ClockThứ Hai, 16/11/2015 09:46

AIPA thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết vì nhân dân

TTH.VN - Thông qua vai trò cầu nối, các nghị sỹ AIPA giúp người dân hiểu rõ hơn về các phương hướng, biện pháp xây dựng Cộng đồng ASEAN, huy động sự hỗ trợ, đóng góp của nhân dân ASEAN vào tiến trình đó.


Trưởng đoàn các nước chụp ảnh chung tại Lễ khai mạc AIPA-35. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Các vấn đề an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội có tác động tới người dân nói riêng và tới Cộng đồng ASEAN nói chung, được chuyển tải tới lãnh đạo chính phủ, nhà nước các quốc gia thành viên.

Giải quyết các vấn đề xã hội

AIPA thúc đẩy mạnh mẽ sự quan tâm và giải quyết các vấn đề xã hội thông qua cơ chế trao đổi chuyên sâu và các cuộc họp của Ủy ban chuyên đề về các vấn đề xã hội, trong đó có hợp tác về giáo dục, văn hóa, y tế, nâng cao vai trò của phụ nữ trong ASEAN, bảo vệ quyền trẻ em, môi trường, tội phạm xuyên quốc gia, lao động, nhập cư, xóa đói giảm nghèo và vấn đề ma túy. AIPA cho rằng để đạt được một trong những mục tiêu của ASEAN vì thịnh vượng, cần tăng cường phát triển kinh tế-xã hội với trọng tâm thúc đẩy công bằng xã hội và cải thiện điều kiện sống trong khu vực.

AIPA góp phần tạo sự đồng thuận cao giữa các thành viên trong thực hiện các giải pháp xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, ngăn chặn lạm dụng lao động trẻ em, phòng chống nạn buôn bán trái phép và sử dụng ma túy, ngăn chặn sự lan truyền nhanh chóng của các bệnh dịch, đấu tranh phòng chống các tội phạm xuyên quốc gia, hợp tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại của thiên tai, phòng chống tham nhũng và tăng cường môi trường an ninh khu vực.

Thúc đẩy việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong ASEAN ở mọi cấp độ phát triển, AIPA đã thành lập một thiết chế, đó là Hội nghị nữ nghị sỹ với chương trình nghị sự và chương trình họp trong khuôn khổ của mỗi kỳ Đại hội đồng. Điều này tạo cơ hội cho các nữ nghị sỹ được tham gia vào các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và các vấn đề khác trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng AIPA.

AIPA cũng cho rằng trẻ em cần được đặc biệt bảo vệ và kêu gọi tiếp tục cải thiện tình trạng của trẻ em trên toàn thế giới; thúc giục các nước ASEAN hợp tác với nhau và với các thiết chế khác trong việc thực thi các chương trình bảo vệ trẻ em và thúc đẩy quyền trẻ em. AIPA nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, tăng cường hợp tác nội khối ASEAN nâng cao năng lực quản lý của các nước trong khu vực.

Nỗ lực của AIPA trong lĩnh vực văn hóa là đề nghị Ủy ban văn hóa và thông tin của ASEAN tăng cường và tổ chức các cuộc họp và hội thảo chuyên đề tại từng nước thành viên về các giá trị văn hóa gắn bó với người dân, nhằm tăng cường hiểu biết hơn nữa giữa nhân dân ASEAN; đồng thời hợp tác giáo dục, tuân thủ Hiến chương về mạng lưới đại học ASEAN nhằm thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực.

Hướng tới người dân, vì người dân

Với vai trò là cơ quan đại diện cho nhân dân ASEAN, thông qua các cơ chế đối thoại, AIPA có thể truyền tải những mong muốn, nguyện vọng, kiến nghị của người dân ASEAN tới các cơ quan chức năng của ASEAN, qua đó hướng hợp tác ASEAN phục vụ người dân được tốt hơn, đáp ứng mục tiêu của Cộng đồng ASEAN lấy người dân làm trung tâm.

Phát huy vai trò giám sát quốc gia của nghị viện các nước thành viên ASEAN, AIPA có thể giám sát việc tuân thủ, thực hiện các thỏa thuận chung của ASEAN ở quốc gia mình, từ cấp Trung ương tới cấp bộ, ngành, địa phương. AIPA có thể kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chuẩn mực, giá trị chung mà ASEAN đặt ra, như chuẩn mực về chính trị, thực hiện các quyền dân chủ, bảo đảm minh bạch đến các tiêu chuẩn về kinh tế, chuẩn mực về văn hóa-xã hội...

