ClockThứ Hai, 30/04/2012 06:19

A Lưới nơi con đường Hồ Chí Minh huyền thoại đi qua

TTH - Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, A Lưới có hơn 15.000 đồng bào dân tộc thiểu số thì gần 10.000 người tham gia cách mạng, trong đó có hơn 2.000 người là chiến sĩ quân giải phóng và hàng ngàn dân quân hỏa tuyến. A Lưới được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND chống Mỹ cứu nước cùng 16 xã, thị trấn và 8 người con của đồng bào dân tộc được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT. Từ trong khói lửa của cuộc chiến tranh, A Lưới sau hòa bình thực sự vươn vai đứng dậy. Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại hôm nào và hôm nay đang là đại lộ Hồ Chí Minh tạo đường băng cho A Lưới cất cánh.

Ký ức một thời

Cách đây hơn hai chục năm, trong một chuyến công tác lên A Lưới, tôi theo chân cố Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, đồng chí Vũ Thắng lên thăm khu định cư mới của đồng bào dân tộc tại A So. Ngồi trên xe ô tô trên con đường vào khu định cư ai nấy đều phải xắn quần vì nước ngập lai láng vào trong xe. Đồng chí Bí thư cho hay, chúng ta đang lội ngang qua con suối có cái tên nghe đến rờn rợn “suối máu”… thế là câu chuyện được bắt đầu về những địa danh, trận đánh hy sinh ác liệt ở một căn cứ quân sự của Mỹ chiếm đóng trên đất A Lưới.
 
Sân bay A So được đế quốc Mỹ xây dựng từ những năm 1960 hòng tăng cường tiềm lực, khả năng quân sự để chống lại các hoạt động vũ trang của quân và dân ta. Cùng với sân bay A So, chúng còn xây dựng sân bay A Co ở Hồng Thượng, sân bay A Lưới ở thị trấn A Lưới với mục đích khống chế hành lang chiến lược phía Tây dãy Trường Sơn, và ngăn chặn sự lớn mạnh của con đường chiến lược Hồ Chí Minh từ miền Bắc vào và miền Nam ra.
 
Tháng 11/1965, tại Bộ Tư lệnh Quân khu 4, đồng chí Lê Trọng Tấn - Tổng tham mưu phó trực tiếp giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Sư đoàn 325B “Tiêu diệt cụm cứ điểm A So, giải phóng miền Tây Thừa Thiên Huế mở rộng hành lang Tây Trị - Thiên”. Tháng 12/1965, Sư đoàn hành quân vào chiến trường. Sau một tháng chuẩn bị, ngày 10/3/1966, trung đoàn bộ đội chủ lực dùng súng cối 120, DKZ tiến hành tập kích hỏa lực và bắn phá công sự địch suốt đêm và cả ngày hôm sau, làm cho kẻ địch không thể ngóc đầu dậy được. Tối 10/3/1966, Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định ra lệnh cho Trung đoàn 95 tấn công chiếm lĩnh trận địa.
 

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đến thăm cơ sở sản xuất và chế biến cà phê ở A Lưới

Bộ đội ta qua huấn luyện lần đầu tiên vào tác chiến, phải tấn công một cứ điểm kiên cố, chướng ngại vật dày đặc, kéo dài, nhưng tinh thần dũng cảm, người này ngã, người khác lao lên. Tại cửa mở, địch lợi dụng tường hộp phát huy hỏa lực và ném lựu đạn ngăn chặn quân ta, tuy thương vong nhiều nhưng anh em vẫn kiên quyết đánh địch, bám trụ cửa mở tạo điều kiện cho các phân đội thọc sâu vượt lên đánh chiếm trung tâm. Quân địch dù hoang mang, nhưng được tăng cường lực lượng biệt kích Nùng thiện chiến rất ngoan cố, dựa vào công sự trận địa giành giật với ta từng đoạn hào, từng lô cốt. Trời đã sáng ta vẫn chưa dứt điểm được, máy bay địch lồng lộn bắn phá yểm trợ cho bộ binh chúng đóng ở trong đồn. Cuộc chiến đấu giằng co quyết liệt đến 10 giờ ngày hôm sau 11/3/1966, cứ điểm A So bị ta tiêu diệt và làm chủ. Một bộ phận quân địch tháo chạy lên phía bắc hòng thoát thân bằng trực thăng đã bị Trung đoàn 101 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân) tiêu diệt và bắt sống. Tin vui thắng trận lan nhanh, bộ đội địa phương dân quân du kích huyện và các xã Hồng Hạ, Hồng Bắc, Hương Lâm thi nhau truy lùng bắt sống tù binh và giúp bộ đội thu dọn chiến trường, thi hành chính sách thương binh liệt sĩ.
 
