Ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện, người lái (Tổng cục Đường bộ VN) đã cho biết như vậy khi trao đổi với Báo Giao thông về công tác chuẩn bị cấp loại GPLX này từ 1/10 tới.
Có GPLX quốc gia mới được cấp GPLX quốc tế
GPLX quốc tế mang lại những lợi ích gì cho người được cấp, đến nay Tổng cục Đường bộ VN đã chuẩn bị những gì để cấp loại GPLX này, thưa ông?
GPLX quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi công tác, học tập hoặc định cư ở nước ngoài. Trước đây, khi chưa có loại GPLX này, người ra nước ngoài sinh sống, công tác, học tập bắt buộc phải đổi sang GPLX của nước sở tại mới được phép lái xe. Khi có GPLX quốc tế, họ sẽ không phải đổi nữa mà có thể sử dụng để điều khiển phương tiện tại tất cả các nước (85 quốc gia) có tham gia Công ước về giao thông đường bộ năm 1968 (gọi tắt là Công ước Viên).
Để chuẩn bị cho việc cấp GPLX quốc tế, hiện Tổng cục đang gấp rút hoàn thành các thủ tục chọn nhà thầu, cung cấp phần mềm, thiết bị, xác định giá thành, tổ chức tập huấn đối với tất cả các Sở GTVT. Theo quy định, các Sở GTVT có yêu cầu đều tổ chức cấp được GPLX quốc tế. Tuy nhiên, do nhu cầu không nhiều nên chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… nhưng việc tập huấn vẫn được thực hiện trên toàn quốc. Tất cả các công đoạn này dự kiến sẽ được hoàn thành trong tháng 10/2015.
Sau khi đã chuẩn bị hết các công đoạn trên, Tổng cục Đường bộ VN sẽ đề xuất Bộ GTVT và Bộ Tài chính ban hành mức lệ phí cấp GPLX quốc tế. Dự kiến, mức phí cũng sẽ tương tự với mức phí cấp đổi GPLX bằng vật liệu PET như hiện nay. Đây cũng là công đoạn mất nhiều thời gian, vì theo quy định sẽ phải mất ít nhất 40 ngày để Thông tư 29 quy định về cấp GPLX quốc tế có hiệu lực thi hành.
Ông Nguyễn Thắng Quân
Để được cấp loại GPLX quốc tế, người được cấp cần phải hội đủ những điều kiện gì và quy trình được thực hiện ra sao?
Điều kiện được cấp là những người Việt Nam hoặc người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam, đã có GPLX bằng chất liệu PET của Việt Nam. Lý do phải có GPLX làm bằng chất liệu PET vì chỉ có loại này mới có thể tra cứu, xác minh dữ liệu nhanh và có tính xác thực cao.
Người có nhu cầu sẽ đến cơ quan quản lý là Sở GTVT làm thủ tục bình thường như các loại GPLX khác và sau 5 ngày nếu được xác định là đủ điều kiện sẽ được cấp GPLX quốc tế.
Khi đến làm GPLX quốc tế, người dân phải có hộ chiếu (photo), GPLX vật liệu PET, đơn xin cấp theo mẫu, ảnh kèm theo đơn. Đối với người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam, phải có thẻ cư trú định cư lâu dài tại Việt Nam.
GPLX quốc tế sẽ chỉ sử dụng khi ra nước ngoài
Vậy loại GPLX này có được sử dụng thay cho loại GPLX trong nước hay không, thưa ông?
GPLX quốc tế chỉ có hiệu lực khi mang ra nước ngoài mà cụ thể ở đây là tại các quốc gia tham gia Công ước Viên. Khi ra nước ngoài, người sử dụng phải mang cả GPLX quốc gia và quốc tế để đối chiếu. Đây là những quy định theo Công ước Viên.
Để giúp người dân biết được các nước tham gia Công ước Viên, Tổng cục Đường bộ VN sẽ công bố danh sách các nước trên trang Thông tin điện tử của Tổng cục trong thời gian tới.
Theo Thông tư 29, mẫu GPLX là dạng sổ và có khổ khá lớn sẽ rất bất tiện khi cất giữ, mang theo người. Ông có thể lý giải vì sao loại GPLX này lại được thiết kế khổ như vậy?
GPLX quốc tế sẽ có khổ A6 (148mm X 105mm), khổ lớn hơn cả hộ chiếu. Đây là theo quy mẫu chung của các nước tham gia công ước Viên và chúng ta phải tuân theo.
GPLX quốc tế sẽ không có hiệu lực trong lãnh thổ Việt Nam mà chỉ phục vụ khi ra nước ngoài, cụ thể là tại các nước có tham gia Công ước Viên. Để được cấp GPLX quốc tế, người được cấp phải có GPLX quốc gia rồi mới được chuyển sang GPLX quốc tế và chỉ sử dụng tại các vùng lãnh thổ bên ngoài Việt Nam. Chẳng hạn những người có hai quốc tịch cả Việt Nam và Nga, dù được cấp GPLX này tại Việt Nam nhưng khi trở về Nga họ cũng sẽ không được sử dụng GPLX quốc tế mà phải sử dụng GPLX do Nga cấp bởi về bản chất họ vẫn là người Nga.
GPLX quốc tế sẽ có khổ A6 (148mm x 105 mm) - Ảnh: Tiến Mạnh
Ông có thể cho biết công nghệ thực hiện việc cấp GPLX quốc tế có gì đặc biệt và tính bảo mật của nó ra sao?
Về mặt công nghệ, không có vấn đề gì phức tạp bởi chúng tôi đã triển khai việc cấp GPLX theo cấp độ 3 và bằng vật liệu PET nên dây chuyền công nghệ của loại GPLX quốc tế này cũng tương tự như vậy. Chỉ có một điểm khác là GPLX quốc tế sẽ được in bằng giấy, theo dạng sổ nên cần phải có máy in đặc chủng.
Để bảo đảm tính bảo mật, tránh bị làm giả, tẩy xóa, GPLX quốc tế sẽ được phủ một lớp bảo an lên toàn bộ phần thông tin chính gồm: Ảnh, thông tin các hạng GPLX, chữ ký... Bên cạnh đó, các thông tin về các hạng GPLX sẽ được thể hiện tương ứng với các hạng GPLX của Việt Nam.
Do thời gian đầu nhu cầu được dự đoán là chưa cao nên việc đầu tư hệ thống cấp GPLX này sẽ chủ yếu tập trung tại một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng. Mỗi nơi cũng chỉ đầu tư từ 1 - 2 dây chuyền. Tuy nhiên, nhu cầu này sẽ ngày càng tăng và sau này địa phương nào có nhu cầu sẽ tiếp tục mở rộng để phục vụ nhu cầu của người dân. Với tình hình hiện nay, nếu công dân ở các tỉnh chưa có, phải về các thành phố lớn để thực hiện việc cấp đổi.
Cảm ơn ông!
Theo Báo Giao thông