ClockChủ Nhật, 03/01/2016 10:54

8X làm lãnh đạo

TTH.VN - Trẻ, năng động, nhiệt tình, có trình độ chuyên môn tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng… là những điều chúng tôi ghi nhận được khi tiếp xúc với những cán bộ trẻ đang giữ cương vị bí thư, chủ tịch các xã, phường trên địa bàn tỉnh. Họ đang từng ngày trưởng thành, bảo đảm tính kế thừa trong bộ máy Nhà nước.
 Chị Lê Thị Thanh Bình tặng quà cho giáo dân nhân dịp giáng sinh

Cái gì có lợi cho dân thì làm

Cuộc trò chuyện giữa tôi với Bí thư Đảng ủy phường An Đông (TP Huế) Lê Thị Thanh Bình liên tục bị gián đoạn bởi có khá nhiều người dân, bí thư các chi bộ đến gặp xin ý kiến, hỏi cách thức họp kiểm điểm đảng viên cuối năm... Nhìn chị Bình nhiệt tình, niềm nở hướng dẫn tận tình từng người một, chúng tôi hiểu thêm vì sao nữ bí thư trẻ tuổi này lại nhận được nhiều lời khen.

Chị Bình là một trong những lãnh đạo cấp phường thế hệ 8x có thâm niên cao nhất trên địa bàn tỉnh. Chị được bầu giữ cương vị Bí thư Đảng ủy phường An Đông từ năm 2009, lúc mới 29 tuổi. Trước đó chị từng là Thường trực Đảng ủy, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân phường lúc mới 25 tuổi. Chị Bình cho rằng, chị may mắn được chồng ủng hộ và ba mẹ hậu thuẫn; trong công việc có các cô chú cán bộ lão thành dìu dắt. Thế nhưng vẫn không ít lần chị cảm thấy hụt hẫng. Những lần họp đảng bộ, thấy đảng viên chưa mạnh dạn nói hết nỗi niềm, bức xúc chị lại thấy không hài lòng với bản thân. Chị đi gặp từng cán bộ lão thành, hỏi chuyện từng người về tình hình địa phương, cách thức phát triển kinh tế lẫn việc tiếp xúc người dân. “Làm sao để dân tin” là câu hỏi thường trực trong lòng chị, theo chị vào giấc ngủ mỗi đêm. Thế nên đưa ra bất cứ quyết định nào, chị cũng quan tâm đến tâm tư người dân, lắng nghe ý kiến của từng người. Chị Bình kể, ở phường, tất cả các cuộc họp tổ dân phố, chi bộ thôn đều được tổ chức vào ban đêm, nhưng khi được mời chị chưa bao giờ vắng mặt. Thậm chí, sau cuộc họp, chị còn ngồi lại trò chuyện, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân. Qua đó, chị biết dân đang nghĩ gì, đang muốn gì, đang băn khoăn, thắc mắc điều gì... Trở về phường chị tỉ mẩn ghi lại từng việc rồi lần lượt giải quyết. Chẳng hạn, thấy dân quá thiệt thòi với giá đền bù khi giải tỏa dọc bờ sông An Cựu, chị đã kiên trì kiến nghị lên cấp trên và cuối cùng người dân đã được bù thêm 30% so với giá đền bù ban đầu...

Dạo quanh các tuyến đường chính trên địa bàn phường Thuận Thành như Nhật Lệ, Mai Thúc Loan..., chúng tôi thấy tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè hầu như không còn. Hay mỗi lần tới bộ phận một cửa của phường công chứng giấy tờ, người dân trong và ngoài phường luôn được đón tiếp niềm nở, mọi thủ tục đều được được giải quyết nhanh chóng. Trung bình mỗi tháng bộ phận công chứng của phường Thuận Thành thu được trên 10 triệu đồng tiền phí công chứng. Đây là hai trong nhiều thành quả rõ nét mà nữ Chủ tịch UBND phường Thuận Thành sinh năm 1980 Hoàng Thị Như Thanh đạt được và được người dân đồng tình ủng hộ. Bên cạnh công việc chị cũng không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc, hiện chị đã có bằng thạc sĩ.

Lăn lộn với công việc

Ông Cái Vĩnh Tuấn, UVTV Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nội vụ đánh giá: “Hiện nay, số người trẻ có trình độ đại học, thạc sĩ đảm nhận các vị trí lãnh đạo cấp xã, phường ngày càng tăng và đội ngũ này đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, tích cực bám sát cơ sở, năng động giải quyết công việc là điều đáng mừng. Quy hoạch, đào tạo và tạo môi trường để cán bộ trẻ có điều kiện được rèn luyện trưởng thành, phát huy được sức trẻ, trí tuệ trong xây dựng và phát triển quê hương là hướng đi đúng cần được các cấp ủy mạnh dạn và kiên trì thực hiện với quyết tâm cao”.

Sinh năm 1982, anh Hồ Viết Lương, dân tộc Pa Kô xã Hồng Vân, huyện A Lưới, được phân công về làm Bí thư Đảng ủy xã Hồng Hạ đầu năm 2014 và từ tháng 7/2015 được bầu là Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ. Dù không phải là dân bản địa, nhưng từ 2 năm nay, người dân xã Hồng Hạ quen thuộc với hình ảnh vị chủ tịch trẻ luôn lăn xả cùng dân.

Với lòng say mê công việc và không ngại khó, ngại khổ, ngoài công việc ở ủy ban nhân dân xã, anh dành nhiều thời gian xuống tận làng bản, vào từng nhà tuyên truyền vận động giải thích và cùng làm giúp dân. Đích thân anh đưa người dân đi học hỏi tham quan mô hình chăn nuôi, phát triển kinh tế để họ thấy được hiệu quả của việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi. Kế hoạch trong nhiệm kỳ được anh Lương quyết tâm thực hiện là lãnh đạo khai thác có hiệu quả thế mạnh 700 ha đất rừng; tận dụng các khe suối Pârle Hương Điền xây dựng các điểm du lịch sinh thái, phát triển dịch vụ; chuyển đổi một số vật nuôi cây trồng phù hợp để nâng cao thu nhập cho người dân.

Cũng nhờ lăn xả với công việc, anh Hồ Văn Rao, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân đã thay đổi được tập quán canh tác chăn nuôi truyền thống lạc hậu của người dân. Tốt nghiệp Khoa Nông học, Trường đại học Nông Lâm Huế, anh Rao đã vận dụng những kiến thức học được đến từng hộ dân vận động, hướng dẫn họ thay đối tập quán canh tác để mang lại hiệu quả.

Bằng tư duy sáng tạo, năng động, dám nghĩ, dám làm cộng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, những cán bộ lãnh đạo thế hệ 8X đang từng ngày nỗ lực làm thay đổi diện mạo địa bàn mình phụ trách, được người dân tin yêu.

 

Bài, ảnh: Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại A Lưới

Ngày 20/1, Thượng tướng, PGS.TS.Trần Việt Khoa, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Giám đốc Học viện Quốc phòng cùng Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã đến viếng, dâng hương, hoa, tri ân các anh hùng liệt sĩ trên địa bàn huyện A Lưới.

Dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại A Lưới
Return to top