Sư đoàn 325B hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với quyết tâm đánh thắng trận đầu, diệt gọn 1 tiểu đoàn và 2 đại đội biệt kích ngụy gần 1000 tên địch, bắt 150 tù binh, thu toàn bộ vũ khí, trang bị giao lại cho địa phương xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, giải phóng hoàn toàn vùng A So, A Lưới của miền Tây Thừa Thiên. Với chiến thắng A So, miền núi Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng và trở thành căn cứ địa kháng chiến của tỉnh và của cả nước.
 
 Mất vị trí chiến lược quân sự quan trọng này, Mỹ và tay sai đã bằng mọi giá tìm cách phá hoại. Kẻ địch tập trung lực lượng binh khí và không từ bỏ bất kỳ hình thức, thủ đoạn tàn bạo nào để hòng đạt được mục đích của chúng, kể cả dùng vũ khí hóa học, chất độc màu da cam, chất phát quang, nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng. Từ tháng 8/1965 đến 12/1970, A Lưới có tới 256 phi vụ rải chất độc hóa học, mà dư lượng chất độc ấy còn để lại hậu quả đến ngày hôm nay. A So trở thành nơi ghi dấu những chiến công của quân và dân ta ở A Lưới, đồng thời là chứng tích tội ác của đế quốc Mỹ, nơi còn lưu lại những cái tên địa danh “suối máu”, “đồi thịt băm”… trải qua hàng thập kỷ vẫn còn quặn xót lòng người.
 
Nơi con đường Hồ Chí Minh huyền thoại đi qua
 
 Đường Hồ Chí Minh được xây dựng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đây là tuyến đường huyết mạch nối liền Bắc Nam để cung cấp binh lực, lương thực, vũ khí, khí tai cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua địa phận A Lưới có tổng chiều dài hơn 100 km; đoạn qua thị trấn A Lưới nay được xây dựng thành đại lộ Hồ Chí Minh, bề rộng 15 m, có dải phân cách và hệ thống đèn đường chiếu sáng. Trong câu chuyện với chúng tôi, đồng chí Bí thư Huyện ủy A Lưới Lê Văn Trừ có nhận xét thật hay: “A Lưới sau hòa bình đã thực sự vươn vai đứng dậy. Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại hôm nào và hôm nay đang là đại lộ đường băng tạo đà cho A Lưới cất cánh”.
 
Sau chiến tranh, A Lưới là một vùng đất khô cằn đầy rẫy hầm hố và bom đạn, núi rừng trơ trọi do chất độc da cam... Trước đây, đồng bào dân tộc A Lưới sống du canh du cư, đói nghèo triền miên. Sắn cũng không đủ ăn chứ nói gì đến hạt gạo. Bệnh tật, đói rét luôn vây bủa. Người dân sống rải rác ở các bản làng sâu tít trong dãy Trường Sơn, đường sá đi lại khó khăn, bà con các bản làng muốn đi lại với nhau phải mất hàng ngày đường; cuộc sống tự cung tự cấp, thiếu thốn đủ bề... Nhớ lại buổi đó, con đường 12 năm xưa lúc đó từ Huế lên có khi mất cả ngày đường, muốn nhanh phải quay ra Quảng Trị, lên đường 9, qua cầu Đakrông mới đến được A Lưới. Con đường dài gấp ba lần, thế đó.
 

