ClockThứ Hai, 15/07/2019 14:29

Rà soát các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh

Cần bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp “Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn” và “người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án”.

Đây là đề nghị của Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh (UBQPAN) của Quốc hội trong Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/7 cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Quang cảnh Phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Viết Tôn

Liên quan đến các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, Chủ nhiệm UBQPAN, Võ Trọng Việt cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với người liên quan đến vụ án đang trong quá trình điều tra, người đang bị thanh tra, kiểm tra mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm, cần ngăn chặn người đó trốn. 

Ngoài ra, các trường hợp như công dân thuộc diện gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt; người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án; người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đóng bảo hiểm xã hội cũng cần bổ sung vào diện tạm hoãn xuất cảnh. 

Thường trực UBQPAN thấy rằng, đây là nội dung có liên quan trực tiếp đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân, liên quan đến quốc phòng, an ninh, sức khỏe cộng đồng, là nội dung quan trọng của dự thảo luật. 

Vì vậy, Thường trực UBQPAN đề nghị thu hẹp diện các đối tượng bị tạm hoãn cho sát hợp với thực tiễn; quy định chặt chẽ hơn các trường hợp bị tạm hoãn để tránh việc lạm dụng, lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền công dân… 

Thường trực UBQPAN đề nghị lược bỏ quy định tại khoản 2 vì mâu thuẫn với luật Tương trợ tư pháp (không dẫn độ công dân Việt Nam ra nước ngoài); lược bỏ quy định “Người có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính” tại khoản 5, vì nội dung quá rộng, thời hạn chấp hành ngắn (10 ngày) và nếu bị tạm hoãn xuất cảnh (tước quyền công dân) thì quá nghiêm khắc, không cần thiết. Đối với người liên quan đến vụ án đang trong quá trình điều tra mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm, đủ căn cứ thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can và đương nhiên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định.

Còn đối với người có nghĩa vụ đóng BHXH mà chưa đóng, công dân thuộc diện gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt thì đề nghị không nên tạm hoãn xuất cảnh, vì đối tượng quá rộng. 

Theo ông Võ Trọng Việt, BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho chính họ, không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt cần phát huy ý thức tự giác chấp hành, không nên ép buộc và tước quyền công dân khi không chấp hành. 

Trong trường hợp vi phạm pháp luật về BHXH, nghĩa vụ quân sự đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định. Đối với nội dung có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghiệp vụ nên đề nghị giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Lê Thị Nga đề nghị rà kỹ lại các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh quy định trong dự luật vì liên quan đến quyền công dân, liên quan tới một nhóm luật đặc biệt là các luật tư pháp. Cụ thể như trường hợp người chấp hành án hình sự, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách theo quy định của luật Thi hành án hình sự đề nghị rà kỹ. Bản chất những trường hợp này là chấp hành án hình sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, người đã có bản án tù kể cả chưa chấp hành thì dứt khoát không được xuất cảnh.  Bà Lê Thị Nga cũng đề nghị rà soát lại nhóm bị tạm hoãn xuất cảnh là "người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại đang có hiệu lực pháp luật, trừ các trường hợp có thể không bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh theo quy định pháp luật thi hành án dân sự". 

Theo bà Lê Thị Nga, có những trường hợp có thể không bị xem xét tạm hoãn. Liên quan nhóm đối tượng tạm hoãn xuất cảnh "có nghĩa vụ theo luật Tố tụng dân sự", bà Lê Thị Nga cho rằng quy định như dự thảo rất rộng. Trong tố tụng dân sự có nguyên đơn, bị đơn, người có quyền, nghĩa vụ liên quan thì dự thảo nói "người có nghĩa vụ". "Nếu xác định nghĩa vụ của họ ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng tới giải quyết vụ án thì báo cáo thường vụ là cái này khó vì vụ án dân sự kéo dài mà ở đây cũng không quy định thời hạn là bao lâu. Do đó, chỗ này quá rộng đề nghị xác định cụ thể hơn, gọn hơn”...

"Đề nghị rà soát các quy định liên quan, tránh ảnh hưởng quyền con người và quyền công dân, đồng thời không để lỏng, tránh trường hợp như thời gian vừa qua. Đồng thời rà soát để quy định  để tránh tùy tiện lạm dụng trong thực tế, hạn chế quyền con người, quyền công dân", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói.

Thứ trưởng Bộ Công an, Lê Quý Vương cũng đồng tình cần rà soát nội dung liên quan đến việc tạm hoãn xuất cảnh.

“Tôi đồng tình ý kiến, diện đối tượng này hơi quá rộng, chưa cụ thể, rất khó cho các cơ quan thực hiện. Tôi băn khoăn, có trường hợp nằm trong quy định thuộc diện tạm hoãn nhưng mắc bệnh hiểm nghèo, cần khẩn trương ra nước ngoài chữa bệnh như ung thư, cấp cứu, mổ xẻ thì giải quyết thế nào?”, Thứ trưởng Bộ Công an nói. 

Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng để quyết định những trường hợp này rất khó vì động chạm quyền con người, quyền công dân. Vì vậy phải rà soát kỹ, để phạm vi tạm hoãn xuất, nhập cảnh phải hết sức chặt chẽ, trừ quyết định của cơ quan tố tụng còn lại nhiều nội dung khác từ thuế khóa, hành chính, dân sự rất phức tạp.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rà soát phương án, sẵn sàng ứng phó bão Yinxing

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã ban hành Công điện số 8356/CĐ-BNN-ĐĐ về việc ứng phó với bão Yinxing gần Biển Đông. Công điện nêu rõ: Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, cơn bão Yinxing đang hoạt động trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Lu Dông (Philippines).

Rà soát phương án, sẵn sàng ứng phó bão Yinxing
Rà soát và phân loại hộ nghèo

Để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu giảm số hộ nghèo trong năm 2024, từ ngày 15/9 đến ngày 10/11/2024, UBND phường Thuận An (TP. Huế) tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm xác định, lập danh sách về hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều để có giải pháp giảm nghèo trong năm 2025.

Rà soát và phân loại hộ nghèo
TP. Huế triển khai rà soát hộ nghèo giai đoạn 2022 - 2025

Nội dung trên vừa được UBND TP. Huế triển khai nhằm rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn thành phố (viết tắt là rà soát hộ nghèo).

TP Huế triển khai rà soát hộ nghèo giai đoạn 2022 - 2025
Return to top