ClockChủ Nhật, 29/03/2020 16:52

Cá nuôi nổi đầu, chết rải rác

TTH.VN - Từ sáng 29/3, nhiều hộ phát hiện thủy sản nuôi trên vùng đầm phá xảy ra hiện tượng nổi đầu, chết và có nguy cơ chết hàng loạt.

Người dân đang lo cá chết hàng loạt

Ông Phan Việt ở thôn Hiền An 1, xã Vinh Hiền (Phú Lộc) đứng ngồi không yên vì các lồng cá vẩu nuôi sắp đến kỳ thu hoạch xảy ra hiện tượng nổi đầu, lở loét, mất nhớt, chết rải rác. Ông Việt đã sử dụng các biện pháp phòng trừ, xử lý môi trường nhưng tình trạng cá chết vẫn chưa chấm dứt. Hiện tượng cá chết rải rác xuất hiện từ nhiều ngày qua và nhiều nhất từ sáng 29/3.

Hầu như ngày nào ông Việt cũng vớt hàng chục con cá chết, hoặc nổi đầu do sức khỏe kém. Nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả, thủy sản có nguy cơ chết hàng loạt. Ông Việt cho rằng, nguồn nước trên đầm phá lưu thông kém, hàm lượng ôxy thất thường, thậm chí quá thấp, nhất là vào thời điểm 10 giờ 30 phút hằng ngày là nguyên nhân chính khiến cá khó thích nghi, không đảm bảo sức khỏe. Một số thủy sản sức khỏe yếu, kèm theo kém ăn dẫn đến chết.

Kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, khoảng cách giữa các lồng nuôi tại xã Vinh Hiền và một số địa phương khá nhỏ, hàm lượng ôxy trong lồng lúc chỉ 0,5 mg/lít. Một số vùng nuôi khác, như xã Giang Hải (Phú Lộc)… hàm lượng ôxy cũng quá thấp (3 mg/l). Đó chính là các yếu tố bất lợi khiến thủy sản nuôi bị dịch bệnh, chết.

Một số thủy sản đạt kích cỡ sẽ thu hoạch tỉa

Ông Phan Việt chia sẻ, quá trình nuôi, ông thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, môi trường để có biện pháp xử lý phù hợp. Thời điểm lượng ôxy trong lồng nuôi quá thấp, dòng chảy trên đầm phá kém, ông phải sử dụng máy sục khí nhằm tạo ôxy ổn định, đảm bảo cho sự sinh trưởng của thủy sản.

Theo ông Việt, môi trường, thời tiết bất lợi dẫn đến sức khỏe thủy sản kém phải tăng cường bổ sung vitamin C và khoáng vào thức ăn để tăng sức đề kháng. Các lồng thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm cần thu hoạch tỉa để bán, đồng thời giảm mật độ đảm bảo cho thủy sản sinh trưởng.

Chi cục Thủy sản tỉnh nhận định, vụ nuôi thủy mới, đại trà đang trong giai đoạn giao mùa nên có sự biến động khá lớn về nhiệt độ, đặc biệt chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn. Việc cải tạo ao hồ cũng thải ra một lượng lớn nước bùn, dòng chảy trong đầm phá kém... sẽ tăng nguy cơ dịch bệnh và các yếu tố bất lợi cho thủy sản nuôi.

TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo, với các lồng, ao hồ đã thả giống, đang nuôi cần tăng cường các biện pháp chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Các ao hồ chuẩn bị nuôi, người dân phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật tốt nhất trong khâu chuẩn bị ao hồ (dành diện tích chứa lượng bùn thải trong cải tạo), chọn giống cẩn thận, an toàn. Giống trước khi thả phải qua các khâu kiểm dịch, kiểm tra bằng máy PCR; kiểm tra môi trường nước trong ao trước khi thả nuôi bằng test kit (bộ dụng cụ kiểm tra hoá học)... nhằm đảm bảo các yếu tố “đầu vào” trong giới hạn thích hợp nhất.

Theo ông Bình, qua kiểm tra tại 2 điểm vùng nước cấp ven biển huyện Phong Điền và 10 điểm vùng đầm phá đều có các chỉ tiêu môi trường nước đảm bảo để thả nuôi các đối tượng thủy sản. Tuy nhiên, tại một số điểm thuộc các xã Giang Hải, Vinh Hưng, Vinh Mỹ (Phú Lộc) có độ mặn tương đối thấp (7%0). Vậy nên, người dân phải lấy nước vào ao nuôi lúc thời điểm đỉnh triều cao, tránh chênh lệch độ mặn lớn ảnh hưởng đến vật nuôi.

Đối với các ao chuẩn bị thả giống phải cân bằng độ mặn, tương đồng giữa nước trong bao giống (từ trại sản xuất, ương dưỡng) với ao nuôi nhằm đảm bảo đạt tỷ lệ sống cao. Sau khi thả giống phải thường xuyên, tích cực theo dõi sức khỏe vật nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời các dấu hiệu bất thường.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top