổi như: Hoài Thanh, Nam Trân, Trần Thanh Mại, Thanh Tịnh, Lưu Trọng Lư, Lê Tràng Kiều… nên “khi Tràng An chào đời ở Huế, ông già Bến Ngự gửi đến “người em ruột thịt” của Tiếng Dân, kém chị 8 tuổi, với mong ước sẽ cùng nhau gánh vác, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc […] “Tràng An, tràng an, tràng an hoài/ Như núi đứng vững, như sông dài…”.
Chỉ nhắc tên chủ bút và người cộng tác, chúng ta đã có thể hiểu phẩm cách và lòng yêu nước của chủ nhiệm Bùi Huy Tín. Ông cũng đã có lần nói rõ: “Tôi làm chủ nhiệm Tràng An thì dẫu ông Phan Khôi làm chủ bút, trách nhiệm tờ báo vẫn về phần tôi chịu… Nói một cách đơn giản: Phải là người có phẩm hạnh và chính kiến thế nào mới được những tên tuổi như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Hoài Thanh, Phan Khôi… tin cậy. Vậy nên theo tôi, Bùi Huy Tín không chỉ là doanh nhân mà xứng đáng là danh nhân.
Cụ Bùi Huy Tín đã yên nghỉ tròn một lục thập hoa giáp (60 năm trước) chẳng cần chi danh và lợi. Thế nhưng, hậu thế cần nhớ đến và biết ơn cụ, ít ra bằng việc đặt tên đường Bùi Huy Tín - một ứng xử hợp đạo lý cần thiết đối với một trung tâm văn hóa như Huế…