ClockThứ Sáu, 02/10/2020 14:15

A Lưới vui từng ngày

TTH - Hỏi những người đã sống trọn bảy, tám thập kỷ về sự thay đổi của A Lưới, họ đều nhấn mạnh hai chữ “khác lắm”. Cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi nên người dân không chỉ còn quẩn quanh với nương rẫy, kiểu tự cung tự cấp…

Tập huấn kỹ năng phục vụ khách du lịch cho người dân A LướiHàng trăm thiếu nhi A Lưới cùng vui trung thu

Trung tâm thị trấn A Lưới được đầu tư khang trang

Đổi thay 

Đứng ở dốc núi cao nhìn xuống những thôn, bản xã Trung Sơn sau chiều mưa vừa dứt, cảnh quê ở A Lưới bình yên không chỉ từ khói bếp bảng lảng bay lên quyện vào ráng chiều, mà còn cảnh nhộn nhịp của người dân đi làm về, con cái ra tận ngõ để đón.

A Lưới mùa hè hầu như chiều nào cũng có mưa dông. Trong ký ức của những người dân bản địa, cảnh nhộn nhịp như vừa kể gần chục năm trước vẫn còn ít, bởi đường sá lầy lội, mỗi lần đi làm về là cả xe lẫn người đều lấm bùn đất.

Từ Chương trình 135, nông thôn mới, nguồn vốn trung, dài hạn hỗ trợ vùng cao và những nỗ lực của địa phương, cơ sở hạ tầng, giao thông được đầu tư sửa sang, làm mới. Cùng với việc ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các công trình đô thị, 5 năm qua, tại huyện A Lưới đã cứng hoá 305,7 km đường gồm các tuyến đường huyện, đường xã, đường liên xã, liên thôn, đường nội đồng, đường vào các khu sản xuất. Đồng thời, kêu gọi hỗ trợ xi măng để xã bê tông hóa đường liên thôn, ngõ xóm. Tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 94,2%...

Giao thông thuận lợi thúc đẩy phong trào làm kinh tế của người dân địa phương. Ông Hồ Văn Dần, trú ở xã Hồng Bắc kể, ở miền quê này, cây hồng đã có thương hiệu. Nhiều năm trước, khi đường sá chưa thuận lợi như bây giờ, không nhiều thương lái tới mua. Xa chợ lớn, đường lại không “đẹp” nên có mùa, bà con dân làng chấp nhận để hồng rụng đầy vườn.

“5 – 7 năm trở lại khác hẳn. Đến mùa, họ mang ra chợ bán, thương lái cũng tới mua chở về miền xuôi. Thấy làm ăn kinh tế được, không chỉ cây hồng mà người dân còn cố gắng trồng, chăm sóc những cây rau, quả khác để kiếm thêm thu nhập”, ông Dần kể.

Hơn ai hết, những người trẻ cảm nhận rõ lợi ích sau sự đổi thay. Anh Lê Minh Hàn, ở xã Trung Sơn chia sẻ: “Ban đầu mình chủ yếu làm nương rẫy. Khi cơ sở hạ tầng, đường sá thuận lợi, mình làm thêm nghề mộc, thường xuyên về thành phố mua máy móc rồi nhận làm mộc khắp nơi, chở hàng đi cũng thuận tiện. Nương rẫy cho cái ăn, nhưng để tích lũy, những nghề tay trái dường như trở thành nghề tay phải”.

Chưa có thống kê cụ thể về số người dân sống bằng các nghề thủ công mỹ nghệ, kinh doanh, thương mại tại A Lưới, tuy nhiên theo ông Hồ Văn Hiếu, người đã gắn bó miền sơn cước này hơn 70 năm thì số cơ sở kinh doanh ở các địa phương tại huyện A Lưới mọc lên khá nhiều và duy trì tốt những năm gần đây, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh, thương mại, dịch vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh. “Chỉ có mua ô tô, người dân mới phải xuống phố. A Lưới bây giờ có đủ cả, tiện lợi cho cuộc sống người dân”, ông Hiếu nửa đùa, nửa thật.

