|
Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua các nghị quyết liên quan đến hỗ trợ lực lượng ANTT cơ sở |
Tổ trưởng được hỗ trợ 1.880.000 đồng/tháng/người
Ngày 28/11/2023, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (ANTTCS) đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Luật ra đời đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc, toàn diện cho việc xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ ANTTCS, kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm ANTT trong tình hình mới và góp phần kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; bảo đảm thực hiện tốt hơn các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người và quyền công dân.
Theo tờ trình của UBND tỉnh, lực lượng tham gia bảo vệ ANTTCS được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng hiện có trên địa bàn tỉnh hoặc được tuyển chọn theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT.
Hiện nay, thực hiện quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và của tỉnh, cả 3 lực lượng công an viên (thôn, bản), bảo vệ dân phố, dân phòng trên địa bàn tỉnh đã được thành lập và hoạt động, có tổng số 4.199 người, khi sắp xếp kiện toàn sẽ tinh giảm 638 người.
Về mức hỗ trợ, bồi dưỡng đối với người tham gia bảo vệ ANTTCS: Tổ trưởng Tổ Bảo vệ ANTT là 1.880.000 đồng/tháng/người; Tổ phó Tổ bảo vệ ANTT là 1.520.000 đồng/tháng/người; Tổ viên Tổ bảo vệ ANTT là 1.160.000 đồng/tháng/người. Mức hỗ trợ này đã bao gồm hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, kinh phí đóng bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Tổ bảo vệ ANTT: Đối với Tổ bảo vệ ANTT ở thôn, tổ dân phố loại 1 và loại 2 được hỗ trợ kinh phí hoạt động 3.000.000 đồng/tổ/năm. Đối với Tổ bảo vệ ANTT ở thôn, tổ dân phố loại 3 được hỗ trợ kinh phí hoạt động 2.000.000 đồng/tổ/năm.
Ngoài ra, nghị quyết còn quy định mức hỗ trợ, bồi dưỡng khi thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đồng thời, quy định các điều kiện bảo đảm các hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTTCS.
Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024.
Củng cố, kiện toàn Tổ bảo vệ ANTT
|
Lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo ANTT cơ sở được kiện toàn, tinh gọn (Trong ảnh: Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở tại cuộc thi PCCC ở huyện Quảng Điền) |
Thẩm tra nghị quyết này, Ban Pháp chế HĐND tỉnh khẳng định: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có lực lượng công an viên ở thôn, bản; lực lượng bảo vệ dân phố và lực lượng dân phòng thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ đảm bảo ANTTCS.
Vì vậy, việc UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định tiêu chí thành lập và tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ ANTTCS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là cần thiết, đúng thẩm quyền nhằm kiện toàn, thống nhất lực lượng tham gia bảo vệ ANTTCS. Thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh về việc mỗi thôn, tổ dân phố được thành lập 1 tổ bảo vệ ANTTCS nhằm phối hợp, hỗ trợ thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo ANTTCS.
Về tiêu chí số lượng thành viên Tổ bảo vệ ANTTCS: dựa vào tiêu chí phân loại thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh theo Quyết định của UBND tỉnh là phù hợp. Qua đó, thể hiện sự thống nhất trong việc áp dụng các quy định tại địa phương; đồng thời, phản ánh tính chất công việc và mức độ thuận lợi khó khăn trong quản lý của từng loại thôn, tổ dân phố; làm giảm đáng kể số lượng thành viên theo chủ trương tinh gọn bộ máy, tạo điều kiện để nâng cao chế độ, chính sách cho lực lượng này.
Ban Pháp chế thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh quy định số lượng thành viên mỗi Tổ bảo vệ ANTT theo phân loại thôn, tổ dân phố, cụ thể: Đối với thôn, tổ dân phố loại 1 được bố trí không quá 5 thành viên gồm có Tổ trưởng, 1 Tổ phó và các Tổ viên; Đối với thôn, tổ dân phố loại 2 được bố trí không quá 4 thành viên gồm có tổ trưởng, 1 tổ phó và các tổ viên; Đối với thôn, tổ dân phố loại 3 được bố trí 3 thành viên gồm có tổ trưởng, 1 tổ phó và 1 tổ viên.
Sau khi HĐND tỉnh thông qua nghị quyết, Ban Pháp chế đề nghị UBND tỉnh khẩn trương quyết định số lượng Tổ bảo vệ ANTT cần thành lập, số lượng thành viên Tổ bảo vệ ANTT tại thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý đến từng đơn vị hành chính cấp xã theo đúng quy định khoản 4, Điều 14 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTTCS. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn UBND cấp xã sớm quyết định thành lập Tổ bảo vệ ANTT và từng thành viên tổ. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng thành viên Tổ bảo vệ ANTTCS.
Kết luận tại kỳ họp, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu nhấn mạnh: Đối với Nghị quyết quy định tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ ANTT; tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ ANTT và một số chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ANTTCS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế: Khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức ra mắt, đưa lực lượng này vào hoạt động kể từ ngày 1/7/2024 theo quy định của luật, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần xây dựng thôn, khu phố an toàn về ANTT, bảo đảm cuộc sống bình yên cho Nhân dân.