ClockThứ Tư, 31/10/2018 11:10

Những “cột mốc sống” giữa đại ngàn Trường Sơn

TTH.VN - Nhiều già làng, trưởng bản ở A Lưới là đảng viên nhiều năm tuổi đảng đã trở thành những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ biên giới, vun đắp tình hữu nghị láng giềng, góp phần tạo những chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

1. Không chỉ tự nguyện tham gia tuần tra bảo vệ biên giới, bảo vệ cột mốc, già làng Quỳnh Tin ở thôn Ka Cú 1, xã Hồng Vân (huyện A Lưới) còn vận động con cháu trong dòng họ và bà con các dân tộc trong vùng tích cực cùng bộ đội biên phòng tham gia giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới. Là một trong những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, lời nói, việc làm của già làng Quỳnh Tin luôn được bà con dân tộc thiểu số tin tưởng và làm theo. Vì vậy, nhiều năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thôn Ka Cú 1 và xã Hồng Vân luôn giữ vững ổn định. Đồng bào các dân tộc nơi đây xem bộ đội biên phòng là anh em, là con một nhà, cùng nhau nâng cao trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn an ninh biên giới quốc gia.

Từ gương Già làng Quỳnh Tin, mỗi người dân ở biên giới Hồng Vân đều trở thành một "chiến sĩ biên phòng"

Không cần ai khen, chẳng cần ai thưởng, già làng Quỳnh Tin cứ chăm chút cho các cột mốc biên giới như chăm chút cho chính ngôi nhà của mình. Lúc thì phát quang cỏ dại, lúc lại bê từng tảng đá chắn đất quanh chân đế cột mốc để chống bị sạt lở. Già tự nguyện giúp đỡ Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân bằng việc vận động bà con, vận động con cháu trong gia đình, dòng họ và người dân trong thôn tham gia bảo vệ biên giới, cột mốc do đồn phụ trách.

Tuyến biên giới thuộc địa bàn thôn Ka Cú 1 khá rộng, đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc Pa Cô. Không quản ngại khó khăn, không kể trời nắng hay mưa, già Quỳnh Tin đến từng nhà, lên tận các nương rẫy để giới thiệu cho bà con trong bản nắm vững vị trí, lịch sử, các dấu hiệu thực địa của đường biên, cột mốc trong phạm vi mình tự quản, đặc biệt tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của gia đình, cộng đồng và xã hội khi tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc. Đồng thời, nhắc nhở bà con đề cao cảnh giác trước âm mưu chống phá khối đại đoàn kết các dân tộc.

Mỗi khi đến từng gia đình tuyên truyền về bảo vệ đường biên, cột mốc, già thường ví von: “Bảo vệ đường biên, cột mốc cũng giống như bảo vệ bờ rào ở mỗi gia đình mình vậy!”. Với cách truyền đạt đơn giản, dễ hiểu ấy, bà con trong bản hiểu vấn đề rất nhanh và nhiệt tình tham gia cùng Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới.

“Biên giới quốc gia là bất khả xâm phạm, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới là trách nhiệm của toàn dân. Mình nay tuy tuổi đã hơn 75 mùa rẫy nhưng vì là đảng viên gần 50 năm tuổi đảng nên phải gắng sức làm gương, tích cực tuyên truyền vận động bà con để đóng góp một phần công sức của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng khu vực biên giới quê hương ngày càng giàu đẹp” – Già Quỳnh Tin tâm sự.

Qua câu chuyện với Thượng tá Hồ Triệu Long, Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, chúng tôi còn được biết già Quỳnh Tin đã thường xuyên cùng với cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng vận động bà con, nhân dân trong thôn tham gia tiến hành phát quang đường tuần tra biên giới, xung quanh khu vực các cột mốc. Trong mỗi lần đi phát quang, già lại trực tiếp giải thích cho mọi người về đường lối chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước về định canh, định cư, vai trò quan trọng của công tác bảo vệ, tôn tạo, tăng dày hệ thống mốc quốc giới; đồng thời, tuyên truyền để bà con biết kịp thời báo cho chính quyền ngăn chặn khi có hành vi nhập cư trái phép.

Tổ tự quản ở xã Hồng Vân phối hợp với tổ công tác biên phòng tổ chức tuần tra đường biên, cột mốc

Đến nay, 100% hộ gia đình ở thôn Ka Cú 1 ký cam kết tham gia tự quản, bảo vệ đường biên, cột mốc. Hệ thống dấu hiệu đường biên được quản lý, giữ gìn. Hàng tháng các tổ tự quản phối hợp với tổ công tác biên phòng tổ chức tuần tra dọc đường biên, cột mốc. Do được bồi dưỡng kiến thức về hoạt động tự quản, khi có hiện tượng lạ, hoặc người lạ xuất hiện, bà con liền báo ngay với cơ quan chức năng. Từ sự tận tình của Già làng Quỳnh Tin, có thể nói ở biên giới Hồng Vân mỗi người dân đều trở thành một chiến sĩ biên phòng.

2. Già làng Nguyễn Minh Sang năm nay đã gần 60 tuổi, hơn 30 năm tuổi đảng nhưng trông vẫn tráng kiện, tinh nhanh đến lạ. Người dân bản A Tin, xã A Đớt (huyện A Lưới) thường ví ông chỉ xem việc bảo vệ và vun đắp tình hữu nghị trên biên giới là công việc thường nhật.

