ClockThứ Năm, 14/05/2020 06:15

Để tiền hỗ trợ đến đúng người và không chậm trễ

TTH - Các đối tượng trong nhóm 7 đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo Nghị định 42 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được chi trả; đối tượng là lao động tự do nằm trong nhóm được hỗ trợ vẫn còn trông chờ chính sách này thực thi. Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).

Hơn 149 tỷ đồng chi hỗ trợ cho 134.907 đối tượng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19Xác định đúng đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID - 19

Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Ông có thể cho biết khái niệm người lao động tự do được hiểu như thế nào?

Người lao động (LĐ) tự do được hiểu ở đây là người LĐ không có giao kết hợp đồng LĐ. Theo Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/4/2020, người LĐ không có giao kết hợp đồng LĐ bao gồm những người LĐ làm những công việc bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe mà không có giao kết hợp đồng LĐ.

Vậy cần những điều kiện gì để những đối tượng nêu trên được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng của Nghị định 42?

Căn cứ Khoản 1, Điều 7 Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, người LĐ không có giao kết hợp đồng LĐ bị mất việc làm sẽ được nhận hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Thứ nhất, đối tượng này mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định 59 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian từ ngày 1/4/2020 đến ngày 30/6/2020. Thứ hai, có cư trú hợp pháp tại địa phương. Thứ ba, LĐ thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, làm một trong những công việc: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Làm thế nào để xác định đúng đối tượng này để hỗ trợ, tránh bỏ sót cũng như lợi dụng và phá vỡ chính sách, thưa ông?

Về nguyên tắc đối tượng hỗ trợ phải bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đó cũng là lý do Nghị định 42 quy định hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch.

Về phía chính quyền địa phương, để xác định đúng đối tượng LĐ làm việc không theo hợp đồng LĐ được hỗ trợ, tránh bị lợi dụng và phá vỡ chính sách, địa phương cần nghiên cứu kỹ quy trình được quy định tại Quyết định 15 để triển khai thực hiện. Mỗi hồ sơ đều được niêm yết công khai tại địa phương và có sự tham gia, giám sát của người dân, ủy ban mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể… Hồ sơ trước khi trình lên cấp trên phải được xác nhận của Tổ thẩm định ở địa phương.

Đối tượng nằm trong nhóm thụ hưởng chính sách và chính quyền địa phương cũng cần lưu ý, trường hợp được hưởng từ 2 chính sách trở lên tại Nghị quyết này chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất; đồng thời không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.

Ông có thể nói rõ cách làm, quy trình để đối tượng được hưởng biết và thực hiện?

Có nghĩa, nếu những ai thực sự xét thấy mình nằm trong diện đối tượng LĐ tự do cần hỗ trợ thì làm hồ sơ đề xuất.

Hiện nay, ộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 480 ngày 29/4/2020 về việc công bố các thủ tục hành chính mới ban hành thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ LĐTBXH về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, người LĐ tự do muốn được hỗ trợ thì sau ngày 15 hằng tháng đến nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa cấp xã. Trong vòng 12 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ và kinh phí hỗ trợ. Trường hợp không phê duyệt, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Điều này nhằm bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Đến nay đã thống kê đối tượng lao LĐ tự do nằm trong nhóm được chi trả trên toàn tỉnh và dự trù tổng mức chi trả?

Qua rà soát sơ bộ trên cơ sở báo cáo của các địa phương, toàn tỉnh có 180.777 người LĐ làm việc không có giao kết hợp đồng LĐ bị mất việc làm thuộc đối tượng được hỗ trợ với tổng mức kinh phí chi trả trong tháng 4 là 180,777 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc rà soát này trong giai đoạn đầu điều tra, trước khi có Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ ra đời. Thời điểm đó, các tiêu chí được xác định chưa được quy định cụ thể dẫn đến nhiều đối tượng không thuộc diện hỗ trợ được thống kê và con số thống kê đối tượng nêu trên chưa thật chính xác.

Việc chi trả hỗ trợ thực tế chỉ được thực hiện khi người LĐ có giấy đề nghị hỗ trợ và được thẩm định phê duyệt. Hiện nay, Sở LĐTBXH đang phối hợp với các địa phương để thống kê, cập nhật chính xác số liệu này.

 Hình thức chi trả sẽ được tiến hành như thế nào khi giấy đề nghị hỗ trợ của người dân được phê duyệt, thưa ông?

Hình thức chi trả sẽ thực hiện theo đề nghị của các nhóm đối tượng. Theo đó, nếu được phê duyệt hỗ trợ sẽ có 3 hình thức thanh toán: Nhận trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ; qua bưu điện (theo địa chỉ nơi ở) hoặc chi trả qua tài khoản ngân hàng.

Xin cảm ơn ông!

HOÀI THƯƠNG (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ phối hợp “3 bên”

Sau khi triển khai ký kết quy chế phối hợp nhằm tăng cường mối quan hệ giữa 3 bên, gồm: Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH), Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp xã và Tổ chức dịch vụ thu, số người tham gia các loại hình bảo hiểm tăng đột biến.

Hiệu quả từ phối hợp “3 bên”
Return to top