BHXH tỉnh tặng thẻ BHYT cho đồng bào dân tộc A Lưới
Đảm bảo an sinh xã hội
Ông Dương Thanh Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, trên địa bàn huyện có hơn 3.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó hộ nghèo chiếm 40% và hộ cận nghèo chiếm 10%. Những người còn lại không còn được Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT nữa. Mặc dù đã ý thức được tầm quan trọng của thẻ BHYT nhưng nhiều người dân do khó khăn thực sự vẫn chưa thể tham gia, dẫn đến việc có nguy cơ tái nghèo nếu bị ốm đau.
Gia đình chị H. T. O ở thôn Tà Roi, xã A Ngo (A Lưới) không có đất canh tác. Hai vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn mới có tiền nuôi con. “Gia đình đông người lại khó khăn nên tôi rất sợ bị bệnh. Rất muốn tham gia BHYT nhưng hiện tại không đủ tiền nên đành phải chịu. Cũng may, được tặng thẻ BHYT nên gia đình tôi an tâm phần nào, còn tới đây chưa biết tính sao?”, chị O. chia sẻ.
Khi các xã đã đạt đến sự phát triển nhất định thì sự điều chỉnh một số xã từ vùng III, vùng II chuyển sang vùng I để dành nguồn lực cho các xã khó khăn hơn là cần thiết. Điều này dẫn đến nhiều người dân sẽ không còn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ thẻ BHYT. Để tránh tâm lý hoang mang do không hiểu rõ chính sách, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã chủ động phối hợp với UBND các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền ở các xã ra khỏi danh sách khu vực I, II, III; vận động, hướng dẫn cụ thể cho người dân tham gia BHYT hộ gia đình, đồng thời kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ cho những người dân còn khó khăn.
Tính đến tháng 1/2022, BHXH tỉnh cùng với doanh nghiệp đã tặng hơn 1.300 thẻ BHYT cho người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc nhóm không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT sau khi triển khai Quyết định số 861, người chưa có thẻ BHYT thuộc diện “thoát nghèo”, người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế khác...
Từng bước tạo sự đồng thuận
Năm 2021, cán bộ làm công tác BHXH các huyện Nam Đông và A Lưới đã tích cực đến từng khu dân cư, từng hộ gia đình rà soát, tuyên truyền, vận động người dân chịu tác động của Quyết định 861 tiếp tục tham gia BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi của mình.
Tại các khu vực thay đổi chính sách BHYT, nhiều hoạt động tuyên truyền đã được tổ chức nhằm kịp thời thông tin, đảm bảo quyền lợi, nhất là lợi ích của việc tham gia BHYT liên tục 5 năm và ý nghĩa của BHYT trong khám, chữa bệnh… Từ đó, khuyến khích người dân tiếp tục tham gia BHYT theo nhóm hộ gia đình, học sinh, hộ cận nghèo. Nhờ nỗ lực của toàn ngành BHXH, người dân sinh sống ở các huyện miền núi ngày càng hiểu rõ về chính sách BHYT.
Qua tích cực phối hợp với UBND các xã triển khai công tác tuyên truyền, vận động người dân nên số người tham gia BHYT tính đến cuối năm 2021, ở 6 xã không còn được thụ hưởng chính sách BHYT theo Quyết định số 861 của hai huyện Nam Đông và A Lưới có số người tham gia BHYT đạt độ bao phủ hầu hết từ trên 83% đến trên 96% tỷ lệ dân số. Chị P.T.T. M là người dân tộc thiểu số ở xã Thượng Quảng chia sẻ: “Các chị ở xã đã giải thích rất rõ ràng với chúng tôi về những quy định mới cũng như những khó khăn nếu như không có thẻ BHYT. Vì vậy, Nhà nước cho được đến đâu thì mừng đến đó; hết hỗ trợ thì tôi sẽ tự tham gia”.
Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công việc của người dân vẫn còn gặp những khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của họ. Vẫn còn những hộ gia đình không có khả năng tham gia đóng, mặc dù đã hiểu về lợi ích khi tham gia BHYT. Vì vậy, bên cạnh kêu gọi hỗ trợ đóng BHYT, BHXH huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông để đổi mới, nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền theo hướng đa dạng, linh hoạt, thiết thực để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHYT; tập trung đẩy mạnh khai thác người tham gia BHYT hộ gia đình, đặc biệt là hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình để người dân hiểu, đồng thuận với các chính sách của Đảng, Nhà nước và tham gia BHYT, bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh…
Bài, ảnh: Huế Thu