Già Nguyễn Minh Sang (bìa trái) cùng bộ đội biên phòng tuyên truyền cho thanh niên trong bản về bảo vệ biên giới

Bản A Tin và bản Ka Lô (huyện Kà Lùm, tỉnh Kê Kông, Lào) chỉ cách nhau vài quả đồi nhưng đường đi rất cách trở. Bà con nơi đây vốn có quan hệ thân tộc lâu đời. Từ khi phân chia biên giới, hai bản có một số vấn đề cần được quan tâm giải quyết như xâm canh, xâm cư, không đăng ký kết hôn khác quốc tịch, khai thác lâm thổ sản trái phép... Trước tình hình ấy, già Sang cùng những người trong bản đã ngồi lại bàn cách tháo gỡ.

Chỉ bằng lời nói thì chẳng thể làm nên chuyện, nghĩ vậy, già Sang cùng bà con trong bản A Tin và cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt lặn lội sang bản Ka Lô giúp bạn vỡ đất trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình. Hành trang mang theo là những câu chuyện về tình cảm gắn bó keo sơn Việt – Lào. Bên bếp lửa nhà sàn, già Sang và nhân dân bản Ka Lô có dịp kể lại câu chuyện về cuộc chiến mình từng tham gia để góp phần giải phóng nước bạn Lào. Cứ thế, tình hữu nghị giữa hai bên càng thắm đượm lại.

Không ngần ngại trước gian khó, ở đất bạn, già Sang cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu A Đớt làm việc quần quật suốt ngày, nhiều hôm trời tối mịt mới trở về. Từng đi nhiều, biết rộng, ông tư vấn giúp dân bạn trồng sắn, chuối và keo tai tượng ở các ngọn đồi cao. Vùng bình địa được tận dụng để trồng lúa, cây ăn quả, nuôi các loại gia súc, gia cầm và đào ao thả cá…

Nắm bàn tay chai sần của già Sang, trưởng bản Ka Lô, ông Son Chăn ân cần chia sẻ: “Bà con bản A Tin đến với chúng tôi bằng tấm lòng nên dân bản Ka Lô rất quý. Giờ, dân hai bản đã là anh em một nhà, ta cùng chung sức để bảo vệ biên giới”.

Già Sang vui mừng chia sẻ: “Tôi rất vui khi bà con hai bản A Tin và Ka Lô đều tình nguyện làm tai mắt cho lực lượng chức năng. Bản thân tôi tuy tuổi đã lớn nhưng cũng sẽ cống hiến hết mình”.

Ngày 12/10 hàng năm được người dân bản A Tin và bản Ka Lô (Lào) lấy làm ngày “kết tóc ăn thề”

Xem dân bản Ka Lô là người một nhà, già Sang luôn vận động bà con mình tìm cách giúp đỡ các hộ khó khăn ở bản Bạn. Bao giờ cũng vậy, mỗi lần sang bản Ka Lô ông đều gùi thêm giống sắn, chuối, keo tai tượng theo để tặng các hộ nghèo. Nhiều khi ông còn nhiệt tình ở lại để hướng dẫn bà con cách làm đất, trồng trọt. Không dừng lại ở đó, già Sang còn vận động người dân bản A Tin gom góp hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết cho dân bản Ka Lô. Phong trào “chung sức nhau cùng phát triển” của hai bản nhờ thế ngày càng vững mạnh. Điều làm già Sang và người dân bản A Tin vui mừng nhất là đời sống của bà con bản Ka Lô giờ đây đã được cải thiện đáng kể.

Ngày nay, đến bản Ka Lô, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy những rừng chuối, sắn trải dài, xanh ngút tầm mắt. Dân hai bản thường bảo đây là sắc màu của sự bình yên, no ấm, biểu hiện sinh động tình hữu nghị Việt - Lào. Để làm nên sắc xanh ấy, già Sang cùng rất nhiều người dân A Tin đã cùng bộ đội biên phòng “thắp lửa tình hữu nghị”, cống hiến tâm sức một cách vô điều kiện vì bình yên trên biên giới.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp
Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo

Huyện miền núi A Lưới đã vinh dự khi được công nhận thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước. Đây là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ từ chính quyền và cộng đồng, đặc biệt có vai trò của các già làng, người có uy tín (NCUT). Với tâm huyết và sự hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán, họ đã trở thành cầu nối, giúp bà con dân tộc thiểu số (DTTS) vượt qua khó khăn và phát triển kinh tế bền vững.

Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo
Hiểu Luật An ninh nguồn nước để nuôi trồng thuỷ sản

Đó là nội dung của hội thảo diễn ra ngày 29/10 tại TP. Huế do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển xã hội (CSRD) phối hợp tổ chức, thông qua dự án “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất định hướng phát triển thuỷ sản-mô hình nuôi cá lồng tại huyện A Lưới”. Đại diện lãnh đạo Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi khí hậu (CEWAREC) và CSRD dự, chỉ đạo hội thảo.

Hiểu Luật An ninh nguồn nước để nuôi trồng thuỷ sản
San lấp mặt bằng vi phạm hành lang an toàn tuyến quốc lộ

Ngày 18/10, Hạt Quản lý đường bộ Bình Điền (Công ty CP Quản lý và xây dựng Đường bộ Thừa Thiên Huế) cho biết đã tiến hành lập biên bản xác lập vụ việc, hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với một hộ dân trên địa bàn.

San lấp mặt bằng vi phạm hành lang an toàn tuyến quốc lộ
Return to top