ClockThứ Hai, 13/02/2023 06:09

Đào tạo nghề và tạo việc làm cho nông dân

TTH - Từ các lớp đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật sản xuất do Trung tâm Hỗ trợ nông dân (TTHTND) thuộc Hội Nông dân tỉnh tổ chức, nhiều nông dân biết cách làm ăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Đào tạo và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn

Lớp đào tạo nghề may công nghiệp

Anh Nguyễn Phương An Dy ở xã Phong Sơn (Phong Điền) vốn thích chơi cây cảnh, cứ phát hiện cây gì mới lạ thì anh mua về nhà trồng để thỏa đam mê và hướng đến kinh doanh. Tuy nhiên, quá trình chơi cây cảnh, anh Dy “chỉ biết ngắm” mà không hề biết cách chăm sóc, bố trí cây trong chậu, ghép cành, cắt tỉa, tạo dáng...

Hay tin TTHTND mở lớp dạy nghề tạo bonsai cho cây cảnh, anh Dy đăng ký tham gia. Sau khi được học nghề trồng và chăm sóc cây cảnh, anh mạnh dạn đầu tư thiết bị, dụng cụ, vật tư phục vụ nhu cầu công việc tạo dáng, thế cây cảnh. Từ vườn cây “thô” trở thành bonsai đẹp mắt, được nhiều người biết đến. Sản phẩm tiêu thụ trong và ngoài địa phương, cả khách du lịch, vào dịp tết hàng năm. Thu nhập bình quân mỗi năm từ kinh doanh cây cảnh của anh Dy khoảng 150 triệu đồng.

Hộ anh Nguyễn Ngọc Bảng ở thôn Đại Phú, xã Phong Chương (Phong Điền) may mắn được trung tâm nhận vào học nghề chăn nuôi, trồng trọt. Sau khi tiếp thu, nắm bắt kỹ thuật chăm sóc, vợ chồng anh Bảng mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng nấm. Anh Bảng chia sẻ: “Vận dụng kiến thức, khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn phát triển sản xuất, chăn nuôi thật sự mang lại hiệu quả kinh tế, giúp gia đình có cuộc sống ổn định, nuôi con ăn học”.

Tại xã Giang Hải (Phú Lộc), các học viên sau khi được học nghề đã áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên gà, lợn. Nhiều nông dân đầu tư tổ chức sản xuất, kinh doanh như mua lò ấp trứng gà để bán gà giống, nuôi lợn nái phục vụ nhu cầu con giống nuôi tại địa phương… Có khoảng một nửa số hộ nông dân thay đổi cách chăn nuôi gà, lợn truyền thống sang nuôi gia trại, sử dụng đệm lót sinh học.

Một số học viên mặc dù thời gian học chỉ trong vòng ba tháng nhưng được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật đã hành nghề thú y, trở thành cán bộ thú y viên của địa phương. Chẳng hạn như anh Dũng thú y viên xã Phú Vinh (A Lưới), anh Minh thú y viên xã Vinh Mỹ, anh Tám thú y viên xã Giang Hải (Phú Lộc)…

Thông qua các lớp dạy nghề, TTHTND đã xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi mới, trình diễn như nuôi ếch, gà, lợn, thỏ, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi để chuyển giao, nhân rộng cho nông dân. Nhiều mô hình trồng trọt mới được trung tâm triển khai như bưởi da xanh, bưởi thanh trà Huế, trồng ổi lê Đài Loan và thành lập nhiều câu lạc bộ cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá lồng... tại cơ sở.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, kiêm Giám đốc TTHTND, ông Phan Xuân Nam thông tin, thời gian qua, trung tâm phối hợp các cấp hội nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của nông dân, tổ chức chiêu sinh và mở lớp đào tạo nghề ở hai cấp trình độ sơ cấp và dưới ba tháng với các ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp. Đến nay, trung tâm tổ chức hàng trăm lớp với khoảng 5.000 người tham gia học nghề.

Trong đó, phải kể đến TTHTND phối hợp với Trường trung cấp nghề Công nghiệp tàu thủy III đào tạo các lớp trung cấp nghề, kỹ thuật đóng tàu cho hàng trăm con em của nông dân và được giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp tại các nhà máy đóng tàu, các doanh nghiệp. Trung tâm phối hợp với các đơn vị tổ chức đào tạo trung cấp nghề nông nghiệp tổng hợp và chăn nuôi thú y, các lớp sơ cấp nghề may công nghiệp, nghề chế tác kim hoàn… Các học viên sau khi hoàn thành khóa học, đủ tiêu chuẩn được các công ty (đơn vị phối hợp đào tạo) tuyển dụng vào làm việc với thu nhập ổn định.

Qua khảo sát, đánh giá, đối với nghề may công nghiệp có trên 95% học viên đều được trung tâm giới thiệu vào làm việc tại các công ty may trên địa bàn tỉnh với mức thu nhập ổn định; 85% học viên nghề nông nghiệp, dịch vụ mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất và tự tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định kinh tế gia đình. TTHTND liên kết với Công ty CP Quốc tế Hoàn Thiện tổ chức đào tạo nghề và sản xuất gia công chế tác nữ trang mỹ nghệ, giải quyết việc làm thường xuyên cho 70 lao động, thu nhập bình quân mỗi người 5 triệu đồng/tháng.

Gần đây, TTHTND còn phối hợp với các ban, ngành triển khai hàng chục lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho hơn 1.000 hội viên nông dân, kết hợp hỗ trợ cây giống cho nông dân nghèo. Theo đó, trung tâm hỗ trợ gần 2.000 cây chuối già lùn, bưởi da xanh, cam, gần 3 tấn phân bón các loại cho các hộ nghèo ở xã A Roàng (A Lưới) và một số địa phương. Một số sản phẩm của nông dân được trung tâm hỗ trợ hướng đến chuyển đổi số, tiêu thụ sản phẩm, đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn…

Bài, ảnh: H.Thế - Huyền Trang

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những nông dân thu nhập tiền tỷ

Thông qua phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều điển hình nông dân thu nhập tiền tỷ.

Những nông dân thu nhập tiền tỷ
Quán triệt Chỉ thị 42 đến hội viên nông dân Phú Vang

Chiều 20/3, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã quán triệt Chỉ thị số 42-CT/TU, ngày 8/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cho hơn 300 cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện Phú Vang.

Quán triệt Chỉ thị 42 đến hội viên nông dân Phú Vang
Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

TIN MỚI

Return to top