Một đoạn đường Hồ Chí Minh qua A Lưới

 
Trở lại câu chuyện trong chuyến đi với đồng chí Vũ Thắng, ngồi trên xe tôi có hỏi: “Cháu có nghe một Đại biểu trong đại hội Đảng bộ A Lưới, tranh luận về việc trồng cây sắn và trồng lúa nước. Xét về hiệu quả kinh tế hiện tại, ở A Lưới trồng lúa nước không bằng trồng sắn?”. Nghe đến đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cười và ân cần vỗ vai tôi như thể trấn an. Đồng chí bảo: “Đúng là hiện tại như thế thật, nhưng hà cớ gì cứ bắt người dân A Lưới theo nếp “phát cốt đốt trỉa” mãi. Phải làm cho bà con dân tộc biết trồng lúa nước, tiếp xúc với khoa học kỹ thuật, tiếp cận với nền văn minh lúa nước chứ và cả tập cho bà con người dân tộc biết đi chợ nữa…”. Tôi cứ nhớ mãi câu trả lời của đồng chí Vũ Thắng tới tận bây giờ. Hôm ấy đến A So, gặp dân mới từ rừng sâu đến khu định cư mới, đồng chí chỉ vào tôi và nói với bà con: “cái miệng của tỉnh đây (ý đồng chí nói là cơ quan phát ngôn), có chi bà con cứ nói với chú ấy, để chú về nói lại với tỉnh giúp bà con… cứ mạnh bạo mà nói hết đi, tui lên trên núi này trước, sau về nghe lại…”. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là trong việc giúp đỡ giống cây trồng, định canh định cư... nên giờ đây bà con đã tự lập hơn, biết chăn nuôi, sản xuất phát triển kinh tế gia đình, cái đói, cái nghèo của bà con dân tộc đã dần lùi vào dĩ vãng. Đồng chí Lê Văn Trừ, Bí thư Huyện ủy A Lưới đã rất tự hào nói với chúng tôi: Sau ngày giải phóng, A Lưới hầu như bắt đầu từ con số không trên tất cả lĩnh vực. Cuộc sống của đồng bào “du canh, du cư - phát cốt đốt trỉa”, thiếu muối, thiếu gạo, thiếu chữ. Điện, đường, trường trạm chưa có... Sau 25 năm đổi mới theo tiếng gọi của Đảng, A Lưới đã có những chuyển mình vượt bậc, có cả điều hệt như giấc mơ hiện nay. Cùng với lượng lớn diện tích nương rẫy và lúa nước, người dân đã phát triển gần 800ha cà phê, hơn 1000ha cây cao su, trong đó đã có 40 ha cho thu hoạch; 10.000ha rừng kinh tế... độ che phủ rừng đạt 68%. Có thể nói đây là một kỳ tích, nếu như ai đã từng chứng kiến sự tàn phá rừng của bom đạn và hóa chất độc hủy diệt của Mỹ rải thảm xuống núi rừng A Lưới. Toàn huyện đã xóa được 2.663 nhà tạm với kinh phí gần 40 triệu đồng/nhà, đồng thời hỗ trợ người dân xây mới 270 nhà khác. Từ 100% hộ dân thuộc diện đói nghèo sau giải phóng, đến nay toàn huyện chỉ còn 23%. 50% cán bộ cơ sở có trình độ chính trị, chuyên môn từ trung cấp đến đại học. Hệ thống giáo dục từ bậc mầm non đến phổ thông trung học được hoàng thiện hàng năm toàn huyện có hơn 100 học sinh thi đỗ vào các trường chuyên nghiệp, đại học… Hệ thống giao thông liên hoàn đã được nhựa hóa, bê tông hóa từ trung tâm huyện lỵ đến thôn bản đã làm thay đổi bộ mặt của thôn bản. A Lưới giờ đây đã nhộn nhịp bước chân du khách. Công trình thủy điện A Lưới đồ sộ cùng những địa danh du lịch sinh thái ở A Roằng, đồi A Bia, thác Anô, Khu bảo tồn Sao La, đường Hồ Chí Minh khang trang bề thế hôm nay qua A Lưới đã làm nô nức lòng dân, thỏa mãn ước mong một ngày con đường kháng chiến gian khổ một thời trở thành đại lộ Hồ Chí Minh, mang lại ấm no, hạnh phúc cho dân đã thành sự thực. Với người dân A Lưới, sung sướng gì bằng sự thực đã có như từng ước mơ.

 Bài và ảnh: Tâm Hành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phong Điền nỗ lực xóa nhà tạm

Không trông chờ vào những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, huyện Phong Điền đã xóa được nhà tạm cho nhiều hộ nghèo ở địa phương.

Phong Điền nỗ lực xóa nhà tạm
Dấu ấn giảm nghèo bền vững ở Quảng Điền

Với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, tiến đến đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao, Quảng Điền đã triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp an sinh xã hội. Trong đó, việc ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với các mô hình giảm nghèo hiệu quả được ưu tiên triển khai đã góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Dấu ấn giảm nghèo bền vững ở Quảng Điền
Ổn định cuộc sống nhờ nguồn vốn vay chính sách

Nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững; đối tượng chính sách ổn định cuộc sống hơn nhờ vào nguồn vốn vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quảng Điền.

Ổn định cuộc sống nhờ nguồn vốn vay chính sách
Chung tay vì người nghèo.

Chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách được triển khai thực hiện trong thời gian qua trên địa bàn TX. Hương Trà đã góp phần tích cực thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Chung tay vì người nghèo
Return to top