Đại diện cho nhân dân ASEAN, thực hiện chức năng đối ngoại nghị viện với các nước đối tác bên ngoài ASEAN, AIPA có thế mạnh trong việc phát huy vai trò đối thoại nghị viện, giúp ASEAN vươn đến các đối tác qua kênh đối thoại đặc biệt này. Thông qua các cơ quan nghị viện, AIPA thúc đẩy ngoại giao nhân dân và đem tiếng nói của người dân ASEAN ra bên ngoài. Có thể nói, AIPA là một công cụ ngoại giao bổ trợ rất hữu dụng cho kênh ngoại giao chính thức.

Bên cạnh đó, với chức năng xây dựng pháp luật, AIPA có thể nâng cao vai trò xây dựng môi trường thể chế và pháp lý đầy đủ hơn, bảo đảm thực thi các mục tiêu của ASEAN. AIPA tăng cường hợp tác trong các thủ tục ngân sách, đồng thời giám sát việc sử dụng nguồn ngân sách bảo đảm với các mục tiêu đề ra, đề xuất các sáng kiến chính sách cho tổ chức liên chính phủ ASEAN...

AIPA còn nỗ lực tạo dựng mặt trận thống nhất hơn đối phó với các thách thức trong môi trường khu vực hiện nay có tác động trực tiếp đến người dân như bệnh tật lây nhiễm, ô nhiễm môi trường... Thông qua các hoạt động này, nhân dân ASEAN vừa nâng cao nhận thức về tổ chức ASEAN và về Cộng động ASEAN, vừa dần tạo dựng được tinh thần khu vực và bản sắc riêng của ASEAN, là cơ sở lâu dài cho sự phát triển bền vững của Cộng đồng ASEAN.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam Ngô Đức Mạnh, là cơ quan đại diện cho nhân dân các nước trong khu vực, AIPA có vai trò quan trọng không thể thiếu trong việc thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Trên thực tế, AIPA đã có những đóng góp quan trọng vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị, tạo lập môi trường hòa bình cho sự hợp tác, phát triển về mọi mặt giữa các nước trong khu vực; góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển văn hóa, hỗ trợ tích cực chính phủ các nước trong việc thực hiện hiệu quả các hoạt động hợp tác liên quốc gia; khuyến khích giữ gìn bản sắc dân tộc; hỗ trợ tăng cường năng lực hoạt động của nghị viện các nước thành viên và mở rộng hợp tác với các đối tác bên ngoài nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân các nước.

“Với mục tiêu hướng tới người dân, vì người dân, nhiệm vụ xây dựng Cộng đồng ASEAN không chỉ là trách nhiệm của các chính phủ mà còn đòi hỏi sự tham gia và hợp tác rộng rãi của các loại hình tổ chức và cá nhân trong xã hội, trong đó có Quốc hội các nước nói riêng và AIPA nói chung,” Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ngô Đức Mạnh nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, AIPA tiếp tục phát huy vai trò của mình thúc đẩy, hỗ trợ và giám sát các chính phủ thành viên ASEAN thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng sau năm 2015; khuyến nghị các chính phủ hoạch định các chính sách quốc gia tính đến tính toàn diện, sự tham gia của mọi thành phần và yếu tố phát triển bền vững. Chỉ như vậy mới có thể đóng góp một cách thiết thực vào việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết vì người dân, lấy người dân làm trung tâm.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng:
Huế phải lấy nền tảng văn hóa, con người để trở thành nguồn lực

Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024), ngày 5/11, ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đến dự, chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (ĐĐKTDT) tại tổ dân phố 11, phường Kim Long, TP. Huế.

Huế phải lấy nền tảng văn hóa, con người để trở thành nguồn lực
Khởi công nhà nhân ái tại xã Điền Hải

Ngày 5/11, Hội Thầy thuốc trẻ, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh phối hợp cùng Đoàn thanh niên Bệnh viện Trung ương Huế, Huyện Đoàn Phong Điền tổ chức khởi công nhà nhân ái cho gia đình ông Lê Văn Nuôi (xã Điền Hải, Phong Điền).

Khởi công nhà nhân ái tại xã Điền Hải
Những nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 4: Thực hiện cơ chế đặc thù, mở ra cơ hội phát triển

Nhiều năm qua, Quốc hội đã quan tâm, ban hành nhiều nghị quyết (NQ), kết luận quan trọng để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế, đặc biệt là NQ số 38/2021/QH15 ngày 13/11/2021 (NQ 38) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là công cụ pháp lý, nền tảng và đòn bẩy quan trọng giúp tỉnh phát triển kinh tế - xã hội.

Những nghị quyết “Thuận lòng trời - Hợp lòng người” và dấu ấn kiến tạo - Kỳ 4 Thực hiện cơ chế đặc thù, mở ra cơ hội phát triển
Return to top