Khi lực lượng Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh ập vào căn nhà trọ tại phường Vỹ Dạ, TP. Huế, đã phát hiện rất nhiều máy móc, công cụ, tài liệu, con dấu phục vụ cho quá trình làm văn bằng giả của các đối tượng. Đó là, máy in màu, máy tạo mẫu con dấu, máy photo, máy tính…và 1.500 phôi các loại bằng cấp, giấy chứng nhận, chứng chỉ; 200 con dấu của các trường đại học, cao đẳng, sở giáo dục và đào tạo và UBND các cấp; 199 đơn đặt hàng các loại bằng cấp, chứng chỉ đã hoàn thành và giao cho khách hàng.
Ban Chuyên án 420B phát hiện nhiều loại giấy tờ, con dấu, tài liệu giả mạo các cơ quan, tổ chức
Trước đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng CSHS Công an tỉnh đã tìm ra được chân tướng của kẻ cầm đầu là Tạ Chí Hoàng (SN 1992) có hộ khẩu thường trú tại địa chỉ 11A – 3B An Lạc, quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh).
Lần theo dấu vết, Phòng CSHS xác định thêm 3 đối tượng nữa liên quan đến đường dây do Hoàng cầm đầu. Đó là, Nguyễn Hồng Quân (SN 1995), hộ khẩu thường trú tại Thành Công, Ba Đình (Hà Nội); Nguyễn Minh Tá (SN 1995), hộ khẩu thường trú tại phường 4, quận 5 (TP. Hồ Chí Minh) và Trần Xuân Lai (SN 1992), hộ khẩu thường trú tại Tân Cảng, Thuận An (Thừa Thiên Huế).
“Qua nắm tình hình trên không gian mạng, chúng tôi đặc biệt thấy nổi lên trang web: Soplambang.com, sử dụng số điện thoại 0908002896, gmail xuanthanh1141@gmail.com và zalo tên “Thiên” để thực hiện quảng cáo dịch vụ làm bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn. Khi khách hàng có nhu cầu sẽ liên hệ để trao đổi, thống nhất giá cả, hình thức thanh toán”, một cán bộ của Phòng CSHS Công an tỉnh chia sẻ.
Dù 3 đối tượng Hoàng, Quân, Tá đều là người ngoại tỉnh, nhưng sau khi bàn bạc, móc nối chúng đã chọn TP. Huế làm địa bàn dừng chân để thực hiện ý đồ. Do vậy, chúng đã tìm về TP. Huế đến thuê trọ tại địa chỉ số 6, Tùng Thiện Vương, phường Vỹ Dạ. Từ đó, dưới sự điều khiển của Hoàng, cả 3 đã móc nối, kéo theo 1 đối tượng nữa là Lai ở Thuận An lên.
Các đối tượng còn sắm cả xe ô tô xịn để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Thống kê của Phòng CSHS, từ ngày 30/4 đến 5/5/2020, 4 đối tượng đã thực hiện trót lọt 199 tài liệu của cơ quan, tổ chức, thu lợi bất chính khoảng 300 triệu đồng. Hiện, Phòng CSHS, Công an tỉnh đã và đang tiếp tục đấu tranh, mở rộng vụ án để xử lý 4 đối tượng và những người có liên quan.
“Tất cả các loại bằng cấp, chứng chỉ giả đều không có giá trị và sớm muộn gì cũng bị cơ quan, đơn vị, ngành chức năng phát hiện, xử lý. Vì vậy, những ai còn thiếu bằng cấp, chứng chỉ hãy chịu khó đi học để bổ sung, đừng vì muốn nhanh mà đặt hàng với các đối tượng để làm các loại văn bằng giả. Tất cả mọi người đều phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật”, Đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng CSHS, Công an tỉnh khuyến cáo.
Bài, ảnh: Tâm Anh