Xây dựng A Lưới giàu, đẹp

Tuy A Lưới có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng tỷ lệ hộ nghèo của huyện vẫn cao là nỗi trăn trở của không ít người. Nói như Bí thư huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu, thu nhập là nền tảng, nếu thu nhập không đáp ứng nhu cầu thiết yếu dễ dẫn đến tái nghèo và nhiều bất ổn khác.

Nỗi lo ấy giờ đây không chỉ nằm trong suy nghĩ của những cán bộ, người dân địa phương mà vừa qua đã được đưa vào Nghị quyết và chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện A Lưới nhiệm kỳ 2020 – 2025. Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện, A Lưới đang lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ để xây dựng quê hương đẹp hơn về văn hóa, mạnh hơn về kinh tế. Thông qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông để thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và hoạt động làm ăn kinh tế của người dân, nhất là khi 5 năm tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại các xã; chú trọng đầu tư vào các xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn chưa đạt tiêu chí nông thôn mới về giao thông, hạ tầng thương mại, nhà ở.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, bên cạnh đầu tư, đa dạng hóa các loại hình du lịch, huyện cũng sẽ chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh, khai thác kinh tế các cửa khẩu, khai thác có hiệu quả chợ Bốt Đỏ, chợ trung tâm A Lưới. Đồng thời, triển khai xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao A Lưới, là nơi trao đổi, giao thương các mặt hàng nông sản, đặc sản của đồng bào các dân tộc thiểu số. Cùng với phát triển chợ, hệ thống cửa hàng thương mại, siêu thị mini, huyện cũng sẽ được quan tâm đầu tư, khuyến khích các hộ dân ở các trục đường chính, khu vực đông dân cư đầu tư, phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ, giúp nâng cao khả năng cung ứng và tiêu thụ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, thúc đẩy trao đổi hàng hóa.

Đáng mừng hơn, với cơ sở hạ tầng, giao thông ngày càng tốt, huyện sẽ có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, tái đầu tư kinh doanh dịch vụ, nhất là những dịch vụ còn thiếu và yếu như khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng. Quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân…

Lãnh đạo huyện A Lưới tin tưởng, từ bộ mặt hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, nếp nghĩ của người dân sẽ thoát khỏi những đè nặng âu lo về sinh kế. Họ sẽ nhập cuộc tốt hơn trong cuộc mưu sinh, đẩy lùi nguy cơ tái nghèo.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao 18 suất quà đến gia đình có nạn nhân bị tai nạn giao thông

Chiều 20/11, ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cùng đại diện các ban, phòng, đơn vị chức năng liên quan đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình có nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) hiện đang gặp hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Trao 18 suất quà đến gia đình có nạn nhân bị tai nạn giao thông
“Ấm tình mùa đông” hỗ trợ phụ nữ khó khăn xã biên giới Hồng Bắc

Ngày 18/11, tại Nhà văn hóa xã Hồng Bắc (A Lưới), Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp Trường tiểu học Phường Đúc (TP.Huế) tổ chức chương trình “Ấm tình mùa đông” lần thứ 9 năm 2024, hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

“Ấm tình mùa đông” hỗ trợ phụ nữ khó khăn xã biên giới Hồng Bắc
Thanh niên với an toàn giao thông

Sáng 16/11, Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Ban thanh niên Công an tỉnh, Công ty Honda Lộc Thịnh tổ chức Ngày hội “Thanh niên với an toàn giao thông” năm 2024 dành cho học sinh, sinh viên Trường cao đẳng Huế.

Thanh niên với an toàn giao thông
Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đặc thù

Ngày 15/11, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện A Lưới tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm 1 năm thực hiện Đề án 2036 “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang Quân khu 4 ở vùng đặc thù trên địa bàn huyện A Lưới giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”.

Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đặc thù

TIN MỚI